Anh Nguyễn Công Chung (Hải Dương) đã mua một chiếc kính mát xa mắt OptimaskPro với giá 1,07 triệu đồng với hy vọng cải thiện được thị lực. Mặc dù mua qua mạng nhưng anh vẫn tin tưởng vì sản phẩm được công bố là của một công ty ở Mỹ, có địa chỉ, mã số thuế công khai rõ ràng, phương thức thanh toán là trả tiền mặt khi nhận hàng.
Chỉ dùng sản phẩm được vài ngày, anh đã biết mình bị lừa. Nó không hề có tác dụng gì, ngay cả chỉ đơn giản là mát xa mắt vì những cái "tay" silicon có gắn miếng nam châm không chạm được vào da quanh mắt. Do đó, đeo nó vào chỉ thêm khó chịu vì ồn, vướng víu.
Muốn trả lại hàng, anh gọi lại cho số điện thoại ghi người gửi trên vỏ bưu kiện, đáp lại chỉ là hồi chuông đổ dài. Anh cũng không nghĩ có thể khiếu nại lên cơ quan quản lý nào được vì anh mua hàng qua mạng ở công ty ngoại quốc. Do vậy, anh chỉ có cách lên mạng, lúc nào rảnh thì tìm đến những quảng cáo, chủ đề bàn tán về sản phẩm kính mát xa OptimaskPro để lại cảnh báo không nên mua nó để giúp những người khác khỏi bị lừa như mình.
Sản phẩm mua qua mạng của công ty Mỹ nhưng lại thanh toán bằng tiền mkhi nhận hàng. Nhưng người mua không biết liên hệ với ai để khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
Như trong bài viết OptiMaskPro – chiêu lừa mua hàng online tinh vi đã đăng trên VnReview, công thức "hạ gục nhanh" nạn nhân của bên bán hàng như sau:
Bước 1: Nhắm vào những người đang "có bệnh vái tứ phương" - cụ thể ở đây là những người đang kỳ vọng làm thế nào cải thiện được thị lực cho bản thân hoặc người nhà bằng cách mua quảng cáo Google Adwords (có nghĩa khi người dùng tìm kiếm bất kỳ từ khoá nào liên quan đến mắt, kính thì quảng cáo kính OptiMaskPro sẽ hiển thị đầu tiên khi họ truy cập vào mọi website.
Bước 2: Lập website quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, dùng thủ thuật IT để tạo bộ đếm thời gian giả, thông điệp giả về số lượng người mua, số hàng khuyến mại còn lại. Tạo trang blog giả người dùng phản hồi công dụng của sản phẩm, kèm hàng trăm bình luận từ mạng xã hội cũng là giả. Điều người mua hàng ít để ý đến là mặc dù người bán có ghi rõ địa chỉ số nhà, đường phố, thậm chí cả mã số thuế nhưng không có số điện thoại liên lạc. Ngay cả thông tin người chủ sở hữu website cũng bị giấu đi.
Bước 3: Để tăng thêm độ tin cậy, phương thức thanh toán là trả tiền khi nhận hàng, đồng thời thông báo cho trả lại hàng. Thông tin điều kiện trả lại hàng bị "giấu" trong mục Điều khoản và điều kiện đặt ở cuối trang mà hầu hết sẽ không ai để ý. Nếu vào đọc, họ sẽ biết ngay việc hoàn tiền 100% là không thể bởi điều kiện là hàng còn nguyên đai nguyên kiện, phải cung cấp tên và mã đơn hàng người mua đầu tiên... là hai trong số các điều kiện được đưa ra!
Nói ngắn gọn, trong giao dịch này, sản phẩm là có thật - một loại hàng rẻ tiền (như kính tương tự sản phẩm OptimaskPro bán tại các trang Sendo, Lazada... giá trên dưới 100 nghìn đồng), nhưng được thổi phồng công dụng kèm với giá bán cắt cổ. Người mua một khi đã mở sản phẩm thì không có cách nào trả lại. Mặc dù là mua qua mạng, của một công ty nước ngoài nhưng giao dịch thực tế diễn ra tại Việt Nam (nhận tiền – giao hàng). Vậy thì nạn nhân trong trường hợp này biết gõ cửa nào để đòi lại công bằng?
Kính tương tự bán giá trên dưới một trăm nghìn đồng, nhưng qua quảng cáo, thổi phồng tác dụng phục hồi 100% thị lực, cho hoàn tiền 100%, kính mát xa mắt OptimaskPro có giá 1,07 triệu đồng.
Cơ quan đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là Cục Thương mại điện tử của Bộ Công thương. Liên hệ với Cục này, chúng tôi được chỉ dẫn mọi khiếu nại cứ vào trang Online phản ánh (online.gov.vn). Tuy nhiên, phạm vi phản ánh lại bị bó hẹp ở nội dung: Các website thương mại điện tử chưa/không đăng ký với Bộ Công thương; các website vi phạm các quy định về giao kết trong hợp đồng, vi phạm về quy định bảo vệ thông tin cá nhân... Tóm lại, trường hợp bị lừa mua sản phẩm vô dụng giá cao nói ở trên không khiếu nại được ở "cửa" này.
Cửa thứ hai chúng tôi nghĩ đến là cơ quan thuế. Vì rõ ràng thực chất đây là giao dịch tiền mặt xảy ra ở Việt Nam. Vậy thì cơ quan thuế có biết và quản lý được đối tượng này không? Một chuyên gia của Hội tư vấn thuế Việt Nam sau khi nghe ngọn ngành câu chuyện đã kết luận: Khó. Việc giao hàng trả tiền mặt cho thấy rõ ràng giao dịch phát sinh ở Việt Nam, bên bán hàng phải có "chân rết" ở Việt Nam. Song để tìm ra chân rết này không đơn giản vì họ không đăng ký, hàng lại qua các kênh chuyển phát lằng nhằng. Còn xử lý khiếu nại công ty Mỹ làm ăn gian dối thì thẩm quyền là Uỷ ban Thương mại Mỹ (FTC) chứ không phải các cơ quan Việt Nam.
"Ngay đến quảng cáo Google, họ kiếm tiền được từ doanh nghiệp trong nước, nhắm vào đối tượng người dùng trong nước nhưng mình có thu được đồng thuế nào từ họ đâu, ngay cả nội dung quảng cáo bậy bạ trên Google mình cũng không xử lý được", vị chuyên gia này chia sẻ.
Về phía quản lý quảng cáo Google, một đại diện Google ở Việt Nam cho biết họ không có chính sách kiểm duyệt nội dung cụ thể mà nhà cung cấp nội dung phải tự chịu trách nhiệm. Còn vấn đề nếu có phản ánh sai phạm nghiêm trọng, mang tính chất lừa đảo thì Google xử lý như thế nào thì vị đại diện cho biết họ phải chờ câu trả lời từ Google Mỹ. Tuy nhiên, qua kiểm chứng của chúng tôi thì quảng cáo Google không có cơ chế để người dùng báo cáo nội dung quảng cáo lừa đảo.
Qua vụ việc cái kính OptiMaskPro trong mua bán qua mạng, người bị lừa thiệt thòi đã đành, nhưng làm thế nào để những người khác không tiếp tục bị dính bẫy lừa tương tự nữa thì chịu, ngay cả khi chúng ta có luật Thương mại điện tử đồ sộ nhưng tiếc là nó vẫn chưa bao quát hết hiện thực cuộc sống.
Triệu Minh
Theo VnReview
Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét