Báo cáo thị trường di động và Báo cáo khu vực Đông Nam Á của Ericsson cho thấy, đến cuối năm 2015, tỷ lệ thuê bao di động so với tổng dân số Việt Nam đã đạt gần 150%, trong khi đó tỷ lệ thuê bao di động băng rộng (3G/4G) là mới chỉ đạt gần 40%. Đến năm 2021, Việt Nam dự kiến là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng thuê bao băng rộng di động nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Ericsson ConsumerLab cũng đã thực hiện khảo sát trực tiếp và nhận thấy cứ 10 người dùng smartphone và Internet hàng tuần thì có 3 người hàng ngày sử dụng tất cả những ứng dụng sau: mạng xã hội, trò chuyện trực tuyến, xem video trực tuyến. Cụ thể, ở mức độ hàng ngày, 70% những người tham gia có dùng mạng xã hội, hơn 50% sử dụng dịch vụ trò chuyện trực tuyến và hơn 40% sử dụng dịch vụ video miễn phí hay video trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ảnh minh họa: eclinicalos |
Tại Việt Nam, mạng 3G/HSPA vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống mạng viễn thông di động, đảm nhận phần lớn lưu lượng mạng. Việt Nam cần tiếp tục nâng cấp mạng WCDMA/HSPA, kết hợp phát triển các dịch vụ mạng 4G/LTE. Đặc biệt ở khu vực mật độ dân cư cao, sự kết hợp giữa 3G/HSPA và LTE trên mạng truy nhập vô tuyến đa chuẩn (multi-standard RAN) sẽ đảm bảo hệ thống mạng hiệu suất cao nhất.
Đại diện của Ericsson, ông Jan Wassenius, nhận định: "Khi mạng 4G/LTE ở Việt Nam chính thức vận hành, sẽ rất nhiều dịch vụ dữ liệu di động mới ra đời. Mạng xã hội và truyền hình trực tuyến tiếp tục phát triển và người Việt Nam sẽ cảm nhận rõ hơn những giá trị ưu việt của các dịch vụ dữ liệu kết nối".
Trong khi đó, ông Afrizal Abdul Rahim, Phụ trách nhóm nghiên cứu tiêu dùng Ericsson ConsumerLab khu vực Đông Nam Á, cho biết những ứng dụng được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là mạng xã hội, chat và video. Nhóm người dùng trẻ, từ 25 tuổi trở xuống, là nhóm khách hàng mục tiêu rất quan trọng đối với các nhà mạng vì họ sẵn sàng thay đổi và bắt kịp xu thế cho dù giữ chân họ không phải là điều dễ. Trong số này, video sẽ là ứng dụng được yêu thích, chiếm lưu lượng nhiều nhất nên cần những gói cước riêng để hỗ trợ trải nghiệm này tốt hơn.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét