Ngày 24-25/10, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 đã làm việc với Công ty FPT Online và FPT Telecom nhằm đánh giá kết quả triển khai IPv6.
Theo lộ trình mới, FPT Telecom sẽ phối hợp với FPT Online để chuyển đổi hệ thống Ngoisao.net sang IPv6 vào cuối năm 2016 còn VnExpress.net là nửa đầu 2017, thay vì hoàn tất vào cuối 2019 như lộ trình cũ.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, quản lý kỹ thuật bộ phận nội dung số của FPT Online, cho biết sau khi vận hành thử nghiệm trang báo và dịch vụ ione.vnexpress.net, raovat.vnexpress.net, shop.vnexpress.net và pay.vnexpress.net trên nền IPv6, FPT Online nhận thấy có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhờ đó lộ trình được rút ngắn 1,5 năm so với dự định.
Trong khi đó, tính từ ngày 1/7/2016, FPT Telecom đã kích hoạt IPv6 cho gần 600.000 hộ gia đình và sẽ có hơn một triệu hộ được triển khai dịch vụ trên nền IPv6 trong năm 2017. Với tốc độ trên, FPT Telecom hiện đứng thứ 47 trên thế giới và xếp thứ hai tại Việt Nam về triển khai IPv6 theo thống kê của Akamai ngày 25/10.
Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 làm việc với FPT Telecom sáng 25/10. |
Địa chỉ IP là chuỗi số được phân cho mỗi website hay thiết bị kết nối Internet. Giao thức IPv4 chứa 4,3 tỷ địa chỉ IP nhưng sự bùng nổ của các thiết bị có khả năng hỗ trợ Internet toàn cầu, đặc biệt là các thiết bị di động, khiến nguồn địa chỉ này cạn kiệt từ năm 2011. Giao thức IPv6 đã ra đời, mang đến không gian địa chỉ lớn hơn, dễ quản lý với cấu trúc định tuyến phân cấp, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn.
Tổng Giám đốc FPT Telecom, Nguyễn Văn Khoa, cho biết, ngày nay cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin thì sự bùng nổ về dịch vụ tiện ích trên mạng viễn thông và Internet là điều tất yếu, đặc biệt đối với thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam và khu vực đông dân cư như châu Á. Để đáp ứng sự phát triển ấy, mạng truyền thông cần phải có khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội.
Trong bối cảnh đó, vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt là sự cạn kiệt không gian địa chỉ IPv4. Giao thức IPv6 ra đời như một giải pháp công nghệ mới duy trì hoạt động Internet ổn định lâu dài trong tương lai, không những giải quyết được vấn đề cạn kiệt địa chỉ mà còn khắc phục được những hạn chế của IPv4 cũng như cung cấp thêm những thuộc tính vượt trội khác.
Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn một là giai đoạn chuẩn bị trong các năm 2011-2012, giai đoạn hai là giai đoạn khởi động, kéo dài từ 2013 đến 2015 và cuối cùng là giai đoạn chuyển đổi từ 2016 đến 2019.
2016 là năm đầu tiên của giai đoạn ba với mục tiêu là hoàn thiện và nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị, đảm bảo cho Internet Việt Nam hoạt động tương thích, an toàn với IPv6.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét