ictnews
Các doanh nghiệp viễn thông cần đưa ra hướng dẫn dễ hiểu cho người dùng trong việc kiểm soát sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động và các biện pháp để giải quyết khiếu nại thuận lợi hơn.

Nhà mạng phải có hướng dẫn dễ hiểu hơn cho người tiêu dùng để kiểm soát sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng.

Liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động của các doanh nghiệp viễn thông, theo đánh giá được Thứ trưởng Phan Tâm đưa ra tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 10/2016 của Bộ TT&TT, hiện các doanh nghiệp viễn thông di động đã nhận thức đầy đủ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề cần thiết là các doanh nghiệp phải chuyển những nhận thức thành hành động cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng, không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, cam kết chung chung.

Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các doanh nghiệp di động hướng dẫn, tuyên truyền toàn diện hơn, dễ hiểu hơn cho người tiêu dùng trong việc kiểm soát sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, các biện pháp để người sử dụng có thể giải quyết khiếu nại, tố cáo thuận lợi hơn. 

Các doanh nghiệp cần chủ động làm việc với cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể, hoàn thiện quy trình giải quyết khiếu nại đối với người dùng di động cho hợp lý.

“Về các nội dung cụ thể, các đơn vị của Bộ như Cục Viễn thông, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện và sớm có báo cáo về Bộ”, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo.

Trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin liên quan đến việc một số nhà mạng đang “ăn chặn” tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ giá trị gia tăng - VAS (dịch vụ GTGT) mà người dùng không biết hoặc khó có thể kiểm soát, gây ra nhiều lo ngại cho những người đang sử dụng điện thoại di động.

Theo thông tin được Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, một trong những vấn đề người dùng thường xuyên gặp phải khi sử dụng dịch vụ viễn thông di động là các nhà mạng không cung cấp đầy đủ thông tin. Khi mua SIM trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý SIM trên toàn quốc cũng không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên SIM.

Chẳng hạn như SIM đã được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng chưa? Nếu có thì những dịch vụ nào? Đó là các dịch vụ được đăng ký để sử dụng “chính thức” hay là các dịch vụ được “dùng thử”? Hết hạn dùng thử có bị “tự động gia hạn” không? Cú pháp hủy dịch vụ là gì? Có mất phí không?...

Ngay cả khi khách hàng thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ GTGT không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho người tiêu dùng “dùng thử” các dịch vụ.

Trong trường hợp khách hàng không muốn sử dụng cần huỷ ngay theo cú pháp (trong tin nhắn quảng cáo) vì trong trường hợp không huỷ, vẫn “dùng thử” thì một số dịch vụ sẽ được tự động gia hạn mà không cần sự cho phép của người dùng.

Ngoài ra, việc đăng ký sử dụng một dịch vụ GTGT nhất định thông thường sẽ kèm theo một số dịch vụ GTGT khác mà người tiêu dùng không biết.

Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, dấu hiệu quyền lợi người dùng bị xâm phạm đó là thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung tương tự từ một đầu số nhất định; tiền cước hàng tháng tăng bất thường (đối với di động trả trước) và tài khoản bị trừ một khoản tiền bất thường (thuê bao di động trả sau).

Cục Quản lý Cạnh tranh đã đưa ra hướng dẫn chi tiết 3 bước để người dùng di động tự kiểm tra, giải quyết để không bị thiệt hại vì các dịch vụ giá trị gia tăng.

Nguyên Đức

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google