Tổng lưu lượng của cuộc gọi liên tỉnh, quốc tế vào số cố định chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng nên sẽ tác động không nhiều đến khách hàng |
Dành kho số cố định để phát triển di động
Bộ TT&TT cho biết, để đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ... trong từng thời kỳ, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là việc bình thường và cần thiết. Các nước trên thế giới cũng vậy, thông thường khoảng 10-15 năm lại phải điều chỉnh quy hoạch kho số của mình để đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển. Cũng phải nói thêm rằng trong bối cảnh thị trường, công nghệ và dịch vụ tiếp tục phát triển rất nhanh, có nhiều đột phá, dự báo dài hạn ngày càng khó khăn.
Ví dụ 10 năm trước thế giới và Việt Nam chưa từng nghe đến khái niệm Internet vạn vật thì ngày nay đã là hiện thực trên thế giới và bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Internet vạn vật đòi hỏi nhu cầu rất lớn về kho số di động điều mà trước đây quy hoạch kho số chưa thể tính đến.
Việt Nam xây dựng và ban hành quy hoạch kho số lần đầu vào năm 2006 sau khi thực hiện mở cửa, xóa độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông để đảm bao sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Vào lúc đó, để tránh gây ảnh hưởng đến người sử dụng trong khi vẫn đảm bảo kho số sử dụng trong vòng 10 năm nên Quy hoạch năm 2006 giữ nguyên hiện trạng mã vùng và mã mạng đã tồn tại từ trước.
Bộ TT&TT cho biết, trong những năm qua, do việc chia tách và hợp nhất tỉnh, thành phố, độ dài mã vùng của Việt Nam không nhất quán. Ví dụ trước đẩy Vĩnh Phúc có mã vùng là 21, khi tách thành hai tỉnh thì Phú Thọ có mã vùng là 210 và Vĩnh Phúc là 211. Tỉnh thì có mã vùng dài 3 chữ số, tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số nên khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến số cố định, lúc thì quay 10 chữ số, lúc lại quay 11 chữ số, dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ. Điều này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Câu chuyện bên mạng di động cũng tương tự như vậy. Với sự phát triển bùng nổ của thông tin di động trả trước, từ năm 2007 đã bắt đầu sử dụng thêm thuê bao 11 chữ số. Tuy nhiên do thị hiếu, hầu hết mọi người chuộng dùng thuê bao 10 số hơn nên hiệu quả sử dụng của thuê bao 11 số không cao, tỷ lệ rời mạng lớn, lại là nguồn phát tán SIM rác, tin nhắn rác chủ yếu.
Mặt khác, xu hướng chung trên thế giới cũng như ở Việt Nam là thông tin di động tiếp tục bùng nổ và nhu cầu kho số tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại quy hoạch kho số.
Để giải quyết các bất cập có tính lịch sử để lại cũng như nhu cầu phát triển mới đã nêu trên, lần rà soát sửa đổi Quy hoạch năm 2014 (ban hành kèm theo Thông tư 22) đã điều chỉnh lại mã vùng, mã mạng. Việc điều chỉnh đó không chỉ giải quyết các bất cập nêu trên mà còn tính toán cho các lợi ích lâu dài. Thứ nhất, sau khi thực hiện kế hoạch, độ dài quay số khi gọi liên tỉnh hoặc gọi từ di động đến thuê bao cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số. Như vậy, người sử dụng dễ nhớ và ít bị nhầm lẫn hơn. Thứ hai, các tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào một nhóm mã vùng. Ví dụ, nhóm mã vùng 20x là các tỉnh Đông Bắc), mở ra cơ hội sau này dễ dàng giảm mã vùng trên toàn quốc từ 63 như hiện nay xuống còn khoảng 10 vùng. Khi đó người dân sẽ được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng mã vùng chỉ phải trả cước thấp (cước nội hạt).
Thứ ba, sau khi thực hiện kế hoạch, tất cả các mã vùng được đưa về đầu 2, sẽ thu lại được nhiều đầu mã để chuyển thuê bao di động 11 chữ số về 10 chữ số (các thuê bao này vẫn giữ nguyên số thuê bao, chỉ thay đổi mã mạng từ độ dài 3 chữ số về 2 chữ số). Điều này góp phần hạn chế SIM rác, tin nhắn rác mà chủ yếu xuất phát từ thuê bao di động 11 chữ số trong thời gian qua.
Thứ tư, toàn bộ đầu số 1x sẽ dùng cho thuê bao di động với phương thức giao tiếp giữa thiết bị với thiết bị, có được hàng tỷ số phục vụ cho phát triển Internet vạn vật.
Thứ năm, việc chuyển đổi mã vùng là một bước thực hiện quy hoạch kho số viễn thông, đảm bảo tài nguyên viễn thông được sử dụng hiệu quả, góp phần cho thị trường viễn thông phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để đem lại ngày càng nhiều lợi ích hơn cho người dân và xã hội.
Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ tác động thế nào?
Bộ TT&TT khẳng định, việc chuyển đổi mã vùng không ảnh hưởng đến số thuê bao, số thuê bao vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ, số cố định tại Hà Nội là 23456789, sau khi chuyển đổi từ mã vùng cũ (4) về mã vùng mới (24) thì số cố định đó vẫn là 23456789. Nghĩa là, khi thực hiện cuộc gọi nội hạt (từ cố định đến cố định trong cùng một tỉnh, thành phố) sẽ không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới. Ví dụ, nếu gọi từ di động vào số cố định tại Hà Nội là 23456789, trước khi đổi mã vùng ta quay số 04.23456789, thì sau khi đổi mã vùng ta quay số 024.23456789. Nghĩa là chỉ thay mã vùng cũ (4) bằng mã vùng mới (24) khi quay số.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều, hơn nữa tác động này cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, khi người sử dụng quen với mã vùng mới thì không còn ảnh hưởng nữa. Nói cách khác, khi thay đổi mã vùng tuy có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ, đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng ví dụ như: card visit, bao bì, biển quảng cáo...), phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu trên điện thoại di động...
Bộ TT&TT cho rằng, để giảm thiểu tối đa việc mất liên lạc có thể xảy ra trong và sau quá trình chuyển đổi, việc thực hiện quy trình chuyển đổi tuân thủ theo Khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Theo đó, việc chuyển đổi được được hành đủ 4 bước cụ thể như sau:
Việc chuyển đổi này sẽ được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, cơ quan quản lý viễn thông các nước, Liên minh Viễn thông Quốc tế trước thời điểm chuyển đổi tối thiểu 60 ngày (thực tế thời gian thông báo trước thời điểm chuyển đổi dài hơn, ngắn nhất là trên 80 ngày và dài nhất là trên 200 ngày, tùy từng giai đoạn chuyển đổi cho phép có điều kiện thông báo dài. Ngoài ra, các thông báo, tờ rơi hướng dẫn chuyển đổi mã vùng...sẽ được các doanh nghiệp viễn thông sớm gửi đến tất cả các đối tượng chịu sự ảnh hưởng trong thời gian tới).
Các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành các biện pháp kỹ thuật để quay số song song trong thời gian 30 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi (ví dụ: Trong thời gian này người sử dụng quay số theo mã vùng cũ vào thuê bao tịa TP. Hà Nội là 04.23456789 hoặc quay số theo mã vùng mới là 024.23456789 thì cuộc gọi đều thành công). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ phải duy trì âm thông báo trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song (Trong thời gian này các cuộc gọi quay số theo mã vùng mới được tiến hành bình thường, các cuộc gọi quay số theo mã vùng cũ được định tuyến vào âm thông báo, bằng tiếng Việt và tiếng Anh đối với cuộc gọi trong nước, tiếng Anh đối với cuộc gọi từ quốc tế). Ngoài ra, thời điểm chuyển đổi là vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, tránh các ngày lễ, Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng... để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến các cuộc gọi.
Nhóm phóng viên ICT
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét