Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam. |
Như ICTnews đã thông tin, mới đây trang web phân tích OpenSignal đã công bố báo cáo về tốc độ mạng di động hiện nay dựa trên số liệu tổng hợp từ hơn 822.500 người dùng đã cài ứng dụng OpenSignal ở 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo báo cáo này, tốc độ mạng di động tại Việt Nam đạt 3,81 Mbps, đứng vị trí 82/95 quốc gia, vùng lãnh thổ. Về độ phổ cập 3G và 4G, báo cáo của OpenSignal cho hay, Việt Nam thuộc hàng trung bình của thế giới với tỷ lệ 82,17%.
Trước đó, vào tháng 7/2016, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử 2016. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 89/193 nước về phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 bậc so với năm 2014 và lọt vào nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là chỉ số hạ tầng viễn thông (TII - 1 trong 3 chỉ số thành phần quan trọng để đánh giá, xếp hạng về mức độ phát triển Chính phủ điện tử), của Việt Nam năm 2016 chỉ là 0,375 điểm, trong khi chỉ số này của Singapore là 0,84; Malaysia là 0,81 và Thái Lan là 0,41. Không những thế, với kết quả này, trong các báo cáo của Liên hợp quốc về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2012, 2014 và 2016, chỉ số hạ tầng viễn thông của Việt Nam cũng là chỉ số mà Việt Nam đã giảm liên tục trong 3 báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc từ năm 2012 đến nay.
ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về những đánh giá nêu trên của các tổ chức quốc tế đối với hạ tầng viễn thông Việt Nam, đặc biệt là chất lượng mạng di động tại Việt Nam hiện nay:
Ông nhận định như thế nào về kết quả các báo cáo của OpenSignal và Liên hợp quốc mới đây về hạ tầng viễn thông nói chung và nhất là tốc độ mạng di động Việt Nam?
Các báo cáo từ nguồn quốc tế là thông tin tham khảo rất thú vị cho Việt Nam. Chúng ta cũng nên lấy thông tin từ nhiều nguồn khác để có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình phát triển CNTT và viễn thông Việt Nam.
Báo cáo của OpenSignal dựa trên thông tin thu thập từ người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại của mình. Tôi chưa tìm thấy số liệu về số người Việt Nam cài đặt ứng dụng này nên đánh giá sẽ mang yếu tố định tính nhiều hơn.
Về cảm nhận, tôi thấy kết quả từ OpenSignal là có thể chấp nhận được và có thể hiểu được. Gần đây chúng ta thấy nhiều người dùng phản ánh về cảm nhận tốc độ 3G không đủ nhanh. Và sau Hội thảo - Triển lãm 4G/LTE vừa qua thì chúng ta rõ thêm là một số nước trong khu vực đã triển khai 4G nhanh và tốt hơn Việt Nam. Độ phổ cập 3G của Việt Nam ở mức trung bình, theo tôi cũng dễ hiểu vì chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.
Theo cảm nhận của tôi thì chất lượng dịch vụ data 3G của các nhà mạng Việt Nam hiện nay rõ ràng là phải cải thiện. Và thực tế họ đang làm, với việc triển khai thử nghiệm rộng rãi và tiến hành đổi SIM 4G cho khách hàng.
Đối với báo cáo của Liên hiệp quốc, cách họ thu thập và phân tích số liệu khá phức tạp, là nguồn tham khảo rất quý. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam có tăng trưởng cũng phản ánh đúng thực tế là trong hơn 1 năm qua, rất nhiều dịch vụ công đã được đưa lên mạng ở mức 3 và mức 4.
Theo đánh giá của ông, đâu là những lý do khiến cho tốc độ mạng di động của Việt Nam bị đánh giá nằm trong top các nước kém trên thế giới?
Tôi cho rằng xếp tốc độ mạng di động của Việt Nam ở nhóm trung bình thì chính xác hơn.
Đánh giá của OpenSignal mang tính so sánh. Nếu các nước khác tiến nhanh và Việt Nam tiến chậm thì sẽ bị đánh giá tiêu cực. Nhu cầu tăng nhanh trong khi hạ tầng và chất lượng dịch vụ tăng không kịp thì đánh giá sẽ tiêu cực.
Theo tôi một trong những nguyên nhân chính, cũng đã được nhiều chuyên gia đưa ra trong Hội thảo - Triển lãm 4G/LTE hôm 18/8 vừa qua là do Việt Nam đã “chậm chân” trong việc triển khai 4G/LTE.
Có một vấn đề là, khi triển khai 4G, nhiều thành phần sẽ không thể tận dụng được từ hạ tầng 3G. Do đó, các nhà mạng sẽ lúng túng giữa việc chờ triển khai 4G và tiếp tục mở rộng/nâng cấp 3G. Trong khi đó thì nhu cầu về tốc độ của người dùng tăng nhanh, sự phát triển của nội dung trên mạng cũng tăng nhanh. Trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, khi việc triển khai 4G chưa được thấy rõ ràng và các nhà mạng sẽ ngại nâng cấp, mở rộng 3G, tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy nhiều phàn nàn hơn về tốc độ 3G.
Để cải thiện tốc độ mạng di động tại Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và nhà mạng cần làm những gì, thưa ông?
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ TT&TT đã thông tin. Bộ TT&TT sẽ triển khai cấp phép 4G theo đúng lộ trình, trong khoảng cuối năm 2016. Các nhà mạng cũng mở rộng mạng lưới cáp quang, mở rộng mạng lưới cung cấp 4G. Việc triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc lớn vào chiến lược của từng mạng.
Tuy vậy, chắc người dùng phải chờ đợi thêm. Chúng ta thấy là ngay tại Hội thảo 4G/LTE ở Hà Nội mới đây, dù một số nhà mạng đã cho đổi SIM 4G nhưng người dùng không bắt được sóng 4G ngay tại đó, chứng tỏ việc phủ sóng 4G ngay tại Hà Nội còn nhiều việc phải làm.
Sau khi 4G được triển khai chính thức tại Việt Nam, theo ông thị trường cung cấp các dịch vụ nội dung số trên di động sẽ có những thay đổi, chuyển biến ra sao?
Nhìn nhận kinh nghiệm từ các nước khác, đặc biệt là Hàn Quốc, chúng tôi cho rằng khi 4G được phổ biến với mức giá phải chăng thì đó sẽ là cú hích lớn cho sự phát triển của rất nhiều ngành nghề tại Việt Nam, không chỉ với Chính phủ điện tử và thương mại điện tử. Thậm chí cú hích này còn lớn hơn cả khi Việt Nam đổi từ dial-up sang ADSL vào những năm 2003 - 2004.
Các ứng dụng, dịch vụ nội dung trên Internet, cũng như các ứng dụng khác trong đời sống cần đến các kết nối Internet/ viễn thông sẽ có điều kiện bùng nổ. Rất có thể sự phổ biến của 4G với mức chi phí phải chăng sẽ thực sự mang đến một ngành công nghiệp mới, tạo ra các giá trị mới trên mạng Internet/ viễn thông.
Xin cảm ơn ông!
Vân Anh (Thực hiện)
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét