Ngược lại với việc nghe nhạc miễn phí và thu tiền từ quảng cáo ở Việt Nam, câu chuyện thu phí tại các web nhạc trực tuyến đang trỗi dậy rất mạnh trong năm 2015 -2016. Đang tồn tại 2 phương án thu phí phổ biến, bao gồm việc trả phí từng bài hát tải về (Apple iTunes, Google Music đang thu phí theo cách này) và trả phí sử dụng hàng tháng (các dịch vụ trực tuyến lớn trên thế giới như Spotify, Tidal, Deezer, Apple Music... áp dụng phương án này.
Trong đó, câu chuyện đình đám nhất cho thấy bất hợp lý của phương án nghe nhạc miễn phí - thu tiền từ quảng cáo khi năm 2014, ca sĩ Taylor Swift rút các album của mình khỏi dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify với lý do các nghệ sĩ không được chi trả xứng đáng từ dịch vụ. Taylor Swift đã gây nên những tranh cãi về việc các nghệ sĩ có nên hoãn một thời gian giữa dịch vụ nghe trực tuyến có thu phí và nghe nhạc miễn phí. Khi đó, Taylor Swift không đồng tình với quan điểm âm nhạc nên được miễn phí vì điều đó không công bằng với lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc. Không phải tự nhiên, Taylor Swift lại nhắm vào Spotify khi dịch vụ này là đơn vị duy nhất trong số các website nhạc trực tuyến lớn trên thế giới có gói dịch vụ cho người dùng nghe nhạc miễn phí và thu tiền từ quảng cáo.
Các nghệ sĩ khác dù không có động thái tương tự Taylor Swift nhưng chỉ đưa album mới của mình lên Spotify sau khi đã ra mắt được một thời gian và luôn than phiền rằng họ không nhận được xu nào từ mỗi lượt tải nhạc. Không chỉ Spotify, dịch vụ Internet radio miễn phí lớn nhất là Pandora cũng phải chịu áp lực tương tự từ các hãng đĩa và nhà xuất.
Đáp trả lại, CEO của Spotify cho rằng, 80% các thuê bao trả tiền của Spotify đã bắt đầu bằng lựa chọn nghe nhạc miễn phí. Do đó, nếu không nghe nhạc miễn phí thì cũng không có ai trả tiền cho dịch vụ có phí hàng tháng.
Lý giải của Spotify khá hợp lý khi hiện Spotify có đến 30 triệu thuê bao trả phí trong số khoảng gần 100 triệu thuê bao trên khắp thế giới. Theo tờ Forbes, hết năm 2015, doanh thu của Spotify khoảng hơn 2 tỷ USD, tăng 80% so với năm 2014. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ các tài khoản trả phí của người dùng, doanh thu quảng cáo chỉ chiếm khoảng 10%. Mặc dù vậy, khoản lỗ của Spotify cũng tăng khoảng 6,7% so với 2014, ở mức 194 triệu USD. Nguyên nhân của việc thua lỗ chủ yếu đến từ việc 80% doanh thu đem lại được trả cho chí phí bản quyền.
Dù có đến 30 triệu thuê bao trả phí trong tổng số 100 triệu người dùng dịch vụ, Spotify vẫn bị các nghệ sĩ than phiền vì cung cấp gói dịch vụ miễn phí. |
Các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến khác như Apple Music, Deezer, Rhapsody, Rdio đều chỉ cho phép người dùng dùng thử trong khoảng 30 ngày và sau đó sẽ phải trả từ 3 USD cho đến 9 USD mỗi tháng để tiếp tục sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, mức phí nhạc lossless (nhạc chất lượng cao-pv) của dịch vụ Tidal còn lên tới 20 USD/tháng.
Ở các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, thay vì đi theo 1 trong 2 mô hình như thị trường Mỹ thì các site nhạc trực tuyến ở Hàn Quốc như Melon, Naver Music, Mnet…, họ thường kết hợp cả 2 mô hình theo dạng gói cước bao gồm nghe nhạc trực tuyến kết hợp với lượt tải (giới hạn khoảng vài chục lượt tải/tháng hoặc không giới hạn lượt tải). Ngoài ra, các tài khoản miễn phí chỉ được nghe khoảng 1 phút mỗi bài và để nghe đầy đủ cả bài hát người dùng sẽ phải đăng ký gói cước trả phí hàng tháng.
Qua đó có thể thấy, việc thu phí nhạc số đang là xu hướng tất yếu trên thế giới mà các website nhạc trực tuyến, các hãng sản xuất, nghệ sĩ sẽ phải hướng đến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau lần thu phí thất bại năm 2013, chuyện thu phí nghe nhạc vẫn là câu chuyện của “thời tương lai” và nếu không giải được bài toán này thì thị trường nhạc trực tuyến còn khó khăn cho tất cả các bên tham gia. Ở kỳ sau, ICTnews sẽ giải đáp câu chuyện các trang nhạc số đang kiếm tiền bằng cách nào và bản quyền nhạc số ở Việt Nam.
Theo báo cáo vừa được đưa ra bởi Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA), doanh thu từ âm nhạc trong năm 2015 đạt 7 tỷ USD, tăng trưởng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, doanh thu từ tất cả các loại hình dịch vụ âm nhạc trực tuyến đã bù đắp cho sự sụt giảm của doanh số bán đĩa vật lý, tải kỹ thuật số, vốn đã có dấu hiệu đi xuống trong nhiều năm qua.
Đây cũng là lần đầu tiên, các dịch vụ âm nhạc trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, bởi trước đây doanh thu từ tải kỹ thuật số luôn mang về nguồn thu cao nhất. Âm nhạc trực tuyến đóng góp 34,3%, cao hơn đúng 0,3% so với tải kỹ thuật số, trong khi doanh thu từ việc bán đĩa vật lý chiếm 28,8% và các loại hình còn lại chỉ chiếm 2,9%. Năm 2015 chứng kiến nhiều công ty như Spotify có thêm số lượng người dùng mới đáng kể, trong đó có một số lượng lớn những người dùng từ việc sử dụng miễn phí quyết định sang trả tiền để không bị làm phiền bởi quảng cáo và có thêm nhiều tính năng mới. Trong khi đó, một số công ty mới gia nhập thị trường này như Apple Music hay Tidal cũng có màn chào sân ấn tượng khi có thêm hàng triệu lượt khách hàng cho riêng mình. Tính riêng dịch vụ âm nhạc trực tuyến có tính phí, mức tăng trưởng đạt 52%, lên con số hơn 1,2 tỷ USD.
Anh Ngọc
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét