Chúng ta chỉ cần chờ bo mạch chủ H110M-DS/Hyper được bán ra nữa thôi, mong ước “tiền ít rít hàng thơm” sẽ trở thành hiện thực.
Như các bạn đã biết, thời gian gần đây hãng bo mạch chủ ASRock đã tung ra series sản phẩm có tên Hyper, cho phép ép xung các bộ xử lý giá rẻ như Pentium, Core i3 và trung-cao cấp như Core i5, Core i7 non-K.
Từ sau thế hệ Core i đời đầu, Intel đã giới hạn ép xung thành một tính năng cao cấp, chỉ khi sở hữu các bộ xử lý dòng K và bo mạch chủ dòng Z đắt tiền người dùng mới có thể OC. Trớ trêu thay, ở phân khúc phổ thông và trung cấp, hiệu năng linh kiện còn yếu và còn thiếu, người dùng cần ép xung nhất thì lại không làm được. Vì thế đến thời gian gần đây, OC trở thành tính năng để chơi nhiều hơn là để dùng.
Vì thế series Hyper của ASRock thực sự là một trận mưa mát thổi vào cơn khát lâu ngày, đặc biệt đối với những ai chỉ đủ khả năng chi trả cho hệ thống chạy Pentium và Core i3 - số lượng chiếm phần đông khách hàng tiêu dùng máy tính tại nước ta. Trong lúc chờ đợi ASRock H110M-DS/Hyper - bo mạch chủ rẻ nhất cho phép ép xung - về Việt Nam, hôm nay chúng ta sẽ thử ép xung Pentium G4400 - con chip Skylake rẻ gần nhất hiện nay bằng H170 Pro4/Hyper.
Về hiệu quả của giải pháp ép xung giá rẻ ASRock Hyper, các bạn có thể tham khảo 2 bài viết Ép xung Core i5-6600 lên 5 GHz và Ép xung biến Core i3 thành Core i5 trong vài nốt nhạc.
Điểm lại sơ bộ H170 Pro4/Hyper và hé lộ H110M-DS/Hyper
Đầu tiên là về giá bán: nhà phân phối ASRock Việt Nam đề xuất giá bán lẻ đến tay người dùng cho H170 Pro4/Hyper là 3.200.000 VNĐ. Giá bán thực tế tại các đại lý bán lẻ có thể thấp hơn, như Hanoi Computer đang đặt giá 2.999.000 VNĐ. Theo những thông tin mà tôi có, H110M-DS/Hyper sẽ có giá từ 1,9 đến 2 triệu đồng.
H170 Pro4/Hyper hiện tại và H110M-DS/Hyper đều gắn nhãn Made in Vietnam, được sản xuất bởi chính công nhân người Việt tại nhà máy ASRock đặt tại Bình Dương.
Dù thuộc phân khúc trung cấp nhưng ASRock lại khoác lên cho sản phẩm tông đen - trắng sang chảnh thời thượng, vốn chỉ thấy ở các bo mạch chủ cao cấp. H110M-DS/Hyper cũng sẽ dùng tông màu này làm chủ đạo, nhưng giá bán phổ thông nên đương nhiên sẽ không đẹp bằng.
Được thiết kế để ép xung Core i5 và Core i7 nên H170 Pro4/Hyper có tận 10 phase điện. Trong khi đó H110M-DS/Hyper sẽ có 5 phase điện. Kỳ thực với điện năng tiêu thụ thấp của Skylake, H110M-DS/Hyper hoàn toàn có thể ép xung Core i5 lên 4,5 GHz chạy hàng ngày.
Các bo mạch chủ Hyper có thể ép xung các bộ xử lý non-K (điều Intel cấm tiệt) nhờ vào chip điều khiển base clock IDT 6V41542NLG.
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: ASRock H170 Pro4/Hyper
Bộ xử lý: Intel Pentium G4400
Bộ nhớ: 2 x 8 GB Avexir Core Series DDR4 2666 MHz
Card đồ họa: Asus GTX 980 Ti Poseidon; Nvidia GTX 1080
Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB
Nguồn: 650W
Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (Hanoi Computer, 43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã tài trợ kit nhớ Avexir Core Series DDR4 2666 MHz cho cấu hình thử nghiệm của chúng tôi.
Ép xung với ASRock Hyper: Cực đơn giản, dễ làm
Sau vài năm bị Intel cấm đoán, đa phần dân ép xung ngày xưa không có điều kiện tiếp tục nên không nắm được cách OC các CPU hiện tại, còn những ai trước giờ chưa từng ép xung thì không cần phải bàn. ASRock cũng biết điều này nên họ cố gắng tối giản mọi thứ hết mức có thể. Ngay lúc bật máy, chúng ta có thể bước ngay vào chế độ ép xung nhẹ, tăng xung nhịp lên 10% chỉ bằng cách bấm vào nút X trên bàn phím. Các bạn lưu ý: Tăng 10% nghĩa là cụ thể bao nhiêu tùy thuộc vào xung gốc của CPU. Ví dụ chip Pentium G4400 xung 3,3 GHz sẽ tăng lên 3,63 GHz; Pentium G4500 xung 3,5 GHz sẽ tăng lên 3,85 GHz; Core i3-6100 xung 3,7 GHz sẽ tăng lên 4,07 GHz.
10% không phải nhiều, nhưng chế độ này có 2 ưu điểm tuyệt đối:
- Kích hoạt cực dễ: Chỉ cần bấm chữ X khi boot, biết chữ là làm được.
- Sau khi kích hoạt, toàn bộ thiết lập đều đặt về chế độ tối ưu cho ép xung. Người dùng muốn ép xung cao hơn chỉ việc tăng Base Clock rồi tìm Vcore thích hợp, chú ý kiểm soát xung RAM là xong, hoàn toàn không phải chỉnh chọt gì thêm.
Chỉ có 3 thứ trong bios bạn cần lưu ý khi muốn tự mình OC thêm:
- BCLK Frequency: Mặc định là 100, tăng thêm 10 thì xung tăng thêm 10%, tăng thêm 25 thì xung tăng 25%.
- Chỉnh bộ chia RAM hợp lý để xung RAM ko tăng quá cao.
- Tìm điện áp thích hợp để hệ thống chạy ổn định.
Nói nghe có vẻ dễ, nhưng nếu chưa có kinh nghiệm ép xung, bạn sẽ mất kha khá thời gian tự tìm hiểu và cần cả kinh nghiệm người đi trước truyền lại nữa.
Hiệu năng ép xung
Chúng ta sẽ cùng test nhanh xem liệu ép xung có phải 1 tính năng đáng tiền hay chỉ là để nghịch cho vui. Trong phần này tôi sẽ thử với 3 mức:
- Mức tự động của ASRock: BCLK 110, xung nhịp 3,63 GHz. Người dùng không cần phải làm gì, chỉ cần bấm chữ X lúc máy khởi động là xong.
- Mức dễ dàng: BCLK 125, xung nhịp 4,125 MHz, điện áp 1,3V. Rất dễ để đạt được mức này, đối với người chưa biết gì cũng chỉ mất tối đa nửa tiếng.
- Mức bỏ công tìm hiểu, ép xung tối đa: BLCK 140, xung nhịp 4,62 GHz, điện áp 1,4V. Đây là mức dành cho những người muốn vắt kiệt tiềm năng ép xung của CPU, ép cỗ máy phải chạy nhanh nhất có thể. Không có con số cố định nào cho xung nhịp tối đa cũng như điện áp phù hợp, mà nó phụ thuộc vào từng CPU cụ thể và tản nhiệt của người dùng. Vì thế cách duy nhất là bạn phải tự bỏ công bỏ sức tìm hiểu chính người bạn của mình mà thôi.
Kết quả trung bình, chia theo phần trăm nằm ở cuối bài viết.
Quẩy Dota 2 với GTX 1080
Bài test này tôi làm riêng cho anh em game thủ, những người cụ thể hóa hiệu năng ra khung hình / giây. Với tầm Pentium, chắc không gì thích hợp hơn Dota 2. Sẵn GTX 1080 trong tay, tôi cắm vào chiến luôn một thể. Nội dung benchmark là trận đấu giữa OG và Newbie, thời điểm combat to và căng thẳng, chưởng pháp bay lượn, vô cùng nhiều hiệu ứng nặng.
OG vs Newbie - Pentium G4400 benchmark test
Thiết lập: Độ phân giải Full HD 1920 x 1080, chất lượng đồ họa cao nhất.
Nhìn vào kết quả, có thể thấy dù là CPU được đánh giá cao về hiệu năng / giá, G4400 vẫn khá thọt. Nếu đổi lại là Core i5 hay Core i7, GTX 1080 thừa sức đạt max 120 FPS (giới hạn của Dota 2) mà chỉ cần tới 50% sức mạnh. Rõ ràng, ép xung là tính năng vô cùng hữu ích, đặc biệt đối với các hệ thống tầm trung và phổ thông.
Kết luận
Biểu đồ tổng kết hiệu năng:
36,5% là những gì chúng ta có thể vắt kiệt tối đa từ G4400 - một con số không hề nhỏ. Nếu so về hiệu năng và giá bán, chip Core i5-6400 đắt hơn G4400 gấp 3 lần, nhưng nếu bạn sở hữu một bo mạch chủ ASRock dòng Hyper và chịu khó ép xung, nó chỉ mạnh hơn tầm 40% mà thôi.
Đối với tôi, ép xung Celeron, Pentium, Core i3 và Core i5 giá rẻ thực sự là điều nên thử và đáng làm. Chúng ta chỉ cần chờ H110M-DS/Hyper được bán ra nữa thôi, mong ước “tiền ít rít hàng thơm” sẽ trở thành hiện thực.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét