Ông Abdurazak Mudesir, Phó Chủ tịch Phụ trách công nghệ 5G Huawei Châu Âu |
Các hãng công nghệ đang nói nhiều về 5G và tương lai của công nghệ này. 5G sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu gì của xã hội thưa ông?
5G không chỉ cải thiện tốc độ của 4G/LTE mà nó tạo ra một khái niệm mới và cần công nghệ mang tính cách mạng. Tôi ví dụ ứng dụng 5G cho xe ô tô tự lái. Ngành ô tô thì không chỉ đòi hỏi độ trễ cực kỳ thấp mà còn là khả năng đoán trước, sự đảm bảo về độ trễ, độ phủ và 5G đáp ứng được điều đó.
Tôi nghĩ mỗi công nghệ mới luôn luôn có thử thách và nếu quá lạc quan thì rất nguy hiểm. Khi tôi lắng nghe những kỳ vọng của những người trong ngành ICT về 5G, dường như mọi người đều kỳ vọng rằng 5G có thể giải quyết được mọi khó khăn của cả lĩnh vực. Ví dụ như nói về ngành năng lượng. Bây giờ không chỉ có các nhà sản xuất làm ra năng lượng mà các cá nhân cũng có thể sản xuất ra năng lượng. Nhiều gia đình đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà của mình, vì thế họ vừa là người bán vừa là người mua năng lượng. Cái khó là làm thế nào để quản lý được những giao dịch đó. Và họ cho rằng 5G cần phải xử lý được vấn đề này. Thế nên, dường như cả ngành ICT đều đang chờ đợi 5G xử lý mọi vấn để. Và tôi tin rằng 5G sẽ tạo ra một thế hệ mới, không giống những thế hệ trước đây. Chúng ta đang chuyển dịch từ việc liên lạc giữa người với người, ví dụ như thông qua smartphone, sang liên lạc thông qua những trung tâm dữ liệu quy mô lớn và những đám mây đóng vai trò lớn trong kỳ vọng về 5G. Tôi nghĩ đúng là sự kỳ vọng này có hơi cao thật, nhưng nó cao theo một cách tốt nhất.
Theo ông, các nhà mạng cần chuẩn bị gì trước khi thương mại hóa 5G? Chính phủ cần làm gì để chuẩn bị cho mạng 5G trong tương lai?
Tôi nghĩ điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, chính phủ là bên có trách nhiệm chủ chốt giúp thu hẹp khoảng cách trước khi đưa ra lộ trình về 5G. Nhưng nhà mạng phải là người cung cấp hạ tầng. Tức là khi cả 2 bên đều muốn đem công nghệ cải tiến này vào các thành phố thì trách nhiệm của cả hai ngang nhau.
Tôi cho rằng Chính phủ phải phát triển băng thông rộng quốc gia. Các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương cũng gặp phải những vấn đề tương tự như các quốc gia ở châu Âu và thậm chí là cả tại Mỹ. Lượng băng thông dành cho các nhà mạng rất nhỏ so với nhu cầu của các ứng dụng sắp tới. Để đáp ứng được các nhu cầu hiện tại, chẳng hạn như để có được những trải nghiệm thực tế ảo thì cần tối thiểu là 4,2 gigabit/giây. Và bạn không thể có được điều đó với lượng băng tần mà các nhà mạng có hiện nay. Chính phủ cần đảm bảo rằng băng tần của các nhà mạng sẽ được tăng thêm.
Thêm nữa, những dải tần có thể mở rộng toàn là dải tần số cao bởi những dải tần dưới 3GHz đã được sử dụng cho GSM, UMTS, LTE; còn những gì chưa được sử dụng thì cũng đang được dự kiến để dành cho LTE. Nếu bạn nghĩ về băng tần cho 5G, nó hầu như chỉ là dải tần trên 3GHz. Chúng tôi hy vọng rằng một vài quốc gia sẽ mở băng tần lên tới 700GHz. Song cơ hội để đến được với băng tần 700GHz là rất nhỏ. Tại Ý, chỉ có băng tần 10MHz cho 5 nhà mạng. Bạn cũng có thể dùng những băng tần đó cho 5G nhưng để dùng cho những mục đích cao hơn thì chắc chắn phải sử dụng tần số cao. Điều đó có nghĩa là với số trạm thu phát bạn đang có ngày hôm nay thì độ phủ tạo ra thấp hơn nhiều so với 4G, như vậy là không thể chấp nhận được. Thế nên, chúng ta cần có thêm nhiều trạm thu phát và các điểm chờ xe buýt cũng như các địa điểm công cộng khác có thể dùng để làm trạm thu phát sóng di động.
Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần chuẩn bị băng tần còn nhà mạng cần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng bởi 5G sẽ được chuẩn hóa trong năm 2018. 5G sẽ không được phổ cập ở bất cứ quốc gia nào trong năm 2018 mà có thể là tới năm 2020.
Đối với nhà mạng cần tận dụng các trạm thu phát được Chính phủ cho phép nhưng cũng phải đảm bảo rằng hạ tầng của bạn tân tiến, hiện đại và sẵn sàng khởi đầu với những công nghệ tiên tiến nhất.
5G có thay đổi mô hình kinh doanh của các nhà mạng hay không?
Tôi xin được lấy ngành ô tô ra làm ví dụ. Hãng BMW phát triển một chiếc xe và sau đó bán nó, đó là cách họ làm. Bạn mua chiếc xe và sở hữu nó. Bạn bỏ tiền ra để bảo dưỡng xe. Đó là mô hình kinh doanh của ngành xe hơi. Tương lai sẽ không như vậy. Tương lai là mọi người mua dịch vụ chứ không mua các sản phẩm phần cứng. Giống như chiếc xe bạn mua, dịch vụ di động bạn dùng cũng là một sản phẩm. BMW, Mercedes, tất cả đều cần những hạ tầng linh hoạt. Ngành IoT, các nền tảng ICT, các trung tâm dữ liệu đều là những mảng kinh doanh hấp dẫn và đều là đất của 5G. Do đó, các công ty cần có tầm nhìn xa hơn về mô hình kinh doanh. Nếu bạn chỉ bán dữ liệu, điều đó có thể là không đủ. Thế nên sự thay đổi về cơ cấu kinh tế là điều tất yếu.
Nếu bạn đang tính phí như cách bạn tính phí lâu nay, chẳng hạn như tính cước bao nhiêu tiền 1 GB dữ liệu, rồi lượng dữ liệu vượt quá gói, cách đó sẽ không bền vững. Nếu bạn có một khu đỗ xe sử dụng công nghệ IoT, sau đó bạn tính phí bằng cách đếm số xe, cách đó cũng không bền vững. Bạn phải tạo ra giá trị và được trả tiền dựa trên giá trị mình tạo ra được. Bạn có thể áp dụng nhiều cách tính phí và cần nền tảng cho các dịch vụ… Vì vậy, các nhà mạng cần xem xét nhiều mô hình kinh doanh khác nhau.
|
Hiện nay, ở Việt Nam rất nhiều nhà mạng đang phát triển các mạng 4G và 3G, vậy các nhà mạng này nên làm gì để đảm bảo hiệu quả đầu tư vào 4G hoặc 5G?
Tôi nghĩ rằng vấn đề không chỉ là phát triển thị trường di động mà những thị trường tiên tiến khác cũng cần được đầu tư. Việc đầu tư vào 4G/LTE trong những năm tới còn nhiều hơn. Nhưng nếu bạn quan sát sự phát triển của các chuẩn 5G hiện nay, các chuẩn này được phát triển như thế nào thì bạn sẽ thấy đương nhiên hạ tầng mới cho 5G là cần thiết, song LTE cũng là một phần của 5G. Những người hoạt động trong lĩnh vực viễn thông nói chung và Huawei nói riêng đều đang cân nhắc xem nên đảm bảo thế nào cho sự đầu tư này và theo định nghĩa tiêu chuẩn thì LTE cũng là một phần trong 5G. Sự tương thích nghịch và thuận là thứ mà chúng ta đang giải quyết trong các tiêu chuẩn về phát triển công nghệ.
Tôi tin rằng chắc chắn 5G sẽ xuất hiện và được nhiều quốc gia cũng như nhà mạng triển khai. Đến 2020 là thời điểm để triển khai 5G, nhưng để đưa công nghệ này đến với đại đa số người dân thì còn cần nhiều năm nữa!
Xin cảm ơn ông!
Thu Nga (Thực hiện)
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét