ictnews
Trong cuộc phỏng vấn với ICTnews, Phó Chủ tịch mảng kỹ thuật của công ty Qualcomm Technologies, Durga Malladi cho rằng việc triển khai 4G snên ong song với 3G bởi 2 dịch vụ này sẽ hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, sau khi 4G đã phát triển hoàn thiện, nên tiếp tục đưa 5G vào triển khai.

Tại Hội nghị di động thế giới Thượng Hải 2016 đang diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc, ICTnews đã có cơ hội phỏng vấn với ông Durga Malladi, Phó Chủ tịch mảng kỹ thuật của công ty Qualcomm Technologies. Trong cuộc phỏng vấn, ông Malladi đã mô tả sự khác biệt giữa mô hình kinh doanh 4G và 5G, đối tượng khách hàng của 5G cũng như nhiều gợi ý hữu ích cho Việt Nam trong quá trình triển khai 4G.

Ông Durga Malladi, Phó Chủ tịch mảng kỹ thuật của công ty Qualcomm Technologies trong cuộc phỏng vấn với phóng viên ICTnews

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa mô hình kinh doanh của 4G và 5G, ông Malladi cho rằng, đầu tiên nói về mô hình kinh doanh, chúng ta nên bắt đầu với sự khác nhau trong cách thức sử dụng giữa 5G và 4G. 5G mang ý nghĩa rộng hơn nhiều so với di động băng thông rộng. Công nghệ này sở hữu nhiều chức năng và được sử dụng trong những trường hợp cần lượng dữ liệu lớn, độ trễ thấp. Ông còn cho rằng: "Với 5G, chúng ta cũng có thể mở rộng thêm nhiều dịch vụ mới khác, ví dụ như những dịch vụ chăm sóc y tế đòi hỏi độ trễ cực thấp và khả năng giao tiếp với độ tin cậy cao, đây có lẽ là điều còn quan trọng hơn. Những dịch vụ này không đòi hỏi tốc độ truyền tải dữ liệu quá cao mà yếu tố quan trọng hơn là độ tin cậy".

Ngoài ra, theo ông, 5G cũng được sử dụng cho internet kết nối mọi vật ở cấp độ lớn (massive internet of things), khi đó hàng triệu thiết có thể giao tiếp với nhau bất chấp khoảng cách địa lý. Vấn đề không chỉ là kết nối mọi người mà còn là kết nối vạn vật, trong đó có kết nối con người với nhau

Ông Malladi còn cho biết, mô hình kinh doanh dưa trên 5G có thể là một mô hình kiểu truyền thống, trong đó người sử dụng sẽ đăng ký theo dạng thuê bao và trả một khoản tiền cho các nhà mạng. Đó là cách mà hiện nay chúng ta đang làm. Nhưng 5G sẽ còn mở ra những dịch vụ hoàn toàn mới cho các ngành đang hoạt động dựa trên dữ liệu di động và đây chính là lợi thế ở 5G so với những mô hình khác.

Trả lời câu hỏi khi nào các quốc gia như Việt Nam nên triển khai mạng 5G?, ông nhấn mạnh điều đầu tiên cần cân nhắc đó là về tiêu chuẩn. Năm 2018, mô hình 5G đầu tiên sẽ được triển khai và sau đó sẽ tiếp tục mở rộng thêm. Việc triển khai 5G sẽ dựa trên đa kết nối, tức là 5G sẽ tồn tại song song với 4G và Wi-Fi để đảm bảo vùng phủ và các trường hợp sử dụng dịch vụ khác nhau. Theo ông Malladi: "Thời gian triển khai 5G sẽ phụ thuộc vào việc quốc gia đó đã phổ cập kết nối 4G ở mức độ nào. Việc triển khai 5G tốt nhất là khi 4G đã có mặt ở khắp mọi nơi sau đó 5G sẽ dần dần được triển khai ở một số địa điểm. Tốt hơn hết là nên đảm bảo được rằng 4G đã được phổ cập rộng rãi rồi mới triển khai 5G. Ngoài ra, có một số ứng dụng thể triển khai 5G trực tiếp, ví dụ như truyền dẫn backhaul cố định không dây (truyền dẫn trục giữa mạng lõi và các mạng truy nhập) cũng như một vài ứng dụng khác.

Ông cũng bổ sung thêm, khách hàng của 5G có thề là các ngành mới, các phương tiện giao thông tự hành, dịch vụ phẫu thuật từ xa, các ứng dụng chăm sóc y tế, khai thác mỏ, xây dựng hạ tầng hay thực tế ảo. Có rất nhiều dịch vụ bên ngoài smartphone có thể ứng dụng 5G.

Khi được hỏi Việt Nam nên làm gì để chuẩn bị cho 5G?, ông đề xuất: "Tôi cho rằng các đường truyền dẫn trục giữa mạng lõi và mạng truy nhập (backhaul) cần phải được cải tiến để có được tốc độ truyền tải thật cao. Chúng ta thường nói nhiều đến các trạm mặt đất, các sản phẩm giao diện vô tuyến, nhưng những hạ tầng này đều phải kết nối với backhaul. Tôi nghĩ rằng phần xương sống của cả hệ thống phải được nâng cấp. Đó cũng là điều mà tất cả những nhà mạng muốn triển khai 5G đều quan tâm, vấn đề không chỉ là access link mà còn là backhaul link".

Trao đổi với ICTnews về vấn đề một số người cho rằng các nhà mạng Việt Nam chỉ nên triển khai 4G ở các thành phố lớn và không thể triển khai 4G trên khắp cả nước, vị Phó Chủ tịch này cho rằng không nhất thiết phải vậy. Theo ông, công nghệ 4G có thể được triển khai ở bất cứ đâu. Ông nói: "Điển hình như ở vùng nông thôn Ấn Độ, tại đó không có nhiều trạm mặt đất mà chỉ có một số ít. Tôi nghĩ điểm quan trọng là chúng ta có thể triển khai 4G ở dải tần thấp, đặc biệt là dải tần dưới 1GHz. Bởi ở dải tần này, độ phủ sẽ lớn hơn. Và điều tốt nhất là phải có độ phủ dịch vụ lớn. Rất nhiều quốc gia đã làm như vậy. Ví dụ như Mỹ, một số nhà mạng đã triển khai 4G ở dải tần 700MHz. Điều này rất có ích bởi giờ đây, dù bạn đi đến bất cứ đâu tại Mỹ, bạn cũng có thể sử dụng 4G bởi vì nó ở dưới 1GHz. Châu Âu cũng áp dụng cách tương tự và triển khai 4G ở dải tần 800GHz. Ngoài ra, ở các khu đô thị với nhiều điểm phát 4G, bạn cũng sẽ có dịch vụ chất lượng tốt hơn".

Liên quan đến câu hỏi nhiều ý kiến cho rằng nếu triển khai chuẩn 3G có thể cung cấp tốc độ lên đến 40 Mbps. Như vậy 3G vẫn có thể phát triển ngay cả khi có 4G?, vị Phó Chủ tịch Qualcomm cho rằng: "3G nhìn chung là một hệ thống tốt và hiện đã được phát triển hoàn thiện, khi bạn cân nhắc đến các yếu tố như tốc độ truyền tải dữ liệu và lượng MB trên giây, 3G chỉ có thể cho phép đạt đến tốc độ 14-21Mbps/giây, nếu bạn sử dụng 2 nhà mạng cùng lúc thì bạn có thể đạt đến tốc độ 40Mbps. Việc phát triển 3G là một điều tốt, tuy nhiên nếu chúng ta đưa ra 4G song song với 3G thì 2 dịch vụ này sẽ hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Theo tôi, ở một số khu vực vẫn nên phát triển 3G cho di động băng thông rộng thêm một thời gian nữa. Và sau khi 4G đã phát triển hoàn thiện, nên tiếp tục đưa 5G vào triển khai.

Lê Nga

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google