Ảnh: ICIJ
Theo CNNMoney, vào lúc 2 giờ chiều nay 9/5 (giờ ET), tức khoảng 2 giờ sáng ngày 10/5 theo giờ Việt Nam, các nhà báo thuộc Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) sẽ công bố rộng rãi một phần dữ liệu có trong vụ bê bối "Hồ sơ Panama" từng gây chấn động thế giới cách đây ít lâu. Tất cả mọi người sử dụng Internet đều có thể tự tìm kiếm các thông tin dữ liệu trong Hồ sơ Panama từ một công cụ tìm kiếm sẽ được kích hoạt vào ngày mai bao gồm mối liên hệ giữa 368 ngàn người trên khắp thế giới cùng hơn 300 ngàn công ty nước ngoài.
"Bạn sẽ tìm thấy thông tin về các doanh nghiệp và chủ nhân của nó. Những thông tin này chưa từng được công bố trước đây, và chúng tôi nghĩ rằng chúng phải được công khai và minh bạch." Marina Walker Guevara – phó giám đốc ICIJ – cho biết.
ICIJ cũng cho biết người dùng có thể tìm kiếm với công cụ này bằng cách nhập tên của một cá nhân hoặc một công ty bất kỳ, rồi xem mối liên hệ giữa nó với các công ty hoặc cá nhân khác như thế nào. Công cụ tìm kiếm này cũng bao gồm dữ liệu từ một cuộc điều tra của ICIJ năm 2013 về việc sử dụng các tài khoản ngân hàng nước ngoài của công dân Anh, quy mô còn lớn hơn cả Hồ sơ Panama.
Hồ sơ Panama (Panama Papers) được công bố vào tháng 4 bởi các nhà báo từ 76 quốc gia khác nhau, dựa trên các tài liệu bị tấn công và đánh cắp từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama với tổng cộng 2,6TB dữ liệu bị rò rỉ. Các dữ liệu trong hồ sơ bao gồm một mạng lưới công ty khổng lồ giúp giới nhà giàu, người nổi tiếng và cả các chính trị gia sử dụng như một "công ty vỏ bọc" cho các hành vi trốn thuế, rửa tiền trong hơn 40 năm qua.
Mossack Fonseca từng cho biết họ không làm gì sai và trong một số trường hợp, những cái tên bị cáo buộc còn không phải khách hàng của công ty.
Rigoberto Carvajal – một nhà phân tích của ICIJ – cho biết một phiên bản của công cụ này đã được phát hành vào tháng 9 năm ngoái nhưng chỉ được sử dụng nội bộ bởi các nhà báo. Song, Carvajal cho biết người bình thường sẽ khó rút ra được mối liên hệ cuối cùng giữa doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan, do vậy ICIJ sẽ không công bố các tài liệu ghi rõ tài sản thực tế của một người hoặc các bản hợp đồng. Vị phó giám đốc của ICIJ cũng khẳng định: "Đây không phải một vụ công khai thông tin cá nhân hàng loạt."
Cách công khai thông tin của ICIJ cũng khác với Wikileaks. Trong khi Wikileaks công bố rất nhiều tài liệu mà nó có được từ điện ngoại giao khẳng định Mỹ cử điệp viên theo dõi các lãnh đạo Liên Hợp quốc, đến đoạn video cho thấy quân đội Mỹ xả súng vào các phóng viên và quân đội Iraq.
"Phần lớn tài liệu sẽ được giữ bí mật để các phóng viên tự khám phá. Chúng tôi cho rằng chúng được giao đến ICIJ là vì ICIJ có thể kiểm tra chặt chẽ chúng trước báo chí", Guevara cho biết.
Ảnh: ICIJ
Theo VnReview
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét