Nghị định 81 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25 ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 81 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25 ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông (Nghị định 25).
Việc ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25 là nhằm đảm bảo pháp luật chuyên ngành viễn thông phù hợp với một số quy định mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014, đặc biệt là quy định về điều kiện và giấy phép kinh doanh.
Kể từ ngày Nghị định 81 có hiệu lực, ngày 1/7/2016, các Điều 11, 12, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 25 và 26 của Thông tư 12 ngày 13/5/2013 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về hướng dẫn cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông hết hiệu lực thi hành.
Nghị định 81 của Chính phủ được xây dựng theo hướng quy định minh bạch các điều kiện cấp giấy phép; cắt giảm thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục; thống nhất một đầu mối tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính và giảm thời gian cấp phép xuống còn 15 ngày, thay cho thời hạn 45 ngày như quy định cũ.
Cụ thể, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2, 4 và 6 của Điều 23 Nghị định 25 quy định thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Theo đó, cả với hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải gửi 5 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép.
Hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông bao gồm: 1-Đơn đăng ký cấp giấy phép theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; 2-Bản sao hợp lệ gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13); 3-Bản sao điều lệ đang có hiệu lực của doanh nghiệp và có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp; 4- Kế hoạch kinh doanh trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này); 5-Kế hoạch kỹ thuật tương ứng với kế hoạch kinh doanh trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp giấy phép (theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
Bên cạnh 5 loại văn bản kể trên, hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng còn phải có Văn bản xác nhận vốn pháp định theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và Văn bản cam kết thực hiện giấy phép theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông, Nghị định 81 quy định, doanh nghiệp nộp hồ sơ phải gửi 5 bộ hồ sơ tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp phép.
Đáng chú ý, về thời hạn và quy trình xử lý hồ sơ, theo quy định mới, trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xem xét và thông báo cho doanh nghiệp biết về tính hợp lệ của hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày làm việc (quy định cũ là 45 ngày - PV) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này.
Tương tự, thời hạn Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 25 là trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, thay vì 45 ngày như quy định cũ.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 20 của Nghị định 25, doanh nghiệp được cấp giấy phép viễn thông trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm thực hiện giấy phép theo thông báo của Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông. Trường hợp từ chối cấp phép, Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép được biết.
Với quy định công bố nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (khoản 6 Điều 23), Nghị định 81 sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chi tiết, cụ thể hơn: “Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp phải đăng trên một trong các tờ báo viết trong 3 số liên tiếp hoặc báo điện tử và trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT trong 20 ngày nội dung quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 5 Điều 23 Nghị định này”.
Bên cạnh đó, Nghị định 81 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định khác trong Nghị định 25 như: sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 4 - Hình thức, điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Điều 5 - Đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều 13 - Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông, Điều 24 - Các trường hợp phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép và thực hiện thủ tục thông báo; đồng thời bổ sung các điều: Điều 23a - Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều 24a - Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều 24b - Gia hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều 24c - Cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
M.T
GIAO LƯU VỚI ĐỘC GIẢ TRÊN FANPAGE ICTNEWS
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét