ictnews
Trong buổi nói chuyện với hơn 2.000 trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tập trung đề cập đến mối quan hệ Việt-Mỹ, giáo dục đào tạo, hợp tác kinh tế… Ngược lại, các sinh viên cũng có nhiều câu hỏi muốn dành cho người đứng đầu Nhà Trắng trong đó có vấn đề môi trường đào tạo và cơ hội việc làm.

Không gian khán phòng nơi Tổng thống Mỹ có buổi nói chuyện.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, cuối buổi sáng ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có buổi nói chuyện với hơn 2.000 trí thức, doanh nhân, học sinh và sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. 200 sinh viên ĐH FPT đã tham dự sự kiện này.

Khoảng thời gian chờ đợi khá lâu trước buổi nói chuyện không làm những người có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cảm thấy sốt ruột, thay vào đó là tâm trạng háo hức, chờ đợi được trực tiếp gặp gỡ và nghe người đứng đầu Nhà Trắng nói chuyện.

Đông đảo trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên đã xếp hàng chờ đợi từ sớm tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia để được gặp và nghe Tổng thống Mỹ trò chuyện.

12 giờ 10 phút, Tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện, gửi lời chào bằng tiếng Việt: “Xin chào. Xin chào Việt Nam!” khiến tất cả mọi người trong khán phòng đứng dậy vỗ tay, vỡ òa với niềm xúc động. Nguyễn Văn Tú, sinh viên khoa Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT nhớ lại: “Khoảnh khắc ấy thực sự vô cùng đáng nhớ đối với em. Thần tượng, ngưỡng mộ ông Obama từ lâu, chờ đợi từ sớm để được gặp ông, giờ đã thỏa mong đợi. Tổng thống Mỹ thật chân thành, gần gũi và đáng mến”.

Tổng thống Mỹ bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng những ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam như món bún chả ông đã ăn, những chai bia ông đã uống, sự đón tiếp nồng hậu của người dân ở tất cả những nơi ông đã đi qua. Ông cho rằng những năm gần đây, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, bằng chứng là những ngôi nhà cao tầng, nhiều doanh nhân trẻ với các công ty khởi nghiệp, Internet lan tỏa đến mọi ngôi nhà.

Ông Obama khẳng định nước Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho sinh viên nước ta sang du học, mở các mô hình giáo dục hiện đại trong nước, giúp khắc phục những hậu quả chiến tranh để lại.

Người đứng đầu một trong các quốc gia lớn nhất thế giới gây ấn tượng mạnh mẽ với đông đảo học sinh sinh viên bởi cách nói chuyện điềm đạm và kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa. Văn Hoàng Minh, sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh - Đại học FPT chia sẻ: “Thật bất ngờ khi ông Obama am hiểu lịch sử Việt Nam đến vậy. Ông liên tục nhắc đến những nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lý Thường Kiệt… Ông còn biết cả thơ của nhà thơ Nguyễn Du, các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa”.

“Những người trẻ như chúng em đôi khi còn chưa để tâm đến lịch sử, danh nhân nước nhà. Hôm nay, nghe một người Mỹ nói về lịch sử Việt Nam, em cảm thấy tự hào nhưng cũng có chút xấu hổ. Bản thân mình còn phải tìm hiểu về đất nước mình nhiều hơn”, Minh chân thành bộc bạch cảm xúc của mình khi dự buổi nói chuyện của ông Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nói chuyện với hơn 2.000 trí thức, doanh nhân, học sinh và sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Một trong các vấn đề trọng tâm được Tổng thống Mỹ nhắc tới đó là giáo dục và việc làm cho thế hệ trẻ. Người đứng đầu nước Mỹ chia sẻ thông tin về mô hình giáo dục mới sẽ được Mỹ hỗ trợ mở tại Việt Nam vào mùa thu năm nay, quan điểm của ông về việc phát triển cá nhân và khuyến khích sự sáng tạo của thanh thiếu niên.

“Ngày hôm qua như tôi đã thông báo, đội Hòa Bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam. Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước. Các công ty hàng đầu, đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để hợp tác, đào tạo về khoa học công nghệ, toán học, y tế… vì khi chúng tôi muốn chào đón nhiều công dân, thanh niên Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn”, ông Obama nhấn mạnh.

Lắng nghe những chia sẻ đó, một số sinh viên bày tỏ nguyện vọng được hỏi Tổng thống Mỹ về chính vấn đề ông đang đề cập. “Mình có hai ý kiến muốn được trình bày và nghe ông Obama chia sẻ ý kiến. Một là phương pháp giáo dục mới mà các trường đại học ở Mỹ hiện đang theo đuổi là gì và hai làm thế nào để tối ưu hóa nguồn lực trong những người trẻ như mình”, sinh viên Hoàng Minh, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học FPT cho biết.

Cùng chung quan điểm với Hoàng Minh, Trần Khánh, sinh viên khoa An ninh thông tin - ĐH FPT cho rằng: “Buổi nói chuyện hơi ít thời gian nên sinh viên chưa có cơ hội giao lưu với ngài Tổng thống. Nếu có, mình sẽ chia sẻ với ngài Obama về môi trường học tập tại ĐH FPT, nơi mình đang theo học. Mình muốn hỏi thêm ngài về việc liên kết đào tạo giữa Việt Nam và Mỹ, có cơ hội nào cho các sinh viên CNTT như mình được học tiếp ở Mỹ và có thể làm việc cho các công ty công nghệ hàng đầu thế giới tại thung lũng Silicon không?”

Tổng thống Mỹ đã kết thúc buổi nói chuyện bằng lời khẳng định: “Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn”. Khuôn khổ của buổi gặp gỡ chưa cho phép vị chính khách nổi tiếng thế giới giao lưu, trả lời tất cả băn khoăn của người nghe nhưng nó mở ra cho tất cả những người có mặt tại đây niềm hy vọng vào những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai.

Ngọc Trâm

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google