Các nhà thiên văn học dự đoán chỉ mất 10 năm để xác nhận ba hành tinh kích cỡ Trái Đất cách chúng ta 40 năm ánh sáng có sự sống hay không.

co-the-xac-nhan-su-song-ngoai-trai-dat-trong-thap-ky-toi

Minh họa góc nhìn khi đứng trên bề mặt một hành tinh thuộc hệ sao Trappist-1. Ảnh: ESO/M. Kornmesser

Vào đầu tháng 5, một nhóm các nhà thiên văn quốc tế đã phát hiện ra ba hành tinh kích cỡ Trái Đất quay quanh ngôi sao Trappist-1, cách địa cầu chỉ 40 năm ánh sáng và có tiềm năng phù hợp cho sự sống phát triển. Họ dự đoán trong thập kỷ tới sẽ xác nhận được sự sống có hay không tồn tại trên ba hành tinh này.

Theo Business Insider, các hành tinh này được đánh giá có tiềm năng sự sống dựa trên kích thước và nhiệt độ. Nhóm nghiên cứu đã xác định có hai hành tinh là hành tinh đá và có bầu khí quyển đặc, tương tự Trái Đất, sao Kim và sao Hỏa trong hệ Mặt Trời. Kết quả này được công bố trên tạp chí Nature hôm 20/7.

Để đi tới kết luận này, nhóm đã sử dụng kính thiên văn không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hướng về Trappist-1 để theo dõi hiện tượng "double transit", xảy ra khi hai hành tinh di chuyển chắn phía trước ngôi sao tại một thời điểm gần trùng nhau.

"Chúng tôi nghĩ rằng những người ở Hubble có thể giúp thực hiện quan sát này. Do đó chúng tôi đã viết một đề nghị và gửi đi trong vòng 24 giờ. Và đây là lần đầu tiên quan sát được quang phổ của ngôi sao khi xảy ra hiện tượng này, cho phép có được hiểu biết thêm về khí quyển của hai hành tinh cùng một lúc", Julien de Wit, tiến sĩ khoa Trái Đất, Khí quyển và Khoa học hành tinh thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, cho biết.

Theo đó, từ độ giảm sáng của ngôi sao khi xảy ra "double transit", các nhà khoa học đã kết luận rằng hai hành tinh này có khí quyển đặc.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Michaël Gillon, một hệ thống hành tinh và sao như thế hứa hẹn khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất. Trappist-1 là một ngôi sao lùn đỏ siêu lạnh. Trong hầu hết thời gian, những ngôi sao như thế nhỏ và ánh sáng phát ra rất yếu, khó phát hiện bằng kính thiên văn quang học.

"Tại sao chúng ta phải cố gắng phát hiện sự sống trên các hành tinh giống Trái Đất quay quanh các ngôi sao nhỏ nhất và lạnh nhất ở các hệ mặt trời lân cận? Lý do rất đơn giản, đó là những nơi duy nhất chúng ta có thể nghiên cứu dựa theo công nghệ hiện tại", Gillon nói.

Do hai hành tinh trên ở quá gần sao mẹ, nên nhiều khả năng chúng bị khóa thủy triều, tức luôn chỉ hướng một phía về ngôi sao giống như Mặt Trăng với Trái Đất, dẫn tới chênh lệch nhiệt độ giữa hai nửa rất lớn. Tuy nhiên, nếu những hành tinh này có khí quyển và có thể là cả đại dương, nhiệt sẽ phân bố đều, có khả năng tạo ra những vùng nhiệt độ phù hợp cho sự sống phát triển.

"Chúng ta có thể nói rằng các hành tinh này có cấu tạo đá. Câu hỏi hiện giờ là, khí quyển của chúng có những thành phần nào?" de Wit nói.

"Có thể giống sao Kim, với CO2 chiếm phần lớn, hay giống Trái Đất với những đám mây dày, hoặc thậm chí như sao Hỏa với khí quyển cạn kiệt. Bước tiếp theo là phải nghiên cứu tất cả những kịch bản này".

Ông cũng cho biết thêm "trong vòng 5 tới 10 năm tới, chúng tôi có thể xác định chính xác những hành tinh này có hỗ trợ sự sống hay không, nếu chúng có nước và nhiệt độ phù hợp. Bước tiếp theo là xác định sự sống đã hình thành ở đó hay chưa, bằng cách tìm kiếm dấu vết các loại khí chỉ có thể sinh ra nếu có sự sống. Bước này sẽ cần thời gian 10 - 25 năm".

Xem thêm: 8 nơi khả dĩ nhất có sự sống ngoài hệ Mặt Trời

Nguyễn Thành Minh

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google