"Vùng Chết" ở độ cao 7.600 m trở lên khiến con người hô hấp khó khăn và khó tồn tại lâu do thiếu oxy.
Người bình thường ở độ cao lớn phải dùng oxy đóng chai để không bị mắc chứng say độ cao. Ảnh: Lets get physical. |
Phổi và hệ tuần hoàn của con người được tối ưu hóa để hoạt động trong điều kiện khí quyển ở độ cao ngang bằng với mực nước biển hoặc vùng lân cận, theo Seeker. Trọng lực giữ cho không khí tập trung sát mặt đất, làm cho không khí trở nên đậm đặc và chứa nhiều oxy. Nhưng khi con người đi lên độ cao lớn, áp suất không khí giảm dần, không khí trở nên mỏng và chứa ít oxy hơn, phổi sẽ gặp nhiều khó khăn để hít thở.
Tại độ cao 2.500 m hoặc trong cabin điều áp của máy bay tiêu chuẩn, một số người gặp triệu chứng nhẹ của tình trạng thiếu oxy lên não. Quá trình hô hấp trở nên dồn dập và nhịp tim gia tăng nhằm cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Bạn có thể bị đau đầu hoặc buồn nôn. Nếu bạn đang uống rượu, tình trạng thiếu oxy sẽ làm tăng cảm giác say rượu.
Các vấn đề trên ngày càng nghiêm trọng hơn nếu bạn lên tới độ cao 5.500 m. Khi đó, lượng oxy trong không khí chỉ bằng một nửa so với lượng oxy ở mực nước biển.
Khu vực có độ cao trên 7.600 mét trong khí quyển được gọi là "Vùng Chết". Ở độ cao này, con người không thể tồn tại lâu dài do thiếu oxy trong không khí loãng. Các nhà leo núi rất dễ bị say độ cao khi leo lên Vùng Chết.
Tại đỉnh núi Everest cao nhất thế giới (cao 8.848 m), áp suất khí quyển chỉ bằng một phần ba so với mực nước biển. Nếu leo lên đỉnh núi ngay lập tức từ mực nước biển, bạn sẽ bị mất ý thức và chết trong vòng vài phút. David Breashears, nhà leo núi người Mỹ, cho biết ngay cả khi sử dụng oxy đóng chai trên đỉnh núi, người leo núi vẫn cảm thấy như đang chạy trên máy chạy bộ và hít thở qua một ống hút.
Xem thêm: Cú nhảy không dù từ độ cao 7.600 m dưới góc nhìn khoa học
Lê Hùng
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét