Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì buổi họp báo công bố Kế hoạch chuyển đổi mã vùng diễn ra chiều qua, ngày 22/11/2016 (Ảnh: Việt Hải) |
Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp công bố Kế hoạch chuyển đối mã vùng được Bộ TT&TT tổ chức vào chiều ngày 22/11/2016, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, năm 2014 Bộ TT&TT đã ban hành Quy hoạch kho số viễn thông mới và Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này là một trong những nội dung để triển khai Quy hoạch kho số viễn thông.
Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, việc chuyển đổi mã vùng lần này nhằm đạt được một số mục tiêu đã được đặt ra khi Bộ TT&TT thực hiện quy hoạch lại kho số viễn thông. Trong đó, một trong những mục tiêu cơ bản đối với Kế hoạch chuyển đổi mã vùng là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thông tin di động tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn tới. Thời gian qua, xu hướng Internet vạn vật (Internet of Things, IoT - PV) đã được nói đến rất nhiều và dự báo đến năm 2050 có khoảng 50 tỷ kết nối di động. Chính vì vậy, việc triển khai Quy hoạch kho số viễn thông trong đó có nội dung chuyển đổi mã vùng là để đáp ứng nhu cầu phát triển rất bức thiết này.
Về vấn đề này, trước đó, trong thông tin cung cấp cho báo chí, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đã cho biết: toàn bộ đầu mã 1x sẽ được dùng cho thuê bao di động với phương thức giao tiếp giữa thiết bị với thiết bị, có được hàng tỷ số phục vụ cho phát triển Internet vạn vật lâu dài.
Mục tiêu thứ hai đặt ra khi triển khai Kế hoạch chuyển đổi mã vùng, theo Thứ trưởng Phan Tâm, đó là sau khi chuyển đổi sẽ có được một bảng mã vùng mới dễ nhớ và công bằng hơn với người sử dụng. “Đối với Quy hoạch kho số viễn thông được ban hành năm 2006, do thực tiễn của việc chia tách và sáp nhập tỉnh/thành phố trong những năm qua, hiện nay mã vùng của Việt Nam có độ dài không đồng nhất: có tỉnh có độ dài mã vùng là 1, có tỉnh có độ dài mã vùng là 2 và thậm chí là 3. Sau khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng mới được Bộ TT&TT ban hành, trừ Hà Nội và TP.HCM có độ dài mã vùng gồm 2 chữ số, các tỉnh, thành phố còn lại sẽ có độ dài mã vùng đồng nhất gồm 3 chữ số”, Thứ trưởng Phan Tâm phân tích.
Một mục tiêu nữa mà Bộ TT&TT hướng tới khi thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng, đó là tạo điều kiện để chuyển các mã mạng di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay. Cụ thể, sau khi chuyển đổi mã vùng, sẽ dành ra được một số mã vùng để sử dụng làm mã mạng di động và các thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển sang mã mạng di động mới. “Như vậy, sắp tới tất cả thuê bao di động của Việt Nam sẽ có độ dài đồng nhất là 10 chữ số. Tôi nghĩ điều này người dân sẽ rất ủng hộ”, Thứ trưởng nhận định.
Bên cạnh đó, mục tiêu và cũng là một lợi ích mà người dân và xã hội sẽ được hưởng từ việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này, theo chia sẻ của Thứ trưởng Phan Tâm, đó là khi chuyển đổi mã vùng, các tỉnh, thành phố liền kề được gom chung vào một nhóm mã vùng, mở ra cơ hội sau này khi có điều kiện có thể dễ dàng thực hiện giảm các vùng cước từ 63 vùng cước như hiện nay xuống còn khoảng 10 vùng cước. Khi đó, người dân được hưởng lợi vì các cuộc gọi trong cùng nhóm mã vùng sẽ chỉ phải trả cước nội hạt thay vì trả cước liên tỉnh như hiện nay.
Trả lời câu hỏi về những ảnh hưởng của việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi mã vùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, chắc chắn một số người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khi chuyển đổi mã vùng, cụ thể một số ảnh hưởng bất lợi đến người dân có thể xảy ra như: có thể bị gián đoạn liên lạc khi người dân thực hiện các cuộc gọi liên tỉnh; người nước ngoài gọi về mạng cố định ở Việt Nam hoặc khi người dân thực hiện các cuộc gọi từ mạng di động sang mạng cố định.
Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức trong hoạt động hoặc trong các sản phẩm của mình có sử dụng mã vùng, do đó khi khi mã vùng thay đổi sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ như danh bạ điện thoại, danh thiếp, biển quảng cáo… của cá nhân, doanh nghiệp có thể phài làm lại; người dùng di động có thể phải sửa lại mã vùng cho các số cố định đã lưu trong điện thoại…
Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định: “Khi xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mã vùng lần này, mối quan tâm hàng đầu của Bộ TT&TT là làm sao để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng không có lợi (nếu có) đối với người dân, xã hội”.
Đề cập cụ thể hơn về những biện pháp được Bộ TT&TT đưa ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tác động của việc chuyển đổi mã vùng đến người dân, doanh nghiệp, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, Kế hoạch chuyển đổi mã vùng mới được Bộ ban hành bám sát các kinh nghiệm tốt nhất của quốc tế cũng như các khuyến nghị của Liên minh Viễn thông quốc tế về chuyển đổi mã vùng.
Cụ thể, sẽ tiến hành chuyển đổi mã vùng của các tỉnh, thành phố theo đủ 4 bước. Trước tiên là thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng trong nước, thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông ở nước ngoài, cơ quan quản lý viễn thông của các nước và cho Liên minh Viễn thông quốc tế để tất cả các bên có liên quan đều biết được thông tin về việc Việt Nam thực hiện chuyển đổi mã vùng.
Thứ trưởng cho biết thêm: “Thời gian thông báo theo khuyến nghị của quốc tế là tối thiểu 60 ngày. Nhưng trên thực tế, đối với nhóm 13 tỉnh, thành phố chuyển đổi đợt đầu, thời gian Bộ TT&TT áp dụng để thông tin tuyên truyền là gần 3 tháng. Còn với các nhóm tỉnh, thành phố thực hiện ở giai đoạn 2 và 3, thực tế người dân và xã hội được thông tin tuyên truyền tới gần 200 ngày. Như vậy, thời gian để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị cho việc thực hiện chuyển đổi mã vùng là rất dài”.
Sau khi thực hiện thông tin tuyên truyền để người dân chuẩn bị, Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông mới bắt tay vào chuyển đổi mã vùng trên thực tế. Việc này được diễn ra từ ngày 11/2/2017. Khi bắt đầu chuyển đổi mã vùng, trong tháng đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ cho phép triển khai quay số song song, nghĩa là người dân gọi theo mã vùng cũ hay mã vùng mới thì cuộc gọi vẫn thực hiện được, thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Sau 1 tháng thực hiện quay số song song, sẽ duy trì âm thông báo; nghĩa là nếu người dân gọi theo mã vùng mới, cuộc gọi diễn ra bình thường; nếu người dân chưa nhớ mã vùng mới, vẫn gọi theo mã vùng cũ thì họ sẽ nhận được âm thông báo cho biết mã vùng người đó gọi đã bị thay đổi, thông tin về mã vùng mới và đề nghị người dân gọi theo mã vùng mới.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định: “Với cách làm trên, nguy cơ rủi ro, gây gián đoạn thông tin liên lạc trong quá trình chuyển đổi mã vùng cũng được giảm thiểu rất nhiều”.
Lộ trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh, thành phố
- Giai đoạn 1: chuyển đổi mã vùng của 13 tỉnh, thành phố gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Thời gian bắt đầu chuyển đổi là từ 0h ngày 11/2/2017, kết thúc thời gian quay số song song vào 23h59 ngày 12/3/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo vào 23h59 ngày 14/4/2017.
- Giai đoạn 2: chuyển đổi mã vùng 23 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Bắt đầu chuyển đổi từ 0h ngày 15/4/2017, kết thúc quay số song song vào 23h59 ngày 14/5/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo từ 23h59 ngày 16/6/2017.
- Giai đoạn 3: chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp. Bắt đầu chuyển đổi từ 0h ngày 17/6/2017, kết thúc quay số song song từ 23h59 ngày 16/7/2017 và kết thúc thời gian duy trì âm thông báo từ 23h59 ngày 31/8/2017.
M.T
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét