Cao trào năm 2013 và “đuối dần đều” những năm sau đó
Năm 2013 đã chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng OTT chat trên smartphone ở Việt Nam với sự cạnh tranh của đầy đủ các “đại gia” từ Line, Viber, Kakao Talk, Zalo… khi tràn ngập quảng cáo các ứng dụng này trên mạng xã hội, xe bus, sân bay hay thậm chí trên TVC quảng cáo giờ vàng của VTV. Sau thời điểm này, năm 2014 cũng chứng kiến sự gia nhập thị trường của một số tên tuổi mới như Beetalk hay Btalk. Kết quả trên trang thống kê ứng dụng Appannie đã cho thấy rõ điều này khi các ứng dụng OTT như Line, Kakao Talk , Viber, Zalo… đều có vị trí cao trong bảng xếp hạng ứng dụng Việt Nam và lên xuống giữa các vị trí top đầu khi có sự cạnh tranh cao độ giữa các ứng dụng.
Cụ thể, Kakao Talk bắt đầu lọt vào top 10 ứng dụng tải nhiều nhất ở Việt Nam vào cuối tháng 1/2013 sau sự cố “đường lưỡi bò” của WeChat nhưng sau đó “rớt đài” khi liên tục vấp phải sự cạnh tranh của những đối thủ khác như Line, Zalo, Viber… Phải đến tháng 4 -5/2013, với việc liên tục quảng cáo trên khung giờ vàng VTV và “phủ vàng” (màu đặc trưng của Kakao Talk) ở sân bay Tân Sơn Nhất... ứng dụng này lại thăng hạng khi liên tục nằm trong Top 10 ứng dụng tải nhiều nhất trong vòng 1 tháng trên cả kho tải Google Play (Android) và AppStore (iOS). Đến tháng 7/2013, Kakao Talk bắt đầu lao dốc khi rơi khỏi Top 100 ứng dụng (iOS) và Top 50 ứng dụng (Android) tải nhiều nhất ở Việt Nam.
Sau đó là quãng thời gian “tụt dốc” nhất là khi mối lương duyên giữa Kakao Talk và VTC Online đã chấm dứt vào cuối năm 2013. Đến tháng 11/2016, Kakao Talk nằm ngoài Top 500 ứng dụng tải nhiều nhất ở Việt Nam trên Android và Top 300 ứng dụng trên iOS.
Tương tự như Kakao Talk, quãng thời gian “hạnh phúc” nhất của Line là trong khoảng tháng 2-3/2013 khi nằm trong Top 5 kho ứng dụng Android và Top 10 ứng dụng iOS. Sau đó, ứng dụng này cũng thoái trào và cho đến nay thì Line thường xuyên là “khách quen” trong vị trí Top 50 của cả 2 kho tải Android và iOS.
Còn với Viber, trên bảng xếp hạng kho tải Android, từ đầu năm 2013 đến tháng 3/2014, luôn nằm trong Top 5 ứng dụng có lượt tải nhiều nhất. Tuy nhiên với kho tải của iOS thì phải đến tận tháng 8/2013, Viber mới vào Top 5. Trong khoảng nửa năm Viber đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam (khoảng nửa đầu năm 2015) và chi một số tiền không nhỏ cho các chiến dịch marketing nhưng không làm thay đổi thứ hạng của Viber trên các kho tải ứng dụng. Thậm chí, việc rút văn phòng đại diện ra khỏi Việt Nam của Viber (tháng 7/2015) còn làm ứng dụng này tụt hạng vào cuối năm 2015. Vào thời điểm tháng 11/2016, Viber còn nằm ngoài Top 30 của kho tải Android và ngoài Top 20 của kho tải iOS.
Trong khi đó, hai ứng dụng OTT chat còn lại là Zalo và Facebook Messenger liên tục nằm trong Top 5 các ứng dụng được tải nhiều nhất từ giữa năm 2013 cho đến nay.
Biểu đồ lượt tải của trang thống kê ứng dụng Appnnie cho thấy, sau năm 2013 đầy sôi động của thị trường OTT chat nước ngoài, các ứng dụng bắt đầu có xu hướng “đuối dần”, khi năm 2014 chỉ còn Viber tiếp tục cuộc đua. Minh chứng cho việc này là KakaoTalk đã chấm dứt mối lương duyên với VTC Online cuối năm 2013 hay Viber đóng cửa văn phòng đại diện ở Việt Nam vào tháng 7/2015. Về số lượng người dùng, tháng 7/2015, Viber tuyên bố có khoảng 23 triệu người dùng, tăng gấp gần 3 lần so với mốc 8 triệu người dùng cuối năm 2013. Còn với Zalo, hiện ứng dụng này đã đạt khoảng hơn 60 triệu người dùng ở Việt Nam và 2 triệu người dùng ở Myanmar.
Đây là một kết quả khá ngạc nhiên khi Viber đã đi trước Zalo một khoảng cách xa, khi Line hay Kakao Talk đã có cả trăm triệu người dùng ở thị trường nước ngoài và chi một số tiền khủng cho các chiến dịch marketing, quảng bá ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh chóng của Zalo cũng gây ra cho ứng dụng này không ít “lùm xùm” xoay quanh tính năng “tìm quanh đây” hay các vụ lừa đảo.
Theo số liệu của Appota và Appannie, Zalo và Facebook Messenger đang dẫn đầu thị trường ứng dụng OTT chat. |
Khi các nhà mạng cũng tham chiến thị trường OTT
Cuối năm 2014, VinaPhone đã chính thức ra mắt ứng dụng VietTalk và trở thành mạng di động đầu tiên đưa OTT ra thị trường. Theo đó, ứng dụng hoạt động giống như một SIM ảo cho phép người dùng nhắn tin gọi điện miễn phí trong ứng dụng và nhắn tin với mức phí thấp hơn đáng kể với các thuê bao không sử dụng ứng dụng.
Sau đó, tháng 4/2015, Viettel cũng ra mắt ứng dụng chat Mocha với các tính năng như chuyển tiền, SMS Out cho phép nhắn tin khi ngoại mạng, cùng nghe nhạc… Một năm sau, tháng 4/2016, Mocha tuyên bố có khoảng 3 triệu người sử dụng, trong đó người dùng Mocha không chỉ là khách hàng của Viettel mà có 40% đến từ các mạng khác như gần 200.000 người ở các quốc gia Viettel đầu tư như Haiti, Timor Leste, Lào…
MobiFone là nhà mạng “chậm chân” nhất khi phải đến cuối năm 2015 mới chính thức cung cấp tới khách hàng ứng dụng gọi điện thoại, nhắn tin qua sóng Wi-Fi với tên gọi WiTalk.
Tuy nhiên, số liệu từ Appnnie cho thấy, ứng dụng có thứ hạng cao nhất trong các OTT của nhà mạng là Mocha và ứng dụng này cũng từng lọt vào Top 30 ứng dụng tải nhiều trên kho tải của iOS và Top 50 ứng dụng tải nhiều của Android vào giữa năm 2015.
Như vậy, dù có các ứng dụng xuyên biên giới như Viber, Line, Kakao Talk hay ứng dụng của nhà mạng như Mocha, VietTalk hay WiTalk thì dường như cuộc chiến OTT chat hiện giờ chỉ còn là cuộc đua chính giữa Zalo và Facebook Messenger. Số liệu quý 3/2016 của Appota, đơn vị phân phối game và ứng dụng di động ở Việt Nam cũng cho thấy điều đó khi Zalo đang chiếm 80% thị trường ứng dụng OTT chat, theo sau là Facebook Messenger với 73%, Viber đang bị tụt lại khá xa khi chỉ chiếm khoảng 40% thị phần, Line chỉ còn khoảng 18% thị phần, Kakao Talk đứng ở Top cuối với 3% thị phần.
Liên tục tối ưu hóa sản phẩm và kế hoạch quảng bá hợp lý là lý do khiến Zalo đang vượt qua các đối thủ nước ngoài như Line, Viber hay các ứng dụng từ nhà mạng như Mocha. |
Nguyên nhân nào khiến Zalo vượt qua đối thủ nước ngoài và OTT của nhà mạng
Lý giải về việc ngừng hoạt động văn phòng, đại diện của Viber Việt Nam cho rằng, đơn vị này đã đạt được 23 triệu người dùng và hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam. Bởi vì, bản thân OTT là một nền tảng kết nối đa quốc gia chứ không chỉ mang ý nghĩa đối với từng quốc gia đơn lẻ. Song một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, việc đặt văn phòng đại diện ở một quốc gia mục đích là để khai thác kinh doanh cho ứng dụng. “Tại Việt Nam, các phương thức kiếm tiền của Viber bao gồm bán sticker, Viber out đều quá khó để kiếm được tiền nên việc Viber rút văn phòng đại diện ở Việt Nam và để ứng dụng tự tăng trưởng thuê bao như thời gian trước là điều dễ hiểu’, vị chuyên gia cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, nguyên nhân khiến Zalo vượt qua được Viber, Kakao Talk, Line là do VNG là công ty lớn và nhiều kinh nghiệm về Internet hang top ở Việt Nam nên họ hiểu biết người dùng, biết chi tiền marketing hợp lý và phản ứng nhanh trước những chiến dịch quảng bá của đối thủ. Chưa kể, Zalo chỉ tập trung thị trường Việt Nam nên có sự bám sát người dùng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp, điều mà các công ty xuyên biên giới khác không thể có được. “Dù ban đầu Zalo được đánh giá là kém hơn hẳn so với các ứng dụng OTT chat nước ngoài nhưng qua thời gian thì Zalo đã có sự cải tiến để ngon hơn hẳn và không thua kém gì so với các sản phẩm quốc tế này”, vị này nhấn mạnh.
Một yếu tố khác dẫn đến sự thành công của Zalo là sự “bạo chi” của ứng dụng này không hề thua kém so với các ứng dụng quốc tế khác, từ TVC giờ vàng cho đến quảng cáo xe bus… Các ứng dụng OTT nước ngoài như Kakao Talk, Line, Viber... vào thị trường Việt Nam chủ yếu theo kiểu đầu tư “đi câu”, dồn tiền vào một thời điểm rồi xem sự đón nhận của thị trường. Nếu phản hồi tốt thì tiếp tục đầu tư và kinh doanh, còn không thì sẽ rút sớm để đầu tư cho những thị trường khác chứ ít công ty nào cải tiến sản phẩm cho phù hợp thị trường bản địa. “Zalo đầu tư tiền khủng không kém các công ty ngoại kia, làm thương hiệu tốt, sản phẩm dần hoàn thiện tốt lên và được “may đo” theo nhu cầu thị trường thì về đường dài đương nhiên sẽ có lợi thế hơn hẳn”, vị chuyên gia phân tích.
Còn về OTT của nhà mạng, vị chuyên gia cho rằng, do gia nhập thị trường quá muộn như VinaPhone phải đến cuối năm 2014, hay Mocha thì giữa năm 2015 dẫn đến thị trường OTT chat đã định hình xong và các ứng dụng như Zalo, Viber, Facebook Messenger đều có lượng người dùng lớn nên dù có nhiều lợi thế nhưng các ứng dụng chat của nhà mạng không thể cạnh tranh được với các “gương mặt cũ” của thị trường.
Tuy nhiên, về sự khác biệt của Zalo so với các ứng dụng OTT khác, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG cho biết, Zalo luôn cố gắng cách tân cho sản phẩm của mình như tối ưu để sản phẩm gửi tin nhanh hơn 1/10s. “Dù việc này thoạt nghe không có gì hấp dẫn và người dùng khó cảm nhận thấy nhưng dần dần họ sẽ thấy sự khác biệt”, ông Khải nói.
Thế Phương
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét