Buổi làm việc của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia với Tập đoàn Viettel ngày 26/10 do Thứ trưởng Phan Tâm, Trưởng Ban công tác chủ trì (Ảnh: Đỗ Vân) |
Ngày 26/10/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Viettel để nắm bắt thông tin, kịp thời ghi nhận các hoạt động của doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu chung của công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.
Đây là hoạt động trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được ban hành theo Quyết định 936 ngày 2/6/2015 của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Trước đó, từ ngày 20 - 25/10/2016, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai IPv6 tại Việt Nam gồm: VNPT, MobiFone, FPT Online/VnExpress và FPT Telecom.
Tại buổi làm việc, đại diện Viettel cho biết, dưới sự điều hành của Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, Viettel đã tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi, bám sát lộ trình quốc gia. Trong đó, giai đoạn trước năm 2015 là giai đoạn chuẩn bị, đào tạo nhân sự (tham gia các khóa đào tạo do VNNIC tổ chức và đào tạo nội bộ), đầu tư hạ tầng mạng lưới sẵn sàng cho IPv6. Từ năm 2015 đến tháng 6/2016 - giai đoạn khởi động, Viettel đã thử nghiệm trên lab, cung cấp thử nghiệm dịch vụ trên tập khách hàng thật tại Vũng Tàu.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2019, Viettel sẽ thực hiện chuyển đổi IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định, di động và hosting IDC. “Đến nay, hạ tầng mạng lưới của Viettel đã sẵn sàng hỗ trợ IPv6 cung cấp dịch vụ cho khách hàng”, đại diện Viettel cho hay.
Đề cập đến những kết quả triển khai IPv6 của tập đoàn trong thời gian qua, theo đại diện Viettel, bên cạnh việc triển khai thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ 4G LTE (hoàn thành triển khai hạ tầng mạng thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ 4G tại Vũng Tàu; thử nghiệm thành công cấp phát IPv6 cho các thuê bao 4G Vũng Tàu truy cập; đang tiến hành thử nghiệm IPv6 truy cập các dịch vụ VAS-CP của Viettel như MobileTV, keeng…), Viettel đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định.
Cụ thể, vào quý II/2015, thực hiện rà soát toàn bộ các thiết bị cung cấp dịch vụ băng rộng cố định về khả năng hỗ trợ IPv6: 100% các thiết bị lớp lõi core Internet đã hỗ trợ IPv6, 85% các thiết bị BRAS đã hỗ trợ IPv6. Những thiết bị không hỗ trợ IPv6 đang có lộ trình chuyển đổi sang thiết bị hỗ trợ IPv6.
Tiếp đó, quý IV/2016, tập đoàn đã thử nghiệp thành công triển khai IPv6 cho dịch vụ băng rộng cố định trên mạng Lab tại Hòa Lạc. Trong quý I/2016, triển khai thử nghiệm cung cấp IPv6 cho khách hàng tại Vũng Tàu: kích hoạt IPv6 cho một tập khách hàng băng rộng cố định tại Vũng Tàu, với 113 thuê bao FTTH-GPON được kích hoạt IPv6 tính đến ngày 14/10/2016. Dự kiến, tháng 12/2016, Viettel sẽ mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và sẽ tiếp tục mở rộng cho các khách hàng tại những tỉnh, thành phố còn lại trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh việc triển khai mở rộng kết nối và tăng trưởng lưu lượng IPv6 trong nước qua trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX); Kết nối và trao đổi lưu lượng IPv6 ra quốc tế, Viettel cũng triển khai hỗ trợ IPv6 trong dịch vụ hosting IDC.
Theo đó, về hạ tầng mạng, đã hoàn thành 100% triển khai IPv6 thiết bị mạng gồm lớp mạng core, lớp distribution và lớp access trong tháng 8/2016. Đồng thời, Viettel cũng đã hoàn thành kích hoạt IPv6 cho website nội bộ Viettel IDC tại địa chỉ: viettelidc.com.vn.
Còn về dịch vụ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng hosting chạy đồng thời cả IPv4 và IPv6: sẵn cung cấp dịch vụ hosting linux IPv6 cho khách hàng mới khu vực miền Nam từ tháng 8/2016; đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 colocation tại Pháp Vân, Hoàng Hoa Thám, dịch vụ Cloud VPS IPv6 tại Bình Dương. Dự kiến, tháng 11/2016 Viettel sẽ kích hoạt IPv6 trên hosting chạy Windows và hoàn tất triển khai, sẵn sàng cung cấp dịch vụ.
Đối với việc dán nhãn IPv6 ready logo cho website trang chủ và các website thông tin cung cấp dịch vụ của tập đoàn, hiện Viettel đã kích hoạt trang web viettel.com.vn hỗ trợ IPv6, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2016 các đầu việc: kích hoạt IPv6 trên hạ tầng mạng, các hệ thống CNTT kết nối tới server hệ thống viettel.com.vn, khai báo DNS cho trang web viettel.com.vn và kích hoạt IPv6 trên server viettel.com.vn.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, đại diện Viettel cho biết, với mạng băng rộng cố định, dự kiến tháng 12 năm nay, tập đoàn sẽ triển khai hạ tầng mạng lưới sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 636.426 khách hàng băng rộng cố định (công nghệ GPON) tại 28 tỉnh gồm: Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang theo lộ trình đưa thiết bị quản lý khách hàng băng rộng cố định -thiết bị BRAS xuống tỉnh. Các tỉnh còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2017.
Với mạng di động, Viettel dự kiến hoàn thành nâng cấp 1 dịch vụ VAS-CP hỗ trợ hạ tàng IPv6 trong quý IV/2016. Quý II/2017 hoàn thành nâng cấp toàn bộ các dịch vụ VAS-CP hỗ trợ IPv6, với tổng số khoảng 500 server dịch vụ. Và quý IV/2017 sẽ cung cấp IPv6 cho khách hàng 4G LTE.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá, thời gian qua Viettel đã tập trung triển khai chuyển đổi IPv6. Tập đoàn cũng đang triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 theo kế hoạch chung đã được Bộ TT&TT ban hành. Tuy nhiên, cũng như Viettel thừa nhận kết quả triển khai IPv6 của Tập đoàn vẫn chưa như kỳ vọng của Ban công tác đối với doanh nghiệp Viễn thông - CNTT hàng đầu. “Viettel là một trong các thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế về dịch vụ Internet, di động, nếu triển khai hỗ trợ IPv6 sẽ là động lực lớn hướng tới kết quả triển khai IPv6 chung của Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, qua số liệu của Viettel, về cơ bản tập đoàn đã sẵn sàng mạng lưới, quan trọng là đã có kế hoạch chuyển đổi rộng hơn cho mạng FTTH, 4G đã khẳng định sẵn sàng chuyển đổi IPv6; và các thiết bị tập đoàn sản xuất cũng đã ưu tiên đáp ứng tương thích IPv6.
Đánh giá cao những nỗ lực của Viettel thời gian qua, tuy nhiên Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ rõ, từ góc độ triển khai dịch vụ, Viettel vẫn còn chậm. Số lượng người dùng IPv6 của tập đoàn còn thấp, mới có 2.600 người dùng IPv6. Con số này còn rất khiêm tốn so với hơn 90 triệu khách hàng của tập đoàn, khiêm tốn so với tiềm lực và khả năng của Viettel. Thứ trưởng hy vọng sang đầu năm 2017 tới, bức tranh về kết quả triển khai IPv6 của Viettel sẽ sáng lạn hơn.
Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Viettel trong thời gian từ nay đến cuối năm 2016 và đặc biệt là sang năm 2017, cần quyết liệt triển khai ứng dụng IPv6 trong nội bộ tập đoàn ngay từ khối lãnh đạo để sau đó có thể truyền thông về công nghệ mới, lợi ích, tiện ích của IPv6. “Các máy tính nhân viên, các dịch vụ CNTT nội bộ, kết nối Internet là tập khách hàng rất lớn, do đó việc Viettel chủ động triển khai trong nội bộ sẽ là trải nghiệm tốt, lấy kinh nghiệm khi triển khai IPv6 cho các khách hàng khác của mình”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý, Viettel bên cạnh triển khai các ứng dụng IPv6 cho nội bộ, cần lưu ý việc triển khai, gán nhãn hỗ trợ IPv6 cho website trang chủ và các website thông tin cung cấp dịch vụ của tập đoàn và công ty thành viên.
VNNIC cho biết, năm 2016 là năm bắt đầu Giai đoạn 3 - Giai đoạn chuyển đổi trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, việc nắm bắt hiện trạng triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
M.T
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét