ictnews
Ứng dụng CNTT, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời; Người bệnh giảm thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng.

Khoa khám bệnh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình) trung bình mỗi ngày đón tiếp từ 300 đến 400 lượt bệnh nhân. Trước đây, người đến khám phải nhận số thứ tự và chờ đến lượt, sau đó điều dưỡng gọi tên, kiểm tra, bác sỹ thăm khám, thực hiện lâm sàng và viết thông tin vào sổ khám bệnh để bảo hiểm xã hội thanh toán nên mất rất nhiều thời gian.

Tất cả người đến khám từ lần hai trở đi, bệnh nhân chỉ cần cung cấp mã số do bệnh viện cung cấp hoặc họ tên là bác sỹ có thể tra cứu tiền sử bệnh, quá trình điều trị trước đó.

Đến nay, quy trình được rút gọn, bệnh nhân đến khám sẽ được lưu thông tin hành chính, mã thẻ bảo hiểm y tế,... từ đó người bệnh giảm được thời gian chờ, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả và có thể giám sát quyền lợi được hưởng. Có được điều này là nhờ việc ứng dụng CNTT vào khám chữa bệnh và giám định BHYT.

Chị Nguyễn Xuân Hằng (29) tuổi – người đã đến khám chữa bệnh ở đây nhiều lần chia sẻ: “Trước tôi phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt, giờ chỉ khoảng chưa đến nửa tiếng, có khi chỉ 15 phút. Đây là chưa kể thủ tục thanh toán BHYT cũng đỡ thủ tục giấy tờ hơn nhiều”.

Trưởng Khoa khám bệnh tại đây – bác sĩ Đinh Thị Yến, cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh đã tạo thuận lợi rất nhiều cho không chỉ bệnh nhân, người nhà của họ mà với cả đội ngũ cán bộ y, bác sỹ bệnh viện.

“Theo đó, với việc nhập dữ liệu người bệnh kết nối với tất cả các khoa phòng, chúng tôi có điều kiện tăng thời gian khám bệnh, từ đó làm tốt hơn công tác tư vấn, giúp bệnh nhân và người nhà tuân thủ phác đồ điều trị. Đội ngũ điều dưỡng của bệnh viện do không phải sao chép giấy tờ bằng tay, nên hỗ trợ nhiều hơn cho bác sỹ trong khám bệnh và hướng dẫn bệnh nhân. Cùng với đó, đội ngũ dược sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện sẽ dễ dàng nhận biết tên thuốc, nguồn thuốc cấp phát cho bệnh nhân…”, bác sỹ Yến bổ sung.

Còn bác sỹ Phạm Văn Dậu, Phó Giám đốc Bệnh viện thì cho biết, đơn vị này đã triển khai ứng dụng CNTT từ năm 2006 cho công tác quản lý, khám, chữa bệnh. Hàng năm, bệnh viện đều có kế hoạch đầu tư kinh phí, nhân lực, công nghệ phần mềm để triển khai bổ sung.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 1418 của Bộ Y tế về ứng dụng CNTT trong việc thanh toán BHYT và triển khai liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, từ tháng 6 năm 2016, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình đã tiến hành triển khai và từ 1/7/2016, các khoa phòng tại đây đã cập nhật được thông tin của bệnh nhân lên cổng thông tin điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cán bộ giám định BHYT, các y, bác sỹ và người khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Cũng theo bác sỹ Phạm Văn Dậu, với phần mềm quản lý bệnh viện được kết nối với các máy chủ tại các khoa, phòng, toàn bộ hồ sơ từ đón tiếp bệnh nhân đến lưu bệnh án đều được lưu trữ. Với tất cả người đến khám từ lần hai trở đi, bệnh nhân chỉ cần cung cấp mã số do bệnh viện cung cấp hoặc họ tên là bác sỹ có thể tra cứu tiền sử bệnh, quá trình điều trị trước đó, giúp tiết kiệm thời gian khai báo thông tin. Ngoài ra, việc lưu trữ còn giúp người bệnh có thể tra cứu thuận tiện khi cần chi tiết thông tin về tình trạng sức khỏe của mình thời gian trước đây.

Bác sỹ Dậu khẳng định, việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và giám định BHYT đã giúp cho việc thanh, quyết toán nhanh, không cần phải đợi định kỳ hàng tháng, quý..., giúp bệnh viện quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chống thất thu viện phí, công khai minh bạch tài chính, kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Đặc biệt, bệnh nhân được giảm hơn một nửa thời gian chờ khám, làm thủ tục xuất viện. Việc kê đơn thuốc được in trên giấy rõ ràng, dễ đọc…, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho bệnh nhân, giảm tải công việc cho bác sỹ, bệnh viện cũng như giám định viên BHXH.

Tuy nhiên, vị Phó giám đốc này cũng bổ sung, hiện nay, công tác triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, thanh toán BHYT vẫn còn một số vướng mắc như: Danh mục dùng chung Bộ Y tế quy định chưa đầy đủ; trình độ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều; Các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng nhiều phần mềm khác nhau nên việc đồng bộ, trích xuất dữ liệu phải do nhiều công ty phần mềm thực hiện; danh mục thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều sai sót nên triển khai việc chuẩn hóa danh mục dùng chung còn chậm...

Người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam nhận xét, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời; Người bệnh giảm thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng. “Đây cũng là một phương pháp tuyên truyền thiết thực, tích cực về chính sách BHYT đến người dân”, bà Minh khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, chương trình tin học hóa quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT đã thực sự đem lại những hiệu quả rất lớn, tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch và đặc biệt là tạo thuận lợi, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người bệnh BHYT, tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội.

 

Nguyên Trang

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google