Loài nấm kỷ Eocene 50 triệu năm tuổi được phát hiện trong khối hổ phách, cạnh lớp vỏ sau lột xác của một loài côn trùng và một sợi lông của loài gặm nhấm.
Khối hổ phách lưu giữ một cây nấm 50 triệu năm tuổi, lớp vỏ ngoài của bọ que đã tuyệt chủng và một sợi lông chuột. Ảnh: Đại học bang Oregon, Mỹ |
Telegraph hôm 14/7 cho hay, khối hổ phách được phát hiện gần vùng biển Baltic, nơi ngày nay là Đức, Ba Lan, Nga và bán đảo Scandinavia. Nó hình thành từ lớp nhựa cây dẻo trong khu rừng tùng bách cận nhiệt trải rộng hầu hết lãnh thổ nam châu Âu và tồn tại 10 triệu năm. Khi khí hậu nóng dần lên, các cây hạt kín bắt đầu thay thế thực vật hạt trần hay cây thường xanh có dạng hình chóp từng thống trị tại đây.
Cả loài nấm và bọ que trong khối hổ phách tới nay đều không còn tồn tại. Mặc dù nấm được phát hiện nhiều lần trong những hóa thạch ở những vùng khác trên thế giới, đây là mẫu nấm đầu tiên xuất hiện trong hổ phách vùng Baltic và chứa những sinh vật mới.
Vùng Baltic là nơi có trầm tích hổ phách lớn nhất thế giới, nổi tiếng hàng ngàn năm và hiện vẫn tiếp tục được khai thác.
Theo các nhà khoa học, khung cảnh lưu lại bên trong khối hổ phách cung cấp cái nhìn về sự sống trên Trái Đất một thời gian ngắn sau khi loài khủng long tuyệt diệt.
Con côn trùng đang ăn nấm kịp nhảy khỏi bộ da cũ chỉ vài giây trước khi nhựa cây bao phủ. Sinh vật may mắn thoát khỏi khung cảnh được gìn giữ hàng triệu năm, chỉ để lại bên trong lớp vỏ cũ sau lột xác.
Sợi lông chuột cũng bị kẹt trong hổ phách cho thấy một số cá thể chuột có thể đang nhấm nháp nấm khi dòng nhựa cây đổ xuống.
"Từ những gì quan sát trong khối hổ phách, cây nấm nhỏ có thể đang bị chuột gặm dở dưới một gốc cây", George Poinar, nhà nghiên cứu tại Cao đẳng Khoa học, đại học bang Oregon, Mỹ, nhận định.
"Loài côn trùng, tương tự bọ que, nhiều khả năng cũng đang ăn nấm. Dường như nó phải lập tức lột xác, nhảy bung khỏi lớp vỏ và trốn thoát ngay trước khi bị nhựa cây trùm lên".
Các nhà khoa học đã tìm thấy hàng nghìn mẫu vật côn trùng, thực vật và các dạng sống khác trong những khối hổ phách cổ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ tìm thấy hóa thạch của một sinh vật vừa trốn thoát.
"Côn trùng bé nhỏ trong hóa thạch này là bọ que, một trong những dạng côn trùng sử dụng vẻ ngoài giống cành cây hoặc lá để ngụy trang", Poinar nói.
"Nó có thể lột da nhiều lần trước khi trưởng thành trong vòng đời hai tháng ngắn ngủi của mình. Trong thường hợp này, khả năng nhanh chóng thoát khỏi lớp da lột cùng sự nhận định tình hình nhạy bén đã cứu sống nó".
Lớp vỏ cũ của con bọ được trong hổ phách hoàn toàn rõ nét, cho thấy những đường gân nhỏ có thể đã biến mất nếu lớp da lột xuất hiện từ lâu trước khi bị nhựa cây nuốt chửng.
Các nhà khoa học từng phát hiện nhiều khối hổ phách bên trong có côn trùng. Những mẫu vật này là tư liệu quý giá để nghiên cứu hệ sinh thái cổ. Ảnh: Telegraph |
Hóa thạch hổ phách cung cấp cái nhìn quý giá về hệ sinh thái cổ đại. Nhờ những mẫu vật hiếm hoi như lần này, các nhà khoa học có thể hiểu sâu hơn về sự tương tác và sinh thái học giữa các dạng sống khác nhau, làm cơ sở tái hiện hệ sinh thái cổ.
Xem thêm: Trứng hóa thạch hơn 500 triệu năm trong bụng tôm cổ đại
Thu Hiền
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét