Nhiều tranh cãi xoay quanh hành vi tự sát ở động vật, liệu chúng có chủ đích nhắm đến cái chết hay không?
Năm 1845, một câu chuyện lạ tràn ngập mặt báo London, Anh. Chú chó màu đen được mô tả là đáng yêu và khỏe mạnh nhiều lần ném mình xuống sông "tự tử". Bốn chân nó cứng đờ, hoàn toàn trái ngược phản ứng khi ở dưới nước của loài chó. Kỳ lạ hơn, sau khi được đưa lên bờ, con chó lại lao xuống sông và cố gắng dìm mình dưới nước.
Nhiều con chó thường nhịn ăn tới chết sau khi chủ nhân qua đời. Ảnh: Alflo/Naturepl.com |
Động vật có thể đối diện những vấn đề sức khỏe tâm thần tương tự con người, điển hình là căng thẳng, nhân tố góp phần dẫn tới tự sát ở người. Những hành vi từng được cho là chỉ có ở người cũng được quan sát ở một số động vật. Song, động vật tự tử có chủ đích hay không là câu hỏi gây nhiều tranh cãi.
Theo BBC, đây không phải là câu hỏi mới. Hơn 2.000 năm trước, nhà triết học Aristotle kể về con ngựa đực nhảy xuống vực sâu, sau khi vô tình giao phối với ngựa mẹ. Thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, Claudius Aelian, một nhà nghiên cứu Hy Lạp đã viết hẳn cuốn sách bàn về hiện tượng này. Ông nêu ra 21 vụ động vật tự sát, trong đó có những con chó săn nhịn ăn đến chết khi người chủ qua đời hay đại bàng lao vào lửa hỏa thiêu chủ nhân, kết thúc sự sống.
Những vụ động vật tự tử cũng thu hút chú ý tại Anh giữa thế kỷ 19. Nhà tâm lý học William Lauder Lindsay cho rằng, "u sầu trầm cảm" có thể là nguyên nhân. Ông mô tả động vật "bị đẩy vào tình trạng hoảng loạn và điên cuồng theo nghĩa đen", trước khi có những hành vi tự hủy hoại, có thể kết thúc bằng cái chết.
Luận điểm này được các nhà hoạt động vì động vật viện dẫn. Theo nhà sử học y khoa Duncan Wilson, đại học Manchester, Anh, mục đích của các nhà hoạt động là nhân cách hóa cảm xúc của động vật, "chứng minh chúng cũng có khả năng tự nhìn nhận và các ý định, bao gồm cả ý định tự sát khi đau buồn hoặc uất ức".
Tuy nhiên, với kiến thức y học tiến bộ của thế kỷ 20, ý nghĩ tự tử mang tính "quả cảm" dần bị lu mờ. Thay vào đó, khoa học tập trung vào tác động của tự tử trên số lượng lớn cá thể.
Tự sát, thường là hệ lụy của áp lực xã hội, trở thành một trong những chứng bệnh xã hội. Đàn chuột lemming nối đuôi nhau quăng mình xuống vực hay vụ mắc cạn hàng loạt của cá voi là các ví dụ điển hình. Song, Wilson không tìm câu trả lời rõ ràng rằng liệu động vật tự sát có chủ đích hay không. Công trình của ông chỉ tiết lộ sự thay đổi quan điểm về tự sát của con người phản ánh trong câu chuyện về động vật.
Đi tìm lời lý giải
Antonia Preti, nhà tâm lý học đại học Cagliari, Italy, muốn tìm câu trả lời xác đáng. Xem xét khoảng 1.000 nghiên cứu công bố trong 40 năm, ông khẳng định không có vụ động vật tự tử có chủ ý nào trong tự nhiên và cho rằng những vụ việc trong sách của Aelian chỉ là "câu chuyện mang tính thuyết hình người".
Trở lại vụ tự sát tập thể của chuột lemming, các nhà nghiên cứu kết luận đây là hệ lụy không mong muốn khi số lượng chuột di cư quá đông tại cùng thời điểm.
Vật nuôi bỏ ăn sau khi chủ nhân qua đời có thể do đổ vỡ mối liên kết xã hội. Động vật không đưa ra quyết định chết có ý thức mà chỉ quá phụ thuộc vào sự chăm sóc của chủ nhân đến nỗi không chấp nhận thức ăn từ người nào khác.
"Suy nghĩ thú nuôi tự sát theo chủ nhân chỉ là cách diễn giải của con người", Preti nhận xét.
Chuột thảo nguyên lemming thường kéo tới vách đá và quăng mình xuống vực. Ảnh: Benoitb/Istock |
Căng thẳng cũng dẫn đến thay đổi hành vi của động vật theo hướng đe dọa tính mạng. Đoạn video về cá voi sát thủ tên Morgan tại công viên Tenerife thuộc sở hữu công ty giải trí Seaworld, Mỹ, nhảy lên thành bể nằm im suốt 10 phút hồi tháng 5 khiến cộng đồng chú ý. Nhiều người cho rằng nó đang cố tự sát.
Cá voi thường hành động khác biệt khi bị nuôi nhốt, bởi bể nuôi có kích thước rất nhỏ so với đại dương. Môi trường sống nhân tạo là nguyên nhân gây trầm cảm, dẫn tới các hành động lặp đi lặp lại như cọ xát vào thành bể hay nghiến răng ở cá voi.
Do đó, việc tìm hiểu các trạng thái cảm xúc của động vật có ý nghĩa rất lớn, Barbara King, cao đẳng William and Mary ở Virginia, Mỹ nhận định. Theo bà, điều này có thể là nền tảng lý giải cho khuynh hướng tự làm hại của động vật.
"Theo hiểu biết của tôi, hầu hết vụ tự tử đều liên quan tới sự can thiệp của con người theo cách nào đó, dù là săn bắn hay giam cầm", King, cho hay.
Nhiều loài động vật bị nhốt trong điều kiện gây các tổn thương tinh thần kéo dài cũng trải qua các tình trạng căng thẳng, hội chứng căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD) và trầm cảm.
Một trang trại gấu Trung Quốc ghi nhận trường hợp gấu mẹ bóp cổ gấu con đến chết rồi tự sát. Vụ việc xảy ra sau khi gấu con bị chọc bụng để gắn ống chiết mật và tỏ ra cực kỳ đau đớn. Đây là một ví dụ về hành vi phi tự nhiên bắt nguồn từ căng thẳng quá mức và rối loạn khi bị giam cầm tù túng thời gian dài. Theo Preti, dường như hành động này phản ánh ý nghĩ "thoát khỏi sự cầm tù" của động vật.
Cá voi cũng nổi tiếng với các vụ mắc cạn hàng loạt trên bãi biển. Nhiều lý giải được đưa ra, trong đó có giả thiết "con đầu đàn bị bệnh", phải tìm kiếm an toàn trong vùng nước nông. Do tập tính xã hội cao, các cá thể khỏe mạnh vẫn bám theo con đầu đàn và lao vào bờ. Tuy nhiên, giả thiết không khẳng định đây là tự sát chủ đích.
Các hành vi tự hủy hoại còn được quy cho ký sinh trùng. Ký sinh trùng có thể tác động tới não bộ và khiến vật chủ có hành động giúp chúng sinh trưởng mạnh hơn. Trong quá trình này thường vật chủ sẽ chết.
Chẳng hạn, Toxoplasma gondii tấn công chuột và "tắt" đi nỗi sợ mèo bẩm sinh. Một nghiên cứu năm 2013 phát hiện việc nhiễm T. gondii xóa sạch nỗi sợ mèo, ngay cả khi ký sinh trùng này đã bị tiêu diệt. Tương tự, nấm Ophiocordyceps unilaterailis có thể khống chế não kiến, đưa vật chủ tới cái chết tại những nơi nấm có điều kiện tốt để sinh sôi.
Nhện mẹ thường tự nguyện trở thành bữa ăn cho con, song sự hy sinh này không phải tự sát mà là hành động bao bọc cực đoan, đảm bảo sự sống cho con non mới chào đời.
Nhận thức cái chết – khả năng riêng có của con người
Để khẳng định động vật có tự sát không đòi hỏi một khái niệm rõ ràng. Tự sát được định nghĩa là "hành vi giết mình một cách có chủ đích". Như vậy, động vật có ý định chết hay không? Trên thực tế, nhện mẹ xuất phát từ mục đích cung cấp thức ăn trong khi gấu mẹ lại bị dồn ép bởi căng thẳng và rối loạn.
Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, đây là câu hỏi khó trả lời bởi con người không thể đọc suy nghĩ loài vật.
"Tôi không tự tin cho rằng tự sát ở động vật là câu hỏi khoa học có thể trả lời", King nói. "Chúng ta có thể nhìn thấy hành vi của động vật khi đau buồn, nhưng không thể thấy nỗi đau mà chúng phải chịu và đánh giá liệu chúng có chủ đích tự sát không".
King cho rằng, ý định tự sát ở động vật là thiếu cơ sở do những khác biệt trong nhận thức, mấu chốt nằm ở khả năng suy nghĩ về tương lai.
Cá voi mắc cạn không phải do tự sát có chủ đích. Ảnh: Tim Cuff/Alamy |
Nhiều động vật có thể lên kế hoạch như dự trữ thực phẩm để ăn dần. Tuy nhiên, điều này không đòi hỏi ý niệm về ý nghĩa sự sống. Trong khi đó, lên kế hoạch tự sát lại cần hiểu biết chi tiết vị trí của một cá thể trong thế giới và khả năng hình dung điều gì xảy ra khi không còn tồn tại.
"Con người có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản, ghi nhớ và bổ sung chúng vào những tường thuật lớn hơn", Thomas Suddendorf, nhà tâm lý học tiến hóa, đại học Queensland, Australia cho biết.
"Có những khác biệt cơ bản về khả năng tưởng tượng vượt thời gian của con người khi so với những động vật có họ hàng gần gũi nhất".
Ý thức và trí tưởng tượng đi kèm nhiều hệ lụy. "Điều này khiến con người thường quá lo lắng tới những điều ít có khả năng can thiệp và trải qua nỗi sợ triền miên về việc không bao giờ mang lại kết quả", Suddendorf nói.
Dù vậy, hầu hết mọi người đều vượt qua nỗi sợ. Với xu hướng lạc quan nội tại, chúng ta thường có cái nhìn tươi sáng về tương lai.
"Một trong những thực tế mà con người phải chấp nhận là tất cả đều sẽ chết", Ajit Varki, đại học California, Mỹ nhìn nhận. Tuy nhiên, khả năng tuyệt vời của con người là phớt lờ điều này cho tới cuối cùng.
"Chúng ta cần sự phủ nhận ấy. Nếu không mọi người sẽ thu mình lại và chẳng làm gì", Varki nói.
Từ đó, Varki tin rằng tự sát ở động vật có thể được lý giải bởi các nguyên nhân khác. Theo ông, động vật đau buồn, nhận ra cái chết và sợ xác chết nhưng không hiểu cái chết là "một sự thật hiển nhiên".
"Động vật có nỗi sợ về những tình huống nguy hiểm có thể dẫn tới cái chết", Varki lý giải. Chúng xây dựng phản ứng từ bên trong với các nỗi sợ nhằm tồn tại, sống sót.
Con người là sinh vật duy nhất có khả năng hiểu và đối diện với cái chết của mình. Nói một cách chính xác, theo Varki, chúng ta là sinh vật lạc quan với khả năng tự nhận thức cực kỳ phức tạp.
"Tự sát là gì?", Varki đặt câu hỏi. "Tự sát là tự xui khiến bản thân tìm đến cái chết, nhưng làm thế nào để xui khiến nếu không nhận thức được mình có thể chết? Do đó, tự sát là hành vi chỉ có ở con người", chuyên gia này kết luận.
Xem thêm: Những loài vật có khả năng dự đoán thảm họa và bệnh tật
Thu Hiền
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét