ictnews
Ông Hồ Trí Dũng, đại diện Viettel cho biết: nhà mạng đã xây dựng đồng bộ từ hạ tầng, con người, dịch vụ và sẵn sàng để triển khai ngay 4G khi cơ quan quản lý đồng ý cấp phép cho mạng di động này hoạt động.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Thu Hương

Trong khuôn khổ hội thảo"Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai" vừa được tổ chức sáng nay, 8/6, ông Hồ Trí Dũng, đại diện Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cho biết: “Nhà mạng đã xây dựng đồng bộ từ hạ tầng, con người, dịch vụ và sẵn sàng để triển khai ngay 4G khi cơ quan quản lý đồng ý cấp phép cho mạng di động này hoạt động”.

Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai cũng đang là vấn đề nóng tại Việt Nam khi theo lộ trình của Chính phủ, công nghệ mạng 4G sẽ được cấp phép trong năm 2016 và khái niệm về công nghệ mạng 5G đã được thông qua trên thế giới.

Ông Dũng cho biết: "Kết quả thử nghiệm 4G mà đơn vị này vừa thực hiện tại Vũng Tàu đã cho những kết quả khả quan". Ngoài ra, thống kê cho thấy, điện thoại di động thông minh 4G rất phổ biến dù Việt Nam vẫn chưa triển khai 4G, trong đó 80% điện thoại 4G đều hỗ trợ băng tần 1800 MHz.

Theo ông Hồ Trí Dũng, Viettel đã chuẩn bị dài hơi cho 4G. Cụ thể, đơn vị này đầu tư một mạng truyền dẫn, chuẩn bị lực lượng riêng để xây dựng hàng loạt nội dung trong tương lai để phù hợp cho phát triển dịch vụ trên 4G và chỉ chờ được cấp phép từ cơ quan quản lý.

Viettel thử nghiệm 4G tại Vũng Tàu

Ông Dũng cũng nêu ra một số hệ quả khi chậm triển khai 4G như việc khách hàng sẽ không được sử dụng các dịch vụ di động chất lượng cao hay nhà mạng sẽ tốn tiền hơn khi tiếp tục phải đầu tư nhiều, mạnh vào mạng 3G, trong khi chi phí vận hành 3G đắt hơn rất nhiều so với 4G. Thêm đó, trong khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam là chưa triển khai 4G. "Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ủng hộ và đồng ý cho các nhà mạng dùng tần số của mình (1800MHz) để triển khai 4G bởi tất cả các yếu tố đã sẵn sàng", ông Dũng bày tỏ.

Trong năm 2015, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã bắt đầu triển khai thử nghiệm 4G trên băng tần 1800 MHz và chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin phép chính thức triển khai.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho hay: "Đối với vấn đề quản lý và khai thác hiệu quả phổ tần cho sự phát triển thành công của băng rộng di động nói chung và 4G nói riêng sắp tới ở Việt Nam, Bộ TT&TT rất cần kinh nghiệm quốc tế để có thể triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh Bộ TT&TT đang hoàn thiện chính sách cấp phép 4G và các doanh nghiệp cũng tích cực chuẩn bị báo cáo kết quả thử nghiệm 4G để xin phép chính thức triển khai".

Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: “Thông tin di động băng rộng là một lĩnh vực đã và đang phát triển tốt ở Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, Bộ TT&TT rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng các thế hệ tiếp theo để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến 2020 mà Bộ TT&TT vừa tham mưu cho Chính phủ là xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020, đủ năng lực cung cấp đa dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.  

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm thừa nhận: “Các mục tiêu này đặt ra rất nhiều thách thức đối với công tác quản lý tần số. Để đạt được hiệu quả cao các hệ thống băng rộng di động phải được phân bổ nhiều tài nguyên tần số. Yêu cầu tổ chức thị trường băng rộng cạnh tranh đòi hỏi phải phân bổ đủ tài nguyên tần số một cách công bằng và hợp lý cho các nhà khai thác. Mặt khác, để đảm bảo cho sự phát triển thành công bền vững của 4G nói riêng và băng rộng nói chung rất cần một mô hình hợp tác, cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý gữa doanh nghiệp xây dựng hạ tầng băng rộng di động, doanh nghiệp di động ảo, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, doanh nghiệp cung cấp nội dung và cả người sử dụng di động. Vấn đề này rất cần được xem xét một cách toàn diện và có giải pháp sớm ngay từ khâu quy hoạch và tổ chức cấp phép tần số".

Một trong những đặc tính ưu việt của công nghệ 4G là khả năng kết hợp phổ tần để cung cấp đường truyền tốc độ cao. Công nghệ di động băng rộng trong tương lai chỉ có thể được hiện thực hóa khi được đáp ứng nhu cầu phổ tần. Sự phát triển của vô tuyến băng rộng là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp viễn thông. Việc quản lý và sử dụng hiệu quả phổ tần kết hợp với các giải pháp công nghệ sẽ giúp cho các nhà khai thác thông tin di động đầu tư hiệu quả và nâng cao chất lượng mạng di động của mình. Do đó, yêu cầu có phương án sử dụng phổ tần đối với di động băng rộng và tầm nhìn về mạng thông tin di động 5G ngày càng bức thiết.

T.L

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google