|
Trong quá khứ, mỗi lần Apple muốn thay đổi công nghệ thẻ SIM, hãng này đều thành công. Năm 2007, Apple giới thiệu iPhone có khay SIM rời. Đây là lần đầu tiên người dùng có khái niệm gỡ khay SIM ra khỏi máy và gắn SIM vào khay, thay vì mở nắp lưng hoặc khe cắm để gắn SIM. Đến 2010, Apple đề xuất dùng Micro-SIM và về sau là Nano-SIM để tận dụng không gian bên trong smartphone tốt hơn. Hãng cũng thuyết phục được cả ngành di động phải chạy theo sản xuất chuẩn SIM của mình và tích hợp vào các sản phẩm cao cấp như hiện nay.
Thẻ SIM dù có kích thước ngày càng nhỏ gọn và khe SIM đi từ chỗ gắn cố định trong máy tới mức có thể tháo rời thì cũng vẫn là những hạn chế khó tránh của thiết kế. Các nhà sản xuất đã phải dành rất nhiều công sức và thời gian nhằm giảm kích thước khe SIM nhưng vẫn đảm bảo bộ phận này hoạt động ổn nhất có thể. Như những bộ phận động khác bên trong một thiết bị, khe SIM luôn là thứ khiến các nhà thiết kế đau đầu.
Đương nhiên là có một cách khác để thay thế thẻ SIM, đó là sử dụng SIM nhúng. Thay vì sử dụng cơ chế thẻ SIM và khay SIM có khả năng tháo lắp, các nhà sản xuất có thể hàn một thẻ SIM vĩnh viễn vào bên trong thiết bị. Điều này không chỉ giúp loại bỏ khay SIM mà còn cho phép kích thước của chiếc SIM giảm xuống và chỉ nhỏ bằng một con chip trên bảng mạch. (Thực ra bên trong một chiếc SIM không chứa gì nhiều, tuy nhiên các nhà sản xuất buộc phải tạo ra những chiếc SIM có kích thước đủ lớn để bàn tay của con người có thể cầm được và nhét vào trong chiếc điện thoại mà không làm hư hại SIM).
|
Quay trở lại năm 2012, khi Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI) bắt đầu phát triển những loại SIM nhúng, Apple đã tỏ ra rất hứng thú với chuẩn mới này. Đến năm 2014, công ty đã cho ra đời những chiếc SIM riêng của mình.
Tại Mỹ và Anh, các phiên bản LTE của chiếc iPad Air 2 và iPad Mini 3 đều được lập trình với một thẻ SIM Apple. Loại SIM này có thể chuyển đổi dịch vụ từ nhà mạng này sang nhà mạng khác thông qua trình đơn Settings ngay trên hệ điều hành iOS. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ cho phép bạn chuyển đổi dịch vụ giữa các nhà mạng một cách dễ dàng để tận dụng được những lợi thế của các nhà cung cấp khác nhau. Ví dụ như nhà mạng này có gói roaming rẻ hơn nên khi bạn ra nước ngoài, chỉ bằng vài thao tác chạm, bạn đã có thể chuyển sang một chiếc SIM khác. Sau đó khi quay trở về nước, bạn lại chuyển đổi về SIM cũ để tận hưởng chính sách sử dụng dữ liệu 3G giá rẻ.
Đây sẽ là một tiện ích tuyệt vời khi đi du lịch. Thay vì phải mua một chiếc SIM mới của quốc gia bạn viếng thăm, Apple SIM sẽ giúp bạn dễ dàng sử dụng mạng của một nhà cung cấp địa phương với giá cước gọi và dịch vụ dữ liệu di động rẻ. Nhưng sản phẩm này cũng đe dọa các nhà mạng vì có thể khiến SIM truyền thống bị khai tử. Chính vì vậy Apple SIM đã từng bị các nhà mạng tại Mỹ phản đối kịch liệt.
Rất nhiều nước tại Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào đều vừa được Apple hỗ trợ dịch vụ này nhưng Việt Nam thì chưa. Lý do là bởi dịch vụ Apple SIM mới chỉ hỗ trợ một số nhà mạng nhất định. Trước đây, chỉ những nhà mạng như AT&T, Sprint, T-mobile của Mỹ, EE của Vương Quốc Anh, Deutsche Telekom của Đức, Three của Hồng Kông và KKDI của Nhật Bản mới được hỗ trợ dịch vụ này.
Gần đây, Apple mới đạt được thỏa thuận với công ty điện tử viễn thông GigSky để cung cấp các gói cước dữ liệu ngắn hạn tại nhiều quốc gia phục vụ cho những ai có nhu cầu du lịch và công tác. Thỏa thuận mới đó đã giúp cho Apple SIM có thể được mở rộng tại hơn 140 quốc gia trên thế giới, tức là tăng thêm hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ so với thời điểm tháng 6/2015 là 90.
Thế nhưng, Việt Nam lại chưa nằm trong danh sách hỗ trợ dịch vụ của GigSky, vì vậy chúng ta cũng chưa được hỗ trợ dịch vụ Apple SIM. Một điều đáng chú ý nữa là mặc dù dịch vụ Apple SIM được hỗ trợ tại rất nhiều quốc gia mới nhờ nhà mạng GigSky, tuy nhiên bạn chỉ có thể mua được Apple SIM tại các đại lý ủy quyền ở các quốc gia Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thỗ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Điều đó có nghĩa là bạn có thể sử dụng Apple Sim tại Lào, Thái Lan hay Singapore, nhưng sẽ không thể tìm mua Apple SIM tại các quốc gia này.
Ngoài ra, Apple SIM chỉ có thể sử dụng trên một số thiết bị như iPad Pro 12,9 inch và 9,7 inch, iPad Air 2, iPad Mini 4, iPad Mini 2, iPad Air và iPad mini 3 phiên bản đặc biệt. Do đó bạn chưa thể sử dụng Apple SIM trên iPhone để có thể nghe gọi và nhắn tin. Bạn chỉ có thể sử dụng Apple SIM để truy cập 3G hoặc 4G của nhà mạng trên iPad.
Nhìn chung sản phẩm này là một đột phá công nghệ, hứa hẹn đem đến những thay đổi lớn trong ngành viễn thông nhưng lại chưa thực sự phổ biến rộng rãi.
T.N (Tổng hợp)
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét