Thông tin nêu trên vừa được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết.
Thông kê trên hệ thống của APNIC cho thấy, tính đến hôm nay (10/5), tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt 1,1%, tăng 1,07% so thời điểm tháng 3/2016. |
VNNIC cho hay, kể từ ngày 6/6/2012, nhiều ISP và các nhà cung cấp nội dung hàng đầu như Google, Facebook đã bật IPv6 lên để chính thức khai trương dịch vụ trên nền giao thức địa chỉ thế hệ mới - IPv6. Từ đó, lưu lượng IPv6 được ghi nhận năm sau tăng gấp đôi năm trước và toàn thế giới đã đạt 10% lưu lượng là IPv6. Ở thời điểm đó, mạng LTE của Verizon bắt đầu với 7,34% lưu lượng là IPv6, nhưng đến 2014 thì đã vượt 50%.
“Việc các nhà cung cấp nội dung hàng đầu như Google, Facebook và các mạng 4G/LTE dùng địa chỉ IPv6 đã tạo ra “cú hích” lớn về lưu lượng IPv6 ở Mỹ và toàn thế giới. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thiết bị di động và các mạng xã hội đã thúc đẩy lưu lượng IPv6 toàn cầu”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Còn tại Việt Nam, sau quá trình chuẩn bị, ngày 6/5/2013, mạng IPv6 quốc gia chính thức khai trương, đánh dấu mốc quan trọng cho giai đoạn thử nghiệm và chính thức chuyển đổi. Theo báo cáo của VNNIC tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016 diễn ra ngày 6/5 vừa qua,các doanh nghiệp như NetNam, FPT Telecom, Viettel, VNPT … đã có những lưu lượng băng thông IPv6 nhất định và các ISP này đã sẵn sàng để cung cấp dịch vụ IPv6 cho người dùng.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của VNNIC, tính đến tháng 3/2016, thống kê của APNIC cho thấy, tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam mới chỉ đạt 0,03%, chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và Philippines; còn theo số liệu của Google thì tỷ lệ người dùng IPv6 ở Việt Nam ở mức 0,13%. Qua đó cho thấy, tỷ lệ người sử dụng IPv6 ở Việt Nam còn quá thấp và lưu lượng thực tế sử dụng IPv6 vẫn chưa đáng kể.
Kết luận hội thảo này, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC, Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã cam kết cùng chung tay thúc đẩy cung cấp dịch vụ IPv6 đến người sử dụng, tăng trưởng lưu lượng người sử dụng IPv6 của Việt Nam đạt con số 1-2% vào thời điểm Ngày IPv6 Việt Nam năm 2017.
Biểu đồ về tỷ lệ người dùng IPv6 của Việt Nam trên hệ thống APNIC cho thấy, từ sau ngày 6/5 đã có sự tăng trưởng mạnh về lưu lượng người dùng. |
Đáng mừng là, theo thông tin từ VNNIC, kể từ Ngày IPv6 Việt Nam 2016 đến nay, lưu lượng người sử dụng IPv6 Việt Nam đã có bước tăng trưởng “nhảy vọt”. Cụ thể, theo thống kê của APNIC, tính đến hôm nay (10/5), tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt 1,1%, tăng 1,07% so thời điểm tháng 3/2016; còn theo số liệu của Google thì hiện tỷ lệ người dùng IPv6 ở Việt Nam ở mức 0,74%, tăng 0,61%. “Có được kết quả này là do từ sau ngày 6/5, các doanh nghiệp đã “chung tay” thúc đẩy việc tỷ lệ người sử dụng IPv6 Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ Wi-Fi, FTTH cho người dùng băng rộng”, đại diện lãnh đạo VNNIC chia sẻ.
VNNIC cho biết, toàn bộ đại biểu dự hội thảo "Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ tới người sử dụng” ngày 6/5 đều đã có cơ hội trải nghiệm Wi-Fi IPv6. |
Đại diện VNNIC cũng cho biết thêm, nay tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2016, toàn bộ đại biểu tham dự đã có cơ hội trải nghiệm Wi-Fi IPv6 do NetNam cung cấp. Theo báo cáo, các thiết bị truy cập qua mạng Wi-Fi này đều nhận địa chỉ IPv6 ngay và chuyển hướng nhanh đến trang chủ của sự kiện với xác thực “Connected via IPv6 - Kết nối thông qua IPv6”.
Ghi nhận từ Ban tổ chức, hầu hết khách tham dự hội thảo đều truy cập nhanh và ổn định, các thiết bị di động thế hệ mới đã có sẵn IPv6 và tự động chạy ngay với hệ thống Wi-Fi IPv6 do NetNam triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiết bị đời cũ không hỗ trợ IPv6. Để đảm bảo chất lượng đường truyền và hỗ trợ tối đa cho người dùng tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình - TGĐ NetNam cho biết: “Chúng tôi đã triển khai theo mô hình dual-stack. Trên cùng một hạ tầng kết nối có dây và không dây, trên cùng một hệ thống thiết bị, vận hành đồng thời hai hệ thống giao thức địa chỉ IPv6 và IPv4, trong đó. IPv6 là mặc định”.
Theo ông Bình, việc triển khai hệ thống mạng không dây IPv6 cho thấy sự sẵn sàng về công nghệ và dịch vụ của NetNam nói riêng và Internet Việt Nam nói chung. Hiện nay, dịch vụ là trong suốt với người dùng. Họ sẽ không phải cấu hình phức tạp để được truy cập vào mạng IPv6 toàn cầu, mọi thứ sẽ tự động và được vận hành trơn tru.
NetNam và các nhà cũng cấp khác cũng đã thực hiện nhiều thử nghiệm cho thấy khi vận hành với địa chỉ IPv6, tốc độ truy cập và hiệu năng tốt hơn so với IPv4. Tuy nhiên, khi duy trì dịch vụ mạng theo kiểu dual-stack, thiết bị di động sẽ tốn năng lượng hơn để duy trì cả hai kết nối.
Đại diện NetNam cũng cho biết, với những kết quả tích cực từ việc triển khai mạng WiFi IPv6 tại hội thảo Ngày IPv6 2016, nhà mạng này sẽ tiếp tục triển khai triển khai hệ thống dual-stack với IPv6 và IPv4 tại tất cả các sự kiện mà NetNam phủ sóng Wi-Fi. Hiện ISP này đang là đơn vị được ưa thích nhất đối với dịch vụ Wi-Fi sự kiện. "Với nỗ lực này, NetNam hy vọng sẽ thúc đẩy lưu lượng IPv6 tăng lên đáng kể trong giai đoạn 3 (2016 - 2019) để chung tay mang IPv6 đến người dùng Internet Việt Nam", ông Bình nói.
M.T
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét