Ảnh minh họa |
Thông tin trên được ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí đưa ra tại Hội nghị phổ biến Luật Báo chí Năm 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức sáng ngày 28/10/2016.
Đây được xem là một trong những điểm mới được đưa vào Luật Báo chí năm 2016. Theo đó, khi cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên báo chí và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Và khi cơ quan báo chí đăng, phát lời cải chính, xin lỗi trên trang của mình, các trang tin điện tử tổng hợp đã lấy lại bài viết cũng phải đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.
Cơ quan báo chí đã đăng, phát nội dung thông tin vi phạm, sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi phải có trách nhiệm thông báo cho các trang thông tin điện tử có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để các bên thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi.
Bên cạnh đó, khi trang tin điện tử tổng hợp đăng lại nội dung vi phạm cũng bị xử lý về sai phạm của mình.
Như vậy, với quy định mới này, các trang tin điện tử tổng hợp phải có trách nhiệm với việc chọn lọc và lấy lại thông tin trong thời gian tới. Đồng thời sẽ không thể dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm khi đăng lại các thông tin vi phạm, gây ảnh hướng xấu đến cơ quan, tổ chức hay cá nhân. Đa phần trước đây các trang tin điện tử tổng hợp thường lẳng lặng gỡ bài ra khỏi trang và xem như chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng bây giờ họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật Báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016 vừa qua gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Luật Báo chí năm 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Lê Mỹ
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét