Nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia áp dụng những sáng kiến cho hiệu quả cao trong công tác phòng chống ngập lụt.

Những trận mưa lớn liên tiếp với lượng mưa trên 200 mm ở nhiều nơi khiến nhiều tuyết đường và nhà cửa ở thành phố Hồ Chí Minh ngập dưới biển nước.

Trước tình hình lụt lội nghiêm trọng, đã có đề xuất lên Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sử dụng hệ thống máy bơm hút ly tâm để chống ngập cho thành phố. Trên thế giới, nhiều quốc gia từ lâu đã tiên phong áp dụng những giải pháp tiên tiến giúp kiểm soát ngập lụt hiệu quả trong thực tế.

Đường hầm '2 trong 1' ở Malaysia

Đường hầm Stormwater Management and Road Tunnel (SMART) là công trình thoát lũ kiêm đường bộ ở thủ đô Kua Lumpur, Malaysia, theo SMEC. Đường hầm dài 9,7 km, rộng 13 m này giúp dẫn nước lũ ra khỏi Kuala Lumpur, còn đoạn giữa dài 3 km đóng vai trò như đường cao tốc hai tầng.  

giai-phap-chong-ngap-lut-thong-minh-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi

Đường hầm SMART Tunnel ở Kuala Lumpur. Ảnh: Amusing Planet.

Khi trời không mưa, đường hầm vận hành bình thường cho phép xe cộ qua lại. Khi mưa nhẹ, đường hầm được đặt trong chế độ "mở bán phần" dẫn nước mưa chảy qua tầng dưới của phần đường cao tốc, các phương tiện vẫn có thể sử dụng tầng trên. Khi có bão lớn, đường hầm chuyển sang chế độ "mở toàn phần". Những cửa ngăn nước tự động mở cho dòng nước chảy qua và xe cộ bị cấm qua lại đường hầm.

Với chi phí xây dựng 500 triệu USD, SMART là hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới. Quá trình xây dựng đường hầm gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp của Kuala Lumpur. Hiện nay, SMART vẫn là đường hầm dài nhất Đông Nam Á và dài thứ nhì châu Á.

Đập ngăn nước ở Hà Lan

Delta Works là dự án đồ sộ bao gồm một loạt công trình chống ngập lụt được xây dựng sau trận lụt lịch sử từ Biển Bắc tràn vào bờ biển Hà Lan năm 1953, theo Water-technology.net. Trận lụt này làm ngập 9% diện tích đất nông nghiệp ở Hà Lan và cướp đi mạng sống của 8.361 người.

giai-phap-chong-ngap-lut-thong-minh-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-1

Dự án Delta Works ở Hà Lan bao gồm 13 con đê với tổng chiều dài gần 16.500 km. Ảnh: Medias.

13 con đê với chiều dài 16.496 km kèm theo khoảng 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi, ra đời trong dự án Delta Works, giúp giảm chiều dài đường bờ biển, bảo vệ các khu vực trực thuộc và bao quanh đồng bằng châu thổ sông Rhine - Meuse - Scheldt ở phía tây nam Hà Lan trước những trận lụt từ Biển Bắc.

Dự án hoàn thành vào năm 1997 với chi phí 5 tỷ USD. Không chỉ chống lụt hiệu quả, Delta Works còn cung cấp nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. Nguy cơ chịu trận lụt quy mô lớn như năm 1953 của Hà Lan giảm xuống còn 1/4.000 năm. Delta Works được Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.

Hệ thống cống ngầm khổng lồ ở Nhật

Mạng lưới cống ngầm Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel là hệ thống thoát lũ dưới lòng đất lớn nhất thế giới, nằm ở độ sâu 50 m bên dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản, theo International Business Times.

giai-phap-chong-ngap-lut-thong-minh-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-2

Hệ thống cống khổng lồ dưới lòng thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Weibo.

Hệ thống bao gồm 5 giếng đứng bê tông, mỗi giếng cao 65 m và rộng 32 m, nối liền với 6,4 km đường hầm và một tháp điều áp khổng lồ được mệnh danh là "Ngôi đền dưới lòng đất", dài 177m, rộng 78 m và cao 25,4 m.

Nước lũ đổ từ 4 con sông lớn vào Tokyo được dẫn xuống lòng đất, chảy qua đường hầm trước khi đổ vào sông Edo. Các máy bơm của hệ thống có thể hút 200 tấn nước (tương đương một bể bơi 25 m) xuống sông Edo mỗi giây. Công trình bắt đầu được thi công vào năm 1992 và đi vào hoạt động năm 2009 với tần suất sử dụng khoảng 7 lần mỗi năm.

Đập Marina Barrage ở Singapore

Marina Barrage là con đập bắc qua miệng kênh Marina do chính phủ Singapore xây dựng để tạo ra hồ chứa nước nhân tạo thứ 15 ở nước này, theo National Library Board.

giai-phap-chong-ngap-lut-thong-minh-cua-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-3

Toàn cảnh đập và hồ trữ nước Marina ở Singapore. Ảnh: Flickr.

Khánh thành vào ngày 31/10/2008 với chi phí 2,2 tỷ USD, công trình phục vụ ba mục đích là tạo ra nguồn cung cấp nước ngọt, kiểm soát ngập lụt và tạo cảnh quan thu hút du khách.

Đập Marina hoạt động thông qua hệ thống các cổng và máy bơm. Công trình bao gồm 9 cổng thép cao 5 m, rộng 30 m trên thành đập, trải dài qua con kênh rộng 350 m và 7 máy bơm có tổng công suất hút 280 mét khối nước mỗi giây. Mỗi cổng nặng 70 tấn và mỗi máy bơm có khối lượng 28 tấn.

Trong điều kiện bình thường, những cánh cổng vận hành bằng thủy lực này đóng kín. Khi trời mưa to nhưng thủy triều thấp, cổng sẽ mở để xả nước lũ xuống biển. Khi mưa nặng hạt kết hợp với thủy triều cao, cổng đóng trong khi máy bơm được kích hoạt để bơm hút nước lũ xuống biển.

Nhờ hệ thông này, tình trạng ngập lụt giảm hẳn ở các khu vực nằm ở vị trí thấp của Singapore như Chinatown, Jalan Besar và Geylang.

Xem thêm: Vì sao bão vào Việt Nam ngày càng mạnh

Phương Hoa

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google