Con người đang sống trong kỷ nguyên của những thiết bị thông minh như smartphone, tablet hay mới đây là smartwatch. Thế nhưng, vẫn có những người tìm về với "quá khứ hào hùng" là những chiếc điện thoại cổ đã theo họ cùng năm tháng, từng xuất hiện và có ảnh hưởng đến cuộc đời họ, hoặc đơn giản hơn là thú vui tao nhã, muốn lạc vào thế giới của công nghệ cổ... Anh Khanh Tạ (Đống Đa, Hà Nội) là một trong số ít người đam mê điện thoại cổ như vậy.
Những mẫu điện thoại ra đời cách đây đã hơn chục năm. |
"Năm 2000, tôi tập tành buôn bán điện thoại, rồi mê mệt những mẫu sản phẩm của Nokia, Motorola và một số hãng nữa từ đó. Sau 16 năm, nghề này vẫn đang nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp tôi duy trì và phát triển niềm đam mê điện thoại cổ", anh Khanh cho biết.
Anh Khanh bắt đầu cầm trên tay chiếc Nokia 8210 trình làng năm 1999. Khi ấy, dù chưa phải là cổ nhưng nó lại là một gia tài và khi ra đường cũng khá "oách" bởi chưa có nhiều người sử dụng điện thoại. Không những thế, mẫu điện thoại này còn nổi tiếng nhờ kiểu dáng mỏng nhẹ, nhỏ gọn nhất thời điểm ra mắt. Sau Nokia 8210, anh tiếp tục dùng Nokia 8310 và đây chính là sản phẩm anh ấn tượng nhất. "Năm 2003, để mua 8310, tôi phải bán đi một cây vàng, nhưng không phải có ngay, mà phải đặt hàng 15 ngày mới được sở hữu. Cảm giác cầm trên tay sướng lắm. Hiện cả 8210 và 8310 tôi vẫn giữ kỹ, chưa bị hư hỏng", anh chia sẻ.
Nokia 8210 và 8310 được anh Khanh cất giữ khá kỹ. |
Do đặc thù nghề nghiệp, anh Khanh cũng cất giữ rất nhiều mẫu điện thoại có giá trị sưu tầm cao, một vài trong số đó còn đầy đủ hộp và phụ kiện. Chẳng hạn, chiếc Nokia N91 ra mắt năm 2005 mới 100% hay chiếc Nokia 7110 còn hiếm hơn, bởi nó vẫn nguyên hộp dù sản xuất từ 1999.
Bên cạnh các mẫu từ Nokia, anh còn sở hữu rất nhiều điện thoại cổ khác, như mẫu Motorola dòng V, dòng Razr… và đặc biệt là chiếc StarTAC chưa qua sửa chữa, còn khá mới dù thiết bị này ra mắt cách đây đã tròn 20 năm (1996).
Chiếc Nokia N91 nguyên phụ kiện, một trong những thiết bị anh Khanh quý nhất. |
Bên cạnh nguồn hàng mua từ nước ngoài, bộ sưu tập của anh Khanh chủ yếu đến từ việc trao đổi mua bán ở cửa hàng. Đồng thời, anh cũng tham gia các hội nhóm chơi điện thoại cổ ở Hà Nội và trên cả nước, cũng như một số diễn đàn mạng chuyên về thiết bị cổ như SL4x.
"Nếu đã chơi điện thoại cổ thì thiết bị sưu tập phải còn 'zin' (xuất xứ chính hãng, chưa qua can thiệp, sửa chữa), như vậy giá trị sưu tầm của nó mới cao, dù hình thức có thể không mới", anh nhấn mạnh.
Kiên trì học hỏi chính là yếu tố quyết định khi chơi điện thoại cổ. "Nếu đã bước vào thế giới điện thoại cổ, tức là bước vào hành trình của sự kiên trì kết hợp với một quá trình dài tìm hiểu và học hỏi. Nếu không kết hợp được các yếu tố đó, bạn rất dễ bị người khác 'dắt mũi', và việc mua phải thiết bị giả, chất lượng kém là điều bình thường, người mới chơi nào cũng gặp", anh Khanh chia sẻ.
Không chỉ nguồn hàng, việc quá ít thông tin chính xác cũng là yếu tố ảnh hưởng đến người chơi. "Bạn có thể tìm kiếm vô số thông tin trên mạng, nhưng chúng sẽ khiến bạn 'nhiễu loạn'. Có rất nhiều dòng máy cổ không bán tại Việt Nam, nên rất khó phân biệt thật giả. Ngay cả với những máy từng bán chính hãng trong nước, cũng có nhiều người dù có kinh nghiệm vẫn nhầm lẫn", anh Khanh cảnh báo.
Chiếc StarTAC vẫn còn hoạt động tốt dù đã ra mắt cách đây 20 năm của Motorola. |
Bên cạnh đó, việc sửa chữa máy cổ cũng lắm gian nan. "Bạn có thể thấy giờ là thời đại của smartphone, do đó thợ sửa điện thoại tính năng có kinh nghiệm không còn nhiều. Hầu hết đều không còn am hiểu công nghệ cũ, nếu không cẩn thận, thiết bị của bạn có thể hỏng bất cứ lúc nào", anh Khanh nhấn mạnh.
Với người chơi mới, nếu đã xác định chơi, nên tìm đến các địa chỉ uy tín, những người có kinh nghiệm để học hỏi trước khi mua máy. Hiện nay rất nhiều trang web bày bán "đồ cổ" chỉ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, đây thường hàng đã bị dựng lại, chất lượng kém bởi hàng cổ luôn đi kèm với yếu tố hiếm, "không có chuyện bày bán tràn lan với giá chỉ vài trăm ngàn đồng".
Anh cũng chia sẻ, nếu không có đủ tài chính, người chơi mới nên chơi theo series thay vì mua đủ bộ, tập trung chủ yếu vào các dòng ở Việt Nam trước, sau đó có thể đặt mua ở nước ngoài. Để có trải nghiệm tốt nhất, mỗi người nên mua một máy, tập hợp lại thành một series và trao đổi lẫn nhau.
"Nếu đã xác định chơi điện thoại cổ, bạn phải có đam mê lớn, dù khó khăn đến đâu cũng không từ bỏ. Quan trọng nhất, từ chiếc điện thoại cầm trên tay, bạn cảm giác nó đang tỏa những hào quang tinh túy, cảm nhận được sự đẹp đẽ, hoàn hảo… đó mới là người mê điện thoại cổ thực sự", anh Khanh thổ lộ.
Bảo Lâm
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét