ictnews
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, một số tổ chức độc lập đánh giá 3G của Việt Nam rất thấp, thế nhưng khi Cục đi đo kiểm thực tế thì thấy tốc độ cao hơn dữ liệu các tổ chức này thống kê.

Nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ 3G.

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, gần đây nhiều tổ chức nước ngoài như OpenSignal, Akamai đánh giá tốc độ 3G của Việt Nam rất thấp… Thậm chí, tốc độ 3G của Việt Nam ở top cuối của thế giới đứng sau cả Lào và Campuchia. Thế nhưng, khi Cục Viễn thông đi đo thực tế thì thấy tốc độ 3G của nhà mạng cung cấp cao hơn con số thống kê của các tổ chức đánh giá.

"Nguyên nhân khiến 3G của Việt Nam bị đánh giá thấp là do việc thiết kế gói cước của các nhà mạng khi tốc độ cao hết thì sẽ bóp băng thông xuống. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ 3G trung bình khi các tổ chức độc lập thống kê. Các tổ chức độc lập đưa ra con số thống kê 3G của Việt Nam với các chỉ số tương đương nhau. Còn Cục Viễn thông đo kiểm khi nhà mạng không bóp băng thông của gói cước hết dung lượng 3G trong gói", ông Nguyễn Đức Trung nói.

Ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, sắp tới khi các nhà mạng triển khai 4G nếu không tăng cường chất lượng và cách thiết kế gói cước sẽ bị tổ chức nước ngoài đánh giá thấp, gây ảnh hưởng đến viễn thông của Việt Nam.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định rằng, việc các tổ chức quốc tế đánh giá tốc độ 3G của Việt Nam thấp sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hình ảnh của đất nước.

"Nếu thực sự các doanh nghiệp di động làm không ổn thì Cục Viễn thông phải ra văn bản điều chỉnh. Nếu tốc độ 3G của Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia thì đây là vấn dề không ổn", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói.

Theo số liệu của Bộ TT&TT có khoảng trên 30 triệu thuê bao của Việt Nam đang sử dụng 3G. Trong khi đó có tới hơn 50% thuê bao sử dụng gói cước 3G khoán và khi hết dung lượng 3G sẽ bị bóp băng thông. Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, hiện có khoảng 50% thuê bao của mạng MobiFone dùng gói cước 3G khoán để đảm bảo không bị phát sinh thêm chi phí khi vượt ngưỡng. Cụ thể nếu khách hàng sử dụng gói cước 70.000 đồng/tháng có 600 Mb dữ liệu 3G, sau đó MobiFone phải bóp băng thông theo quy định của Bộ TT&TT xuống còn 32 Kbps. Tuy nhiên, MobiFone chỉ bóp đến tốc độ 128 Kbps. Với tốc độ này thì khách hàng truy cập Internet và sử dụng các dịch vụ rất chậm.

“Tổng đài chăm sóc khách hàng của MobiFone đã nhận quá nhiều ý kiến của khách hàng về chất lượng dịch vụ 3G. Khi chúng tôi kiểm tra lại thì gói cước 3G đã hết dung lượng và khách hàng bị bóp băng thông. Nhưng khách hàng không biết về điều đó nên đánh giá chất lượng dịch vụ 3G của nhà mạng thấp. Thực tế những thông báo của nhà mạng về bóp băng thông mang tính kỹ thuật nên khách hàng khó hiểu, họ chỉ biết truy cập dữ liệu bị chậm”, ông Bùi Sơn Nam nói.

Theo ông Phạm Ngọc Tú, Phó Ban Khách hàng cá nhân của VinaPhone, hầu hết khách hàng mua dung lượng 3G gói nhỏ, trong khi đó các ứng dụng và thiết bị cấu hình mạnh nên sẽ ngốn dung lượng 3G khá lớn. Hiện có khoảng 60% khách hàng dùng gói cước khoán này giống như MobiFone. Nếu khi hết dung lượng của gói cước thì nhà mạng có nhắn tin thông báo cho khách hàng song nhiều người không để ý. Một trong những lý do khách hàng không để ý vì tin nhắn rác khá nhiều. Vì vậy, khi tốc độ truy cập bị chậm thì khách hàng khiếu nại đến chất lượng dịch vụ 3G khá đông nhưng khi kiểm tra lại thì hầu hết do người dùng ở tình trạng hết dung lượng 3G và bị bóp băng thông xuống còn 128 Kbps.

Cũng tương tự như MobiFone và VinaPhone, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng giám đốc Viettel Telecom cho hay, hiện có tới 50% khách hàng của Viettel đang sử dụng gói cước 3G với mức cước 70.000 đồng/tháng và được miễn phí 600 Mb dung lượng 3G. Sau khi hết dung lượng 3G này, Viettel sẽ phải bóp băng thông xuống còn 128 Kbps nhưng không tính tiền phần vượt lưu lượng.

"Có rất nhiều người phản ánh chất lượng 3G kém, tuy nhiên khi chúng tôi kiểm tra lại thì khách hàng đang ở tình trạng hết dung lượng 3G và bị bóp băng thông xuống còn 128 Kbps. Khi hết dung lượng 3G, Viettel có nhắn tin đến khách hàng song hầu hết các khách hàng không mấy để ý đến tin nhắn đó nên vẫn nghĩ chất lượng dịch vụ 3G của nhà mạng không đảm bảo", ông Nguyễn Việt Dũng nói.

Theo khảo sát mới nhất của Netindex.com, trang đánh giá tốc độ Internet, tốc độ băng rộng trung bình của châu Á là 28,1 Mbps, vượt qua tốc độ băng rộng trung bình của toàn cầu (23,4 Mbps). Tuy nhiên, tốc độ di động của khu vực châu Á vẫn còn thấp hơn mức trung bình thế giới. Cụ thể, tốc độ di động trung bình của châu Á là 10,9 Mbps, trong khi tốc độ di động trung bình của thế giới là 12,4 Mbps.

Điều đáng nói hơn nữa là theo bảng thống kê này, tốc độ di động trung bình của Việt Nam (phần lớn kết nối qua 3G - PV) còn thấp hơn rất nhiều so với mức thấp của châu Á, chỉ bằng khoảng 1/5 so với tốc độ di động trung bình của châu Á. Tại Việt Nam, tốc độ di động trung bình chỉ có 1,9 Mbps, đứng thứ 20 ở bảng xếp hạng.

Theo thống kê, tốc độ dữ liệu di động ở New Zealand và Trung Quốc đạt mức cao nhất, lần lượt ở mức 27,7 Mbps và 27,6 Mbps. Nguyên nhân được cho là vì mạng di động thế hệ 4G đã được triển khai ở cả hai quốc gia này hồi năm ngoái. Trong khi đó, Tech in Asia cho rằng “người dân ở Việt Nam phải nhìn chằm chằm vào các trang web trắng băng trên smartphone vì tốc độ dữ liệu di động ở đây chỉ đạt mức 1,9 Mbps”.

Thái Khang

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google