Chiều 18/4, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 3 nhà khoa học. Trong đó hai giải chính thuộc về giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh (Đại học Tự nhiên Hà Nội). Giải thưởng trẻ được trao cho tiến sĩ Phùng Văn Đồng, Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu. |
Ông Nguyễn Văn Hiếu (44 tuổi), giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2015, giành giải thưởng với công trình "Thiết kế chế tạo cấu nano rẽ nhánh SnO2/ZnO nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn". Nghiên cứu của ông đã đưa ra phương pháp chế tạo nano thứ cấp đơn giản, dễ điều khiển, mở rộng được khả năng ứng dụng của các cấu trúc nano một chiều truyền thống, không chỉ ở lĩnh vực cảm biến khí mà còn có thể mở rộng sang lĩnh vực khác, như: linh kiện điện tử nano, pin năng lượng.
Công trình được đăng trên tạp chí Sensors and Actuators B - một trong những tạp chí uy tín nhất thuộc chuyên ngành hẹp là Thiết bị đo đạc (Instrumentation) năm 2012.
Công trình "Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (37 tuổi) được đăng tải trên tạp chí Chemosphere năm 2015. Đây là cơ sở khoa học cho các biện pháp quản lý và tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ nguồn rơm rạ dồi dào ở Việt Nam. Nghiên cứu còn gợi ý về khả năng tách chiết kali từ rơm rạ để sản xuất phân bón.
TS Nguyễn Ngọc Minh (trái) cùng đồng nghiệp. Ảnh: Bộ KHCN |
Công trình "Mô hình 3-3-1-1 của vật chất tối" của nhà khoa học trẻ Phùng Văn Đồng (35 tuổi) có ý nghĩa góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ.
Ba điểm nổi bật về các nhà khoa học
GS.TS Đinh Dũng, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng đưa ra ba điểm mới trên trang chính thức của Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted):
Thứ nhất, khác với các năm trước cả hai giải thưởng chính đều thuộc về nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ. Điều này một lần nữa khẳng định cơ hội được nhận giải thưởng chính là như nhau đối với các nhà khoa học "lão làng" đã có bề dầy trong nghiên cứu khoa học và nhà khoa học trẻ.
Thứ hai, các công trình khoa học mà tác giả chính được trao giải thưởng đều "đậm đà bản sắc Việt Nam". Cả ba công trình đều được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản thực hiện trong nước. Đặc biệt, công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu và TS Phùng Văn Đồng có đồng tác giả là đồng nghiệp Việt Nam và được thực hiện ở Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài.
Hai công trình này cũng được trích dẫn nhiều lần kể từ khi xuất bản. Cụ thể, công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu được trích dẫn 69 lần và của TS Phùng Văn Đồng được trích dẫn 19 lần (không tính tự trích dẫn). Điều này chứng tỏ các công trình khoa học đó được đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến các công trình cùng lĩnh vực nghiên cứu.
Thứ ba, các công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn.
Từ năm 2014, giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Đây là giải thưởng trong nước đầu tiên vinh danh những nhà khoa học có công trình xuất sắc mang tầm thế giới. Các nhà khoa học được giải thưởng không chỉ được cộng đồng khoa học trong nước mà cả cộng đồng khoa học thế giới công nhận là có đóng góp xuất sắc thật sự cho khoa học. Mỗi cá nhân được trao giải thưởng sẽ nhận được bằng chứng nhận của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với giải thưởng dành cho tác giả công trình khoa học) và 50 triệu đồng (đối với giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học). |
Phạm Hương
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét