Cảnh rơi vào cát lún trong một bộ phim. Ảnh: AF Archive/Alamy |
Theo BBC, cảnh phim quen thuộc là một người bị kẹt trong cát lún, kêu cứu xung quanh, càng vùng vẫy thì càng lún sâu. Cuối cùng là bị cát nuốt chửng. Mô típ này xuất hiện rất nhiều lần trong phim ảnh.
Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy bạn sẽ mắc kẹt và chết trong cát lún ướt là khá ít. Cát lún ướt thường gồm cát, hoặc đất sét và muối bị ngập nước, thường ở vùng đồng bằng châu thổ. Bề mặt nhìn giống như nền cứng, nhưng khi bạn bước chân vào, cát sẽ hóa lỏng.
Cát và nước bị chia tách, để lại một hố cát ướt như một cái bẫy. Ma sát giữa các hạt cát sẽ bị giảm đi rất nhiều và không thể cân bằng với trọng lượng cơ thể và bạn bắt đầu bị chìm xuống. Đúng là càng vùng vẫy bạn sẽ càng chìm xuống sâu hơn, nhưng có đúng là bạn sẽ bị chìm hoàn toàn.
Cát lún ướt
Daniel Bonn, giáo sư đại học Amsterdam, Hà Lan đã lấy mẫu đất từ một hồ ở Iran có cảnh báo cát lún với du khách mang về phòng thí nghiệm. Sau khi phân tích tỷ lệ cát, nước muối và đất sét, ông đã tạo ra được cát lún để làm thí nghiệm mô phỏng.
Ông sử dụng hạt nhôm, có khối lượng riêng tương tự con người trong thí nghiệm. Sau khi đặt hạt nhôm lên trên cát lún, ông lắc toàn bộ mô hình để mô phỏng hành động vùng vẫy của con người.
Kết quả là, các hạt nhôm đúng là có chìm xuống lúc đầu, nhưng sau đó, cát dần dần trộn lẫn lại với nước, lực đẩy của hỗn hợp tăng lên và các hạt nhôm được đẩy lên bề mặt. Bonn và nhóm của ông tiếp tục đặt các vật khác lên trên cát lún, những vật có khối lượng riêng tương đương con người đúng là có chìm xuống, nhưng chỉ chìm một nửa.
Nếu vật lý nói rằng bạn sẽ không chết chìm trong cát lún, tại sao vẫn thường có những tai nạn chết người xảy ra, như hai mẹ con bị chết chìm vào năm 2012 khi đang đi nghỉ ở Antigua, hòn đảo phía đông Đại Tây Dương?
Nguyên nhân là nếu không thể sớm thoát khỏi tình trạng mắc kẹt trong cát lún, thủy triều lên có thể nhấn chìm bạn. Đây mới là nguy hiểm thực sự của cát lún ướt.
Tuy nhiên rất khó để thoát khỏi tình trạng đó một mình. Theo nghiên cứu của Bonn, phải cần một lực 100.000 Newton để giải thoát một chân – tương đương với lực nâng một chiếc ôtô cỡ trung.
Trong phòng thí nghiệm, nhóm của Bonn phát hiện ra rằng muối là một thành phần cơ bản của cát lún ướt, nó làm gia tăng tính không ổn định của cát, dẫn đến sự hình thành của các khu vực trầm tích dày nguy hiểm.
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu khác từ Thụy Sỹ và Brazil đã phát hiện ra một loại cát lún mới không chứa muối. Họ đã kiểm tra mẫu địa chất thu được ở một vũng ven biển phía đông bắc Brazil.
Họ phát hiện vi khuẩn đã tạo nên một lớp vỏ phía trên cùng của đất, cho ấn tượng của một bề mặt ổn định, nhưng khi bước vào thì bề mặt bị sụp đổ. May mắn là những khu vực này khá nông so với chiều cao của một người nên nó không gây nguy hiểm.
Cát lún khô
Cát lún khô lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Rơi vào một vùng cát lún khô có thể gây nguy hiểm chết người.
Vào năm 2002, có một trường hợp tai nạn về cát lún khô được công bố. Một người đàn ông bị ngã vào kho chứa ngũ cốc ở một trang trại tại Đức. Vào thời điểm lính cứu hỏa phát hiện ra, ông ta đã bị lún tới nách đúng như những gì diễn ra trên phim, và vẫn tiếp tục chìm xuống. Mỗi khi nạn nhân thở ra, lồng ngực xẹp xuống và các hạt ngũ cốc ép vào, làm cho việc hô hấp ngày càng khó khăn.
Một bác sĩ đã phải luồn một ống cấp oxy cho nạn nhân và đặt một chiếc yên ngựa quanh ngực. Tuy nhiên sau đó, nạn nhân đã phải chịu đựng các cơn đau tức ngực, còn bác sĩ thì bị lên cơn suyễn do bụi. Lính cứu hỏa sau đó phải dùng một ống trụ, luồn xuống phía dưới nạn nhân và hút các hạt ngũ cốc ra bằng một bơm chân không công nghiệp mới cứu sống được người đàn ông.
Để sống sót nếu rơi vào một nơi cát lún khô, bạn cần sự giúp đỡ bên ngoài càng nhanh càng tốt. Nếu là cát lún ướt, bạn chỉ bị mắc kẹt chứ không chìm hẳn xuống. Để thoát ra bạn cần nhúc nhích chân một chút, sao cho nước và cát xung quanh chân trộn lẫn vào nhau. Cần phải thật bình tĩnh, ngả lưng ra và cố gắng phân bố đều trọng lượng cơ thể, kiên nhẫn chờ tới khi bạn nổi lên.
Xem thêm: Đặc nhiệm Mỹ dạy cách thoát khỏi cốp xe ôtô.
Nguyễn Thành Minh
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét