ictnews
Kỹ năng và cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại là vài yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm đến offshore hấp dẫn với các công ty ngoại, theo CIO.com.

Dù chưa thể cung cấp các trung tâm dịch vụ CNTT quy mô lớn như Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam ngày càng chứng minh sự hấp dẫn so với các địa điểm gia công phần mềm (offshore outsourcing) truyền thống khác.

Trang CIO.com đã có bài phỏng vấn với Phó Chủ tịch Anna Frazzetto của Harvey Nash, một công ty có 10 năm outsource tại Việt Nam. ICTnews xin lược dịch bài phỏng vấn này để độc giả theo dõi.

 

Việt Nam từng là người chơi nhỏ bé trên thị trường dịch vụ CNTT toàn cầu. Điều gì đã thúc đẩy sự quan tâm đến khu vực trong vài năm gần đây?

Bước ngoặt xảy ra khi họ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Sự tham gia vào tổ chức là một động lực chính trong vai trò ngày một tăng của họ… Luôn có sự lo lắng về việc các công ty phương Tây sẽ hoạt động như thế nào trong môi trường này nhưng thực tế, chúng tôi không gặp vấn đề nào cả. Người Việt Nam luôn muốn hợp tác với các khu vực khác trên thế giới vì họ nhận thức được giá trị của dòng tiền và nguồn vốn vào đất nước mình.

Bà đã outsource sang Việt Nam trong hơn một thập kỷ. Điều gì đã thay đổi trong thời gian đó?

Harvey Nash có mặt tại Việt Nam được 16 năm và nhiều thứ đã thay đổi. Khi lần đầu gia nhập công ty 11 năm trước và nhắc đến Việt Nam, phản ứng luôn là “Thật à? Outsource sang Việt Nam? Làm sao có thể”. Tuy nhiên hiện nay, đây là đã điều quen thuộc. Đó là một thay đổi quan trọng. Tôi cho rằng sự phát triển của bản thân đất nước, sự tham gia vào WTO và thiện chí làm việc với thế giới phương Tây đều đóng vai trò lớn.

Một yếu tố khác là sự linh hoạt được chính phủ đưa ra khi cho phép các doanh nghiệp như Harvey Nash đến và làm việc trực tiếp với các trường đại học để tổ chức các chương trình và định hướng các nhân viên mà chúng tôi cần. Ngày nay, các quốc gia như Thái Lan, Campuchia cũng tìm kiếm cơ hội outsource và sáng tạo trong thu hút các công ty đến đất nước mình.

Năm ngoái, Gartner xếp Việt Nam là 1 trong 5 điểm đến hàng đầu cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Phillipines và Malaysia. Việt Nam so sánh thế nào với 4 “điểm nóng” này?

Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ rõ ràng là “thánh địa outsource” trong hai thập kỷ qua. Hai nước này đã trải qua mọi thách thức của gia công phần mềm. Hiện tại, thử thách lớn nhất của họ là giữ chân nhân viên vì họ có xu hướng nhập cư sang nước khác để tìm cơ hội nghề nghiệp.

Song, đây không phải vấn đề với Việt Nam. Tại Việt Nam, bạn không chỉ có gia đình riêng mà còn có đại gia đình. Điển hình của văn hóa Việt là mong muốn ở lại đất nước, làm việc tại địa phương và chu cấp cho gia đình của mình. Đây là khác biệt và lợi thế quan trọng cho môi trường outsource Việt Nam.

Bottom of Form

Tiếp đến là kỹ năng công nghệ. Malaysia có năng lực kỹ thuật nhưng dường như không trên quy mô rộng như Việt Nam. Tôi thường nghe được thông tin các tổ chức gặp khó khăn khi phải xây dựng nhóm đủ nhanh tại Malaysia vì số lượng nhân viên cần để thực hiện một công việc. Tôi tin rằng năng lực kỹ thuật tại Việt Nam trội hơn Phillipines. Tuy nhiên, người Phillipines nói tiếng Anh tốt hơn. Đó là lý do vì sao Phillipines rất thành thạo trong các trung tâm cuộc gọi (call center).

Việt Nam rất xuất sắc trong giáo dục và được đánh giá cao về toán, khoa học. Đại học Hà Nội và Đại học Hồ Chí Minh đều đào tạo được nhân tài. Họ thậm chí còn có các huy chương Olympics toán học và chúng tôi tự hào có một số người như vậy làm việc cho mình.

Loại cong ty nào đang outsource CNTT hay công nghệ tại Việt Nam?

Gần đây chúng tôi nghe được Apple đang thảo luận về mở cơ sở R&D tại Việt Nam. Microsoft và IBM cũng ở đây. Mọi người chơi lớn đang thiết lập cơ sở riêng. Nếu các công ty được xem là tiêu chuẩn vàng trong công nghệ đều đang có mặt tại Việt Nam, điều đó nói lên rất nhiều về nhân tài công nghệ mà Việt Nam đang cung cấp.

Việt Nam cũng rất hấp dẫn với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB). Khi một doanh nghiệp nhỏ outsource cho một công ty tại Ấn Độ và Trung Quốc, họ như chú cá nhỏ giữa đại dương. Nếu chỉ cần 5 đến 10 người để làm một dự án, bạn có thể không nhận được sự quan tâm như mong muốn. Việt Nam có sự linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của các SMB.

Môi trường và kinh doanh tại Việt Nam như thế nào?

Mỹ đầu tư vào những thứ như cáp quang, dây, và phải có kết nối vật lý khi nói đến băng thông và liên lạc. Khi nhìn vào các nước mới như Việt Nam, họ bỏ qua loại cơ sở hạ tầng truyền thống này và tập trung năng lực vào công nghệ di động, không dây. Năng lực của Việt Nam trong công nghệ di động là lợi thế với các công ty đang muốn outsource sang nước ngoài.

Nhược điểm lớn nhất khi outsource CNTT tại Việt Nam?

Như đã đề cập, ngôn ngữ là một thách thức. Có cách nào vượt qua không? Rõ ràng có. Tại Harvey Nash, chúng tôi có một nhóm nhân viên kỹ thuật giúp vượt rào cản ngôn ngữ. Những người này được đào tạo kỹ thuật như lập trình viên, chuyên viên phân tích, kiến trúc sư chứ không phải dịch vụ khách hàng hay kế toán… Một cách nữa là luôn bảo đảm ít nhất vài người trong nhóm thông thạo tiếng Anh.

Song, các khó khăn này chỉ liên quan đến kỹ năng nói, không ảnh hưởng đến viết và tài liệu. Kỹ năng viết tốt hơn vì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai tại Việt Nam.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác động gì tới outsource của Mỹ sang Việt Nam?

Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ gánh chịu vì họ không tham gia TPP. Mặt khác, nó sẽ khiến nhiều công ty nhìn vào Việt Nam hơn vì đây là lựa chọn outsource hấp dẫn. Tôi đã thấy tác động tương tự khi Việt Nam gia nhập WTO.

Lời khuyên của bà với các công ty đang cân nhắc outsource sang Việt Nam?

Việt Nam đặc biệt độc đáo vì tỉ lệ thay thế nhân viên thấp. Bạn cần nhạy cảm để giúp họ cảm thấy như họ là một phần tự nhiên của môi trường làm việc. Tôi cũng khuyên bạn nhạy cảm khi đưa một người mới đến và họ cần có thời gian để bảo đảm sự thoải mái với môi trường của mình.

Du Lam (Theo CIO.com)

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google