Facebook đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì vai trò của mình trong cuộc bầu cử Mỹ 2016 khi cho phép nhiều chiến dịch tuyên truyền “đội lốt” tin tức lan truyền trên nền tảng mà không được kiểm tra.
Các thông tin thất thiệt được chia sẻ suốt cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tệ đến mức Tổng thống Barack Obama gọi Facebook là “đám bụi vô nghĩa”. Dù nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định “99% thông tin trên Facebook là thật”, tình hình vẫn không khá lên. Facebook nhấn mạnh việc nhận ra đâu là tin chính xác và đâu là “tin vịt” là vấn đề kỹ thuật khó.
Tuy nhiên, điều này có thật sự khó xử lý như vậy?
Từ trái qua phải: Anant Goel, Nabanita De, Catherine Craft and Mark Craft |
Có lẽ không. Trong cuộc thi hackathon tại Đại học Princeton, 4 sinh viên đã phát triển phần mềm dưới dạng tiện ích Chrome chỉ trong 36 tiếng. Họ đặt tên dự án của mình là “FiB: Stop living a lie”. Nhóm bao gồm: Nabanita De, sinh viên năm hai chuyên ngành Khoa học máy tính tại Umass Amerst, Anant Goel, tân sinh viên Purdue, Mark Craft và Catherine Craft, sinh viên năm hai trường Illinois Urbana-Champaign.
Phần mềm kiểm tra độ xác thực của tin tức trên News Feed hoạt động như sau: Nó phân loại mọi bài đăng, là ảnh chụp màn hình, ảnh có nội dung người lớn, link giả mạo, link mã độc, link tin tức giả mạo và dán nhãn xác thực hoặc chưa xác thực nhờ trí tuệ nhân tạo.
“Với các liên kết, chúng tôi đánh giá mức độ uy tín của website, tra cứu trong cơ sở dữ liệu các website lừa đảo, mã độc và kiểm tra nội dung trên Google/Bing, gọi các tìm kiếm có độ tin cậy cao và kết luận link đó có được hiển thị cho người dùng hay không. Với các bức ảnh như ảnh chụp Twitter, chúng tôi chuyển ảnh thành ký tự, sử dụng tên người dùng được nhắc đến trên tweet để lấy tất cả tweet của người đó và xem liệu có phải người đó đã đăng tin tweet ấy không”.
Sau đó, tiện ích thêm một tag nhỏ ở góc để báo hiệu câu chuyện đó đã được xác thực hay chưa. Chẳng hạn, nó phát hiện tin tức nói về việc bệnh ung thư có thể được chữa trị bằng cần sa là giả (not verified), còn tin về hoạt hình Simpsons dự đoán đúng kết quả bầu cử Mỹ là chính xác (verified).
Tin tức chưa được xác minh |
Tin tức đã được xác minh |
Nhóm sinh viên đã phát hành tiện ích dưới dạng dự án nguồn mở để bất kỳ lập trình viên nào cũng có thể cài đặt và thay đổi nó tốt hơn.
Một tiện ích có khả năng phát hiện tin giả mạo không phải giải pháp tốt nhất cho Facebook mà mạng xã hội nên xóa bỏ tất cả mọi thứ hoàn toàn chứ không chỉ gắn một tag nhỏ bé bên cạnh. Dù vậy, 4 sinh viên trên cho thấy thuật toán có thể được phát triển với một số tiêu chuẩn hợp lý để xác minh tin tức trước mắt độc giả khi họ đang cân nhắc có nên bấm vào xem hay không. Chưa kể, Facebook còn là một trong những công ty tài trợ sự kiện hackathon này.
Du Lam (Theo BI)
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét