ictnews
Theo lộ trình mới, FPT Online sẽ chuyển đổi hệ thống Ngoisao.net sang IPv6 vào cuối năm 2016 và chuyển toàn bộ VnExpress.net sang IPv6 trong nửa đầu năm 2017, thay vì hoàn tất chuyển đổi hệ thống của 2 trang này vào cuối năm 2019 như lộ trình cũ.

Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia vừa làm việc trực tiếp với FPT Online/ VnExpress vào chiều ngày 24/10/2016.

Chiều nay, ngày 24/10, đoàn công tác của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia do Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Trần Minh Tân, Phó Trưởng Ban công tác làm Trưởng đoàn đã làm việc với FPT Online/VnExpress nhằm đánh giá kết quả triển khai IPv6 và ghi nhận các khó khăn, kiến nghị trong việc thực hiện chuyển đổi IPv6 của đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung này.

Trước đó, vào các ngày 19, 20/10/2016, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã làm việc trực tiếp với VNPT và MobiFone. Theo kế hoạch, trong 2 ngày 25 và 26/10 tới, Ban công tác sẽ tiếp tục làm việc với FPT Telecom và Viettel.

Chương trình làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu biểu về nội dung thúc đẩy ứng dụng địa chỉ IPv6 cũng nhằm đẩy mạnh hơn nữa kết quả triển khai ứng dụng thực tế về IPv6, thực hiện mục tiêu đưa dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cũng đã xác định, cuối năm 2016 là thời hạn để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, tiêu biểu là FPT Online/ VnExpress, Vietnamnet kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên các dịch vụ nội dung quy mô vừa và nhỏ; đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi hỗ trợ IPv6 cho toàn bộ các dịch vụ nội dung, báo điện tử…

Tại buổi làm việc với Ban công tác vào chiều ngày 24/10, ông Nguyễn Văn Ngọc, quản lý bộ phận nội dung số FPT Online cho biết, lộ trình chuyển đổi IPv6 của FPT Online/VnExpress bám theo lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia, với 3 giai đoạn: chuẩn bị (2011 - 2012); Khởi động (2013 - 2015); Triển khai (2016 - 2020).

Trong giai đoạn chuẩn bị, cùng với  việc xin cấp địa chỉ IPv6, VnExpress cũng đã chủ động tự nghiên cứu, tìm hiểu thông tin liên quan đến việc chuyển đổi IPv4/IPv6 và cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về IPv6. Tiếp đó, ở giai đoạn khởi động, song song với việc triển khai thay thế thiết bị mạng, VnExpress  đã tiến hành thử nghiệm nội bộ một số trang tin nhỏ. Ví dụ như, trang thông tin nội bộ của công ty FPT Online tại địa chỉ fptonline.net đã được test thử nghiệm nội bộ chạy trên nền tảng IPv6.

Cũng theo ông Ngọc, từ đầu năm nay, VnExpress đã đưa ra lộ trình triển khai chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 đối với các sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình trong thời gian từ năm 2016 đến 2020. Theo đó, VnExpress dự kiến trong năm 2016 thực hiện chuyển đổi thử nghiệm các dịch vụ nhỏ; năm 2017 sẽ chuyển đổi tiếp một số website nhỏ; đến khoảng cuối năm 2019 mới tiến hành chuyển đổi hệ thống với 2 trang VnExpress.net, Ngoisao.net; và sang năm 2020 mới cung cấp dịch vụ hoàn toàn trên nền tảng IPv6.

“Đến thời điểm hiện tại, quá trình chuyển đổi IPv6 của chúng tôi đã thu được một số kết quả nhất định. Hiện đã có 4 trang chạy trên nền tảng IPv6 gồm trang thông tin về giới trẻ ione.vnexpress.net và 3 trang dịch vụ raovat.vnexpress.net, shop.vnexpress.net, pay.vnexpress.net. Chủ trương của FPT Online là từ năm 2016 trở đi tất cả các dịch vụ mới sẽ đều chạy trên nền tảng IPv6”, ông Ngọc cho hay.

iOne.vnexpress.net, raovat.vnexpress.net, shop.vnexpress.net và pay.vnexpress.net là 4 trang hiện đã được FPT Online chuyển sang chạy trên nền tảng IPv6.

Trên trang tin nội bộ của FPT, Trưởng phòng Hạ tầng FPT Online Nguyễn Ngọc Sơn nhận định: “Với những ưu điểm kỹ thuật của IPv6 so với IPv4, việc triển khai chuyển đổi sang IPv6 mang rất nhiều lợi ích cho sản phẩm và đơn vị như: không gian địa chỉ lớn gần như vô hạn giúp giải quyết vấn đề cạn kiệt về IP do sự bùng nổ Internet, tăng khả năng phát triển sản phẩm; tính bảo mật và chất lượng dịch vụ tốt hơn”.

Đáng chú ý, tại buổi làm việc với Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia vào chiều nay, ông Nguyễn Văn Ngọc cũng đã cho biết, sau khi vận hành thử nghiệm trang báo ione.vnexpress.net và 3 trang dịch vụ raovat.vnexpress.net, shop.vnexpress.net và pay.vnexpress.net trên nền tảng IPv6, FPT Online nhận thấy có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai chuyển đổi IPv6. “Vì thế, lộ trình chuyển đổi IPv6 của báo điện tử VnExpress đã có sự điều chỉnh, rút ngắn được khoảng 1,5 năm so với lộ trình đã được đưa ra hồi đầu năm nay”, đại diện FPT Online cho biết.

Cụ thể, theo lộ trình mới, vào cuối năm 2016, đầu năm 2017, FPT Online dự kiến sẽ đưa các sản phẩm Ngoisao.net, Kinhdoanh.vnexpress.net, Giadinh.vnexpress.net, Suckhoe.vnexpress.net, Dulich.vnexpress.net, Giaitri.vnexpress.net, Thethao.vnexpress.net, Sohoa.vnexpress.net và Video.vnexpress.net chuyển sang chạy trên nền tảng IPv6.

Cũng theo lộ trình mới được FPT Online điều chỉnh, đơn vị này dự kiến sẽ chuyển đổi hoàn toàn hệ thống báo điện tử VnExpress sang IPv6 và kỳ vọng sẽ hoàn thiện quy trình chuyển đổi IPv6 vào cuối năm 2018.

Theo lộ trình chuyển đổi IPv6 mới được điều chỉnh của FPT Online, toàn bộ hệ thống của báo điện tử VnExpress sẽ được chuyển sang IPv6 trong nửa đầu năm 2017.

Qua quá trình triển khai, theo đại diện FPT Online, bên cạnh những thuận lợi như: Ban lãnh đạo xác định cần thiết phải chuyển đổi sang IPv6; đội ngũ kỹ thuật có kinh nghiệm; được VNNIC cấp trước IPv6 để test; được sự hỗ trợ tích cực của FPT Telecom…, FPT Online cũng gặp phải một số khó khăn, đơn cử như thiết bị, hạ tầng chưa hỗ trợ đầy đủ IPv6.

Cụ thể, theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Sơn: “Hệ thống báo điện tử VnExpress là một hệ thống lớn, do đó không thể thực hiện chuyển đổi nhanh. Bên cạnh đó, khi tiến hành chuyển đổi, có những thiết bị không hỗ trợ nên chúng tôi phải nâng cấp hoặc thay thế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thay thế nốt các thiết bị và dự kiến cuối năm nay, đầu năm 2017 có thể triển khai chuyển đổi đúng như kế hoạch”.

Báo điện tử VnExpress hiện nay có nhiều sản phẩm, ngoài vnexpress.net còn có các trang về văn hóa giải trí ngoisao.net, về giới trẻ ione.vnexpress.net cùng các sản phẩm, dịch vụ khác. Hệ thống của VnExpress được chia làm nhiều cụm CDNs nằm ở 3 khu vực chính là Hà Nội, TP.HCM và HongKong giúp cho việc truy cập của người dùng đến hệ thống nhanh hơn.

Là báo điện tử có lượng độc giả lớn, theo thống kê của FPT Online, hiện nay trung bình mỗi tháng VnExpress có khoảng 1,2 tỷ pageview. Trong đó, chia theo thiết bị, tỷ lệ truy cập từ desktop/laptop hiện vẫn chiếm lớn nhất với 49%, di động là 44% và 7%  truy cập từ máy tính bảng. Còn chia theo địa điểm, hiện khoảng gần 85% lượng truy cập đến từ Việt Nam và 15% từ nước ngoài.

Đánh giá kết quả thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam, vào giữa tháng 10/2016, VNNIC đã cho biết thời gian gần đây, tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 của Việt Nam tăng trưởng khá tốt. Cuối tháng 9/2016, phòng đo kiểm của APNIC đã công bố tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam đạt 2,92%; phòng đo kiểm của Cisco đánh giá số lượng người sử dụng IPv6 của Việt Nam (IPv6 users) đạt 1.385.000 người. Cũng theo số liệu của APNIC, tỉ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam thời điểm hiện tại đã là 5,42%, tăng hơn 180% so với thời điểm tháng 3/2016. Các tỉ lệ này đã vượt mục tiêu triển khai IPv6 của Việt Nam trong năm 2016 theo kết luận được các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị thống nhất tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016.

M.T

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google