Sẽ có sự bùng nổi về nội dung khi mạng cáp quang và mạng 4G được phổ biến
Theo ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm VTV Digital, xu hướng chủ đạo về nội dung online hiện nay là video được phân phối trên đa màn hình. Video có độ phân giải càng cao thì đòi hỏi băng thông càng lớn, trừ khi có các chuẩn nén mới tiên tiến hơn hay công nghệ peer-to-peer được ứng dụng rộng rãi. “Tôi cho rằng các dịch vụ băng rộng hiện đang cung cấp còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và nhu cầu cần đáp ứng của việc phân phối video cũng như truyền hình trên Internet”, ông Chiến khẳng định.
Ông Chiến cho rằng, về lý thuyết thì tốc độ mạng đủ cho phát video nhưng thực tế không hẳn vậy. Tốc độ mạng chưa phải là yếu tố duy nhất bảo đảm dịch vụ video vì còn phụ thuộc vào tính chất của nội dung. Khi nhu cầu và thói quen xem tivi trên Internet ngày càng tăng cao, một thời điểm người xem đồng thời có thể đột biến lên đến nhiều triệu (như truyền hình trực tiếp bóng đá, game show) thì với hạ tầng băng rộng hiện nay vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng nghẽn cục bộ vì chưa một nhà mạng nào tính toán đầy đủ cho những tình huống như vậy. “Đây là bài toán khó của viễn thông liên quan đến quy mô đầu tư và phân tải băng thông”, ông Chiến kết luận.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng cáp quang cũng như việc mạng 4G sẽ ra mắt trong năm 2016, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng, sự phát triển của công nghệ truyền dẫn và các ứng dụng trên nền viễn thông, internet rất thú vị. Đôi khi chúng ta thấy công nghệ đi trước ứng dụng, nhưng đôi khi lại thấy ứng dụng thúc đẩy thay đổi công nghệ. “Riêng ở Việt Nam, chúng tôi cảm nhận rằng sắp có sự phát triển bùng nổ của các ứng dụng và nội dung, khi dịch vụ cáp quang và 4G được phổ biến. Hiện có rất nhiều nhiều doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị cho thời điểm đó”, ông Bình cho biết thêm.
Ngoài ra, nếu chúng ta biết rằng ở Hàn Quốc, 94% dân số đã có cáp quang đến tận hộ gia đình hoặc tận toà nhà của họ, và dịch vụ Internet tại nhà lên đến 1Gbps, thì thấy rằng tốc độ hiện tại ở Việt Nam chưa là gì. Thậm chí, ngay cả với Malaysia với 31%, thì tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam được hưởng tốc độ cao của cáp quang vẫn còn khá nhỏ, dù năm 2015 đã có bước tăng trưởng lớn. “Băng thông lớn nhờ cáp quang sẽ thúc đẩy nội dung và ứng dụng. Do đó, chúng ta thấy rằng những năm tới, tốc độ truy cập sẽ tiếp tục tăng, với sự phát triển và phổ biến của dịch vụ cáp quang và 4G/LTE, và 5G trong tương lai xa hơn”, ông Bính nhấn mạnh.
Gần đây, 4G/LTE nóng bỏng có vẻ làm giảm sự quan tâm của truyền thông với FTTH, nhưng thực ra phát triển mạng cáp quang lại là nền tảng quyết định cho việc thành công của Internet băng rộng. Các nhà viễn thông cũng đã có tuyên bố về chiến lược mở rộng mạng cáp quang của mình. “Thị trường và sự nhạy bén của doanh nghiệp sẽ quyết định việc phát triển của các ứng dụng, dịch vụ. Hiệp hội Internet Việt Nam - VIA vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến, chia sẻ thông tin, ... ví dụ như đang bàn thảo thực hiện Sách trắng Internet Việt Nam, tổ chức tham dự FTTH Council APAC, đồng tổ chức 4G/LTE Summit vào 18/8 tới ... để các hội viên và cộng đồng doanh nghiệp có thêm nguồn thông tin hữu ích, hỗ trợ thêm cho các quyết định kinh doanh của mình”, ông Bình nói.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cho biết, dù FPT Telecom là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng Internet (ISP) nhưng đơn vị này cũng tham gia cung cấp một số dịch vụ nội dung trên nền tảng ứng dụng di động và web như FPT Play, nhacSO.net, Fshare, truyền hình IPTV… hay các hoạt động cộng đồng như ViOlympic...Mặc dù vậy, những nội dung này chỉ là một phần nhỏ trong số vô vàn những dịch vụ mà các đơn vị ở Việt Nam cung cấp từ các công ty khởi nghiệp cho đến các doanh nghiệp nội dung lớn như VNG, VC Corp… “Các ISP đã cung cấp đường truyền kết nối tốt, băng thông lớn tạo điều kiện thuận lợi để cho các nhà cung cấp dịch nội dung có môi trường tốt nhất để phát triển dịch vụ”, ông Kiên nói.
Theo báo cáo của Akamai quý 4/2015., tốc độ kết nối trung bình của Việt Nam là 3,8Mbps, tăng khoảng 13 % so với quý trước xếp trên Phlippines và Ấn Độ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, so với tốc độ Internet trung bình thế giới thì tốc độ Internet ở Việt Nam vẫn thấp hơn gần 1,5 lần .
Video 4K và thực tế ảo sẽ là những nội dung chủ đạo trong thời gian tới
Tuy nhiên, theo ông Bình để "phát huy và khai thác" cơ sở hạ tầng mạng tốc độ cao, phát triển ứng dụng nội dung là rất quan trọng. Một trong những dịch vụ mới mà các nước đã có, là 4K TV. Ở Việt Nam cũng đang chuẩn bị rồi. Rất nhiều ứng dụng liên quan đến chiếc TV, biến nó thành trung tâm tương tác giải trí, cũng đang được nhiều công ty đầu tư phát triển. Như vậy không chỉ có laptop, smartphone "đòi" băng thông, mà cả chiếc TV thân thuộc cũng cần kết nối tốc độ cao.
Với sự phát triển của mạng cáp quang và 4G/LTE trong thời gian tới, các nội dung 4k sẽ có đất "dụng võ" và sẽ là những nội dung chủ đạo trong tương lai. |
Về việc phát triển mạng cáp quang FTTH, cũng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm ở góc độ tổng thể, như tác động đến môi trường và mỹ quan đô thị, như tối ưu hoá hạ tầng, chia sẻ hạ tầng như thế nào ... VIA sẽ cố gắng có những hoạt động kết nối, thúc đẩy để "hệ sinh thái" xung quanh FTTH cùng với 4G/LTE hoạt động hiệu quả, bền vững, làm nền tảng cho ứng dụng và nội dung phát triển.
Cuối cùng, ông Chiến khẳng định sự quan tâm đến việc sẵn sàng của dịch vụ băng rộng di động tốc độ cao vì lượng người dùng thiết bị di động xem nội dung ngày càng tăng nhanh đồng thời công nghệ chất lượng hình ảnh sẽ liên tục được nâng cao 2K rồi 4K và tiếp theo là 8K. Một xu hướng dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới là video thực tế ảo VR360. Đây là sản phẩm nội dung đặc thù chỉ có thể xem qua Internet băng rộng. Không phải tự dưng tất cả các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới bao gồm cả các nhà sản xuất thiết bị di động đều đang cổ suý mạnh mẽ cho loại hình nội dung số này.
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cho rằng, giữa hạ tầng Internet và nội dung luôn có sự bổ trợ lẫn nhau. Ví dụ ngày xưa người dùng chỉ có nhu cầu tải xuống (download) và rất ít người có nhu cầu đăng lên (upload) nhưng ngày nay với sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram thì người sử dụng lại có nhu cầu chia sẻ, upload nhiều hơn, chưa kể người dùng cũng chuyển từ việc upload các nội dung chuẩn SD sang các nội dung chuẩn Full HD hay sắp tới là chuẩn 4K. “Khi đó, các ISP sẽ lại phải tiếp tục tăng băng thông upload cho người dùng. Thống kê của FPT Telecom cho thấy, sau khi quang hóa thì dung lượng sử dụng trung bình của người dùng tăng từ 4-8 lần, trong khi băng thông gói cước chỉ tăng khoảng 6Mbps, từ 8 Mbps – 10Mbps của cáp đồng ADSL lên khoảng 14 Mbps – 16 Mbps của mạng cáp quang. Đây thực sự cũng là một thách thức danh cho các doanh nghiệp viễn thông.”, ông Kiên khẳng định.
Thế Phương
GIAO LƯU VỚI ĐỘC GIẢ TRÊN FANPAGE ICTNEWS
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét