ictnews
Anh Peter, 30 tuổi, thành viên một trung tâm cai nghiện internet cho biết: "Tôi hoàn toàn bị phụ thuộc vào internet. Nó khiến tôi đánh mất các mối quan hệ và đẩy tôi đến những khoảnh khắc tăm tối nhất của cuộc đời".

 

Hệ lụy của chứng nghiện internet

Ai cũng hiểu nghiện internet là gì nhưng nó vẫn chưa được công nhận chính thức là một chứng rối loạn. Y học vẫn chưa chẩn đoán được chính xác điều gì xảy ra cho não bộ của một người bị nghiện, và cũng chưa có một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm nghiện internet. Thế nhưng, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh và chuyên gia cho rằng việc dán mắt vào màn hình khiến con trẻ gặp phải rất nhiều vấn đề ví dụ như bỏ học, xa lánh gia đình và rối loạn các chức năng xã hội.

Một nghiên cứu gần đây bởi Common Sense Media, một tổ chức cố vấn phụ huynh, đưa ra kết quả 59% cha mẹ cho rằng con cái ở tuổi vị thành niên của họ bị nghiện các thiết bị di động. Nghiên cứu này đã khảo sát gần 1.300 phụ huynh và trẻ em trong năm nay. Một bằng chứng nữa là ngày càng có nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho những trung tâm cai nghiện để đưa con em mình trở về cuộc sống bình thường.

Các nhà nghiên cứu cho hay, những người bị chứng nghiện internet có một số biểu hiện giống những người bị nghiện những thứ khác, đó là bởi não bộ của họ cũng sản sinh ra một chất hóa học. Trung tâm khoái cảm của não sáng lên khi nhận được kích thích. Người nghiện mất hứng thú với những sở thích khác, và thậm chí đôi khi không phát triển bất cứ sở thích nào. Khi không được dùng internet, họ gặp phải những trạng thái như bứt rứt khó chịu, trầm uất và thậm chí là co giật. Họ tự thỏa mãn mình trong những góc của internet, nơi họ tìm thấy thành công nhanh chóng, ví dụ như lên đầu bảng xếp hạng của một game nào đó hay một bài đăng trên Facebook được nhiều người bấm thích... thứ thành công mà họ không có được trong thế giới thực, theo nhận định của các chuyên gia.

Perter, 30 tuổi, từng là thành viên của một chương trình cai nghiện internet có tên reSTART. Trước kia anh là người vô gia cư và thất nghiệp. Anh cũng từng phải chiến đấu với chứng nghiện rượu nhưng anh cho rằng việc sử dụng công nghệ quá nhiều mới là thứ đẩy anh đến những khoảnh khắc tăm tối nhất của cuộc đời. Peter nói: “Tôi hoàn toàn bị phụ thuộc. Nó khiến tôi đánh mất các mối quan hệ”. Peter bị nghiện công nghệ từ năm 13 tuổi, sau khi cha anh mất. Anh vùi đầu vào các trò chơi điện tử từ sáng sớm tới tối mịt, đôi khi anh chơi không cần ăn và không tắm rửa.

 

Những trò chơi điện tử giúp anh thoát khỏi thực tại vì thế anh đã dành ngày càng nhiều thời gian vào các trò chơi điện tử, xem video trực tuyến, tranh cãi trên các mạng xã hội và diễn đàn. Anh thu mình khỏi thế giới xung quanh, tránh xa nỗi đau và bị cảm giác hoàn toàn vô dụng đánh gục khi anh cố gắng giải quyết các vấn đề. Việc học hành của Peter xuống dốc. Sức khỏe cũng suy giảm bởi anh không bao giờ nấu ăn, dọn dẹp hay tập thể dục. Anh cũng không chịu sống cuộc sống của một người trưởng thành. Và chính điều này đã đẩy mâu thuẫn giữa anh với mẹ tới đỉnh điểm.

Peter cũng không phải là trường hợp duy nhất có hoàn cảnh như vậy tại các trung tâm reSTART. Hilarie Cash, đồng sáng lập reSTART, cho biết bà đã giúp đỡ các bệnh nhân nghiện internet từ năm 1994. Nhiều người trong số khách hàng của bà không có khả năng tự chủ và không thể lên kế hoạch cho tương lai.

Thiếu một khái niệm rõ ràng về chứng nghiện internet.

Hiện các tổ chức y tế của Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ một khái niệm rõ ràng nào về hội chứng này. Dựa trên những nghiên cứu sẵn có, rất khó để mô tả chứng nghiện internet bao gồm những gì. Ví dụ như, chứng nghiện xem phim khiêu dâm trực tuyến là một hành vi nghiện internet hay là một chứng rối loạn tình dục? Hay là cả hai? Thậm chí khi nhìn vào chứng nghiện video game, các nhà nghiên cứu cũng chưa xác định được điều gì của các trò chơi gây ra việc nghiện.

Các nhà khoa học cũng cho rằng cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định hội chứng nghiện internet một cách rõ ràng và nâng cao ý thức của xã hội.

Tại các quốc gia khác, chứng nghiện internet đã được coi là một vấn đề nguy hiểm. Ví dụ như tại Hàn Quốc, chứng nghiện internet đã có một định nghĩa chính thức. Những học sinh nào bị chẩn đoán mắc triệu chứng này đều được gửi tới các trung tâm trị liệu của chính phủ. Nhật Bản cũng đã thử nghiệm các trại cai nghiện internet cho những người trẻ tuổi.

Tại Mỹ, một người muốn tham gia trị liệu tại các trung tâm như vậy sẽ phải bỏ ra khoản chi phí 25.000 USD và tham gia chu trình trong vòng 45 ngày cùng với nhiều loại thuốc phục hồi đắt đỏ. Bảo hiểm gần như không chi trả cho chi phí này.

Những phương pháp trị liệu hiện nay

Tại reSTART, 150 bệnh nhân có độ tuổi từ 18 đến 30 được chăm sóc và tham gia vào quá trình phục hồi. Những bệnh nhân này được dạy các kỹ năng đời sống cơ bản để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Trong các căn nhà của bệnh nhân có rất ít thiết bị công nghệ, đương nhiên là không có smartphone hay các máy game console. Thậm chí những quyển sách mang màu sắc viễn tưởng cũng bị tịch thu để tránh cho những người nghiện khỏi thu mình vào một thế giới tưởng tượng. Bệnh nhân, phần lớn là những người trẻ tuổi được cha mẹ mình gửi tới đây, phải ngủ trong những chiếc giường đôi, tập thể dục, học cách lập mục tiêu, cân bằng, các xử lý khủng hoảng, trầm uất có thể gây ra các hành vi nghiện. Các bệnh nhân còn được học cách mua đồ tạp hóa, giặt là, lau chùi nhà tắm.

 

Mọi người đều đồng tình rằng cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên các thói quen lành mạnh, thế nhưng việc sử dụng công nghệ là điều không thể tránh khỏi. Giám đốc nghiên cứu của Common Sense Media, Michael Robb, cho biết tất cả cha mẹ cần trò chuyện với con cái về sự cân bằng khi sử dụng công nghệ. Dùng nhiều không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu của vấn đề. Cha mẹ cần phải hiểu về con cái mình.

Delaney Ruston, một bác sỹ kiêm nhà làm phim thì cho rằng: “Chúng ta nên cẩn thận, ngừng dùng từ ‘nghiện’ và để con trẻ tự kiểm soát bản thân. Chúng phải biết rằng những thiết bị đó không thể kiểm soát được chúng”.

Lê Nga (Tham khảo Theindependent)

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google