Theo các chuyên gia dự báo, tỷ lệ lạm phát ở Venezuela có thể đạt đến mức đỉnh điểm 1.200%. Sự mất giá của đồng tiền quốc gia đã đẩy giá hàng hóa, đặc biệt là giá bán các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày lên đến mức cắt cổ. Người ta phải bỏ ra tới 150 USD chỉ để mua 12 quả trứng!

Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo mức lạm phát ở Venezuela sẽ chạm ngưỡng 720% trong năm nay. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một con số lạc quan bởi theo nhà phân tích kinh tế địa phương thì tỷ lệ lạm phát có thể đạt tới 1.200%.

Dòng người xếp hàng để mua bánh mỳ ở ngoài các cửa hàng tại Thủ đô Caracas
Dòng người xếp hàng để mua bánh mỳ ở ngoài các cửa hàng tại Thủ đô Caracas

Sự sụt giảm giá dầu mỏ trên toàn thế giới đã đẩy tình trạng kinh tế của Venezuela trở nên bi đát như vậy bởi vì dầu mỏ từ lâu đã được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giúp quốc gia này thu về lượng lớn ngoại tệ. Các nhà phê bình cũng chỉ trích rằng chính việc Chính phủ chi tiêu vô tội vạ cho các chương trình phúc lợi cũng như trợ cấp dầu cho Cuba và các quốc gia khác đã gây nên tình trạng này.

Để có thể hiểu rõ về tình trạng lạm phát ở Venezuela, hãy cùng gặp gỡ Maria Linares - một người mẹ đơn thân 42 tuổi, đang làm trợ lý kế toán tại một bộ của Chính phủ. Cô cùng các con hiện đang sống trong một khu phố nghèo của Thủ đô Caracas.

Được biết, lương hàng tháng của cô, đã bao gồm cả trợ cấp là 27.000 bolivar. Mức thu nhập này tương đương với 2.700 USD - theo như tỷ giá chính thức thì 1 USD đổi được 10 bolivar. Tuy nhiên, người dân Venezuela có lẽ đã mất lòng tin vào đồng tiền của họ cũng như khả năng vực dậy nền kinh tế của Chính phủ khi mà ở thời điểm hiện tại, 1 USD có thể đổi lấy 1,000 bolivar trên thị trường chợ đen. Ở tỷ giá đó thì tính ra Linares chỉ kiếm được 27 USD mỗi tháng. Với số tiền ít ỏi này, Linares dù có giỏi xoay sở đến đâu thì cũng không đủ để trang trải cho chi phí sinh hoạt của mình và các con.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Linares đã dành một nửa số tiền kiếm được để mua các nhu yếu phẩm. Hiện tại, toàn bộ tiền lương của cô chỉ đủ để nuôi 2 đứa con trong khi bọn trẻ cũng chỉ được ăn sắn, trứng và bánh bột ngô kèm với bơ và chuối. Linares ngậm ngùi chia sẻ: "Lần cuối cùng 3 mẹ con tôi được ăn thịt gà là tháng 12 năm ngoái".

Để có thể mua được thực phẩm và các vật dụng với giá cả phải chăng thì người dân Venezuela sẽ phải đến các cửa hàng do Chính phủ điều hành như Mercal và Bicentenario. Đây đều là các cửa hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, do số lượng người mua rất đông nên họ sẽ phải xếp hàng thâu đêm suốt sáng để chờ đến lượt. Trong trường hợp xấu nhất, họ còn phải ra về tay trắng mà không mua được gì vì mọi sản phẩm đều đã được bán hết hoặc bị cướp sạch.

Bà mẹ 2 con kể rằng: "Lần cuối cùng tôi mua thực phẩm ở Mercal là cách đây 3 tháng trước. Họ bán cho tôi 1kg gạo, 1kg mì ống, 1kg đường và 1l dầu ăn. Tổng số tiền tôi phải chi trả là 1.540 bolivar (tương đương 155 USD). Nhưng để mua một sản phẩm đã được điều chỉnh giá thì số tiền mà tôi phải bỏ ra lớn hơn rất nhiều, chẳng hạn như để mua 1 quả dưa hấu, tôi phải chi ra 400 bolivar (khoảng 40 USD). Vì không có đủ tiền để chi trả nên tôi đã không mua thêm dưa hấu".

Trong những ngày này, cô hầu như chỉ mua thực phẩm từ của nhà cung cấp bất hợp pháp ở trên phố - được gọi là bachaquero. Mọi thứ đều được bán với giá đắt đỏ hơn trước rất nhiều và để tìm được nơi có giá bán vừa phải, cô đã phải đi đến 5, 6 cửa hàng.

Nếu bạn chưa tưởng tượng được mức giá bán đắt đỏ của các mặt hàng thiết yếu tại đây thì hãy cùng xem Linares đã chi trả bao nhiêu cho các nhu yếu phẩm:

Trứng

Ở Mercal, vào tháng 12 năm ngoái, 1 tá trứng có giá 450 bolivar. Mức giá chính thức hiện lên tới 1.020 bolivar. Tuy nhiên, Linares không thể nào có thể tìm thấy trứng được bày bán ở Mercal. Thay vào đó, cô phải mua trứng từ các cửa hàng ven đường với giá khoảng 1.500 bolivar - tức 150 USD theo tỷ giá chính thức và 1,5 USD theo tỷ giá chợ đen.

Sắn

Hồi tháng 12/2015, Linares có thể mua 1 pound sắn (454g) với giá 50 bolivar tại các cửa hàng do Chính phủ điều hành. Mức giá chính thức hiện giờ là 300 bolivar cho cùng một lượng sắn đó. Các cửa hàng ven đường bán sắn với mức giá thấp hơn, chỉ khoảng 200 bolivar 1 pound sắn nhưng chất lượng lại rất tệ.

Sữa bột

Tháng 12/2015, Linares có thể mua sữa bột cho cô con gái 10 tuổi và cậu con trai 8 tuổi với giá 90 bolivar/pound tại các cửa hàng của Chính phủ. Mức giá chính thức hiện tại tăng lên đến 245 bolivar (hồi tháng 2 năm nay). Nhưng Linares cho biết cô sẽ phải trả khoảng 750 - 1.000 bolivar nếu mua sữa bột từ các siêu thị ven đường.

Bột ngô

Linares từng mua bột ngô để làm bánh với giá chỉ 9,5 bolivar/pound. Nhưng đến tuần qua, mức giá chính thức đã tăng gấp 10 lần, tức là 95 bolivar/pound. Thật khó để tìm mua các sản phẩm này tại các cửa hàng của Chính phủ nhưng nếu mua ở chợ đen thì mức giá còn cao hơn rất nhiều.

Linares cho biết, gia đình cô vốn không giàu có và với tình trạng lạm phát như hiện nay thì cô và các con sẽ cảm thấy mình càng nghèo đói hơn bao giờ hết. Cô nói: "Bây giờ, chúng tôi đang cảm thấy rất đói và tôi không biết phải làm gì nếu như mức giá cứ tiếp tục tăng cao".

Theo Latimes

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google