Các startup phải giống như những con gián mới có thể tồn tại trong năm 2016 này.
2015 là năm của các startup “kỳ lân”, những công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị thị trường 1 tỷ USD trở lên.
Tuy nhiên, 2016 sẽ là năm trỗi dậy của thế hệ các công ty kiểu mới: các startup “gián”.
Chủ tịch kiêm CEO Amazon Jeff Bezos tại sự kiện Explorer Club Annual Dinner, New York, 2014
Theo lời Tim McSweeney, giám đốc ngân hàng thương mại Restoration Partners chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ thì “Giờ đây, thứ được săn lùng nhất ở các công ty startup chính là khả năng sống sót trước các biến cố lớn. Trong khi kỳ lân là một linh vật huyền thoại thì gián lại là loài có khả năng sống sót sau cả những vụ nổ hạt nhân”.
Theo một báo cáo từ kho dữ liệu của CB Insights, có rất nhiều các công ty đạt mức định giá 1 tỷ USD trở lên trong năm qua, bao gồm cả TransferWise, Lyft, Zenefits, SoFi, Hellofresh, Prosper, Oscar và Farfetch.
Các startup kỳ lân này thường được mô tả là tăng trưởng thần tốc bằng tiền đầu tư mạo hiểm. Giai đoạn đầu, các startup này sẽ chưa quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận mà chỉ tập trung vào bành trướng thị trường cho đến mức đủ lớn để bắt đầu sinh lời. Uber chính là một ví dụ điển hình cho phong cách này.
Trong khi đó, startup “gián” là loại công ty tăng trưởng theo lối chậm mà chắc, tập trung vào việc sinh lời ngay từ giai đoạn đầu và hạn chế hết mức việc vung tiền chiếm thị phần để giảm thiểu rủi ro.
McSweeney cho biết “Xét về mặt đầu tư thì lối kinh doanh này giúp hạn chế tối đa rủi ro ập đến. Chính vì thế mà các nhà đầu tư bắt đầu muốn kiếm tìm các công ty có thể sống tốt ngay cả trong những thời điểm khó khăn rồi vươn mình trở lại với những sáng kiến mới, hướng đi mới”.
Ngân hàng Restoration Partners của McSweeney thường không trực tiếp đầu tư mà đưa ra các gói dịch vụ vốn vay cho startup công nghệ. Chính vì thể mà ông cùng các đồng sự luôn có những cái nhìn sắc bén về việc đầu tư vào các startup.
Startup kỳ lân sẽ không thể sống sót nếu không có nền tảng và giá trị thực sự.
McSweeney lại không phải người đầu tiên sử dụng thuật ngữ startup “gián” hay nhấn mạnh tiềm năng của các công ty dạng này. Trên thực tế, đây là một nguyên lý đầu tư đã có từ lâu và nhà sáng lập Flickr Caterina Fake cũng từng viết một bài về khái niệm này trên blog cá nhân hồi tháng 9 năm ngoái.
Kể từ đó, việc startup “gián” được lôi ra so sánh với startup kỳ lân liên tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Tại một hội thảo về fintech (ứng dụng công nghệ vào tài chính, một trong những lĩnh vực đang cuốn hút rất nhiều startup) tại London, các nhà đầu tư đã bắt đầu bày tỏ sự lo lắng với xu hướng các startup bị thổi phồng trên thị trường trong khi giá trị thực tế lại không được như vậy.
Nhà sáng lập Restoration Partners Ken Olisa cũng chia sẻ điều tương tự. Tại sự kiện của VTC Group, ông nói “Làn sóng startup kỳ lân phù phiếm rất có thể sẽ kết thúc trong thất bại vì thứ mà các startup này tập trung vào không phải là khách hàng hay gia tăng giá trị cho họ”. Nói chính xác hơn thì thứ mà các startup này theo đuổi thường là tăng trưởng và thị phần, những thứ không mấy bền vững.
Vậy tại sao các nhà đầu tư lại đang săn lùng các startup “gián”? Câu trả lời chính là nguồn vốn đầu tư.
Năm vừa qua được coi là năm gọi vốn rực rỡ và dễ dàng với các startup, một phần nhờ lãi suất thấp kỷ lục cũng như thị trường chứng khoán tụt dốc khiến cho các quỹ lớn như Fidelity hay BlackRock đầu tư mạnh tay hơn vào các công ty khởi nghiệp.
Nhưng năm 2016 này lại khởi đầu hoàn toàn khác biệt với việc các khoản đầu tư mạo hiểm kếch xù bắt đầu cạn giữa các biến động của kinh tế thế giới.
Điều này cũng cho thấy vấn đề lớn trong mô hình kinh doanh của nhiều startup kỳ lân cũng như các công ty công nghệ tăng trưởng chóng mặt khi mà việc gọi một số vốn đầu tư lớn trở nên quá dễ dàng. Các công ty như Twitter hay Birchbox đều bộc lộ nhiều khiếm khuyết lớn. Phóng viên Dan Primack của tờ Fortune cũng chỉ ra rằng lần đầu tiên trong vài năm trở lại đây, các hoạt động đầu tư mạo hiểm đang trên đà tụt dốc. Zenefits, một trong số các công ty nổi bật trở thành startup kỳ lân năm vừa qua cũng đã trải qua những biến động lớn và đang trên bờ vực thảm bại.
McSweeney chia sẻ “Chỉ theo đuổi tăng trưởng chưa bao giờ là một chiến lược bền vững. Tôi nhận thấy các startup kỳ lân chỉ luôn cố bành trướng thị phần mà chẳng buồn quan tâm đến những điều mấu chốt trong hệ thống kinh doanh của mình. Họ coi tăng trưởng là thành công, là cách khiến các nhà đầu tư tiếp tục bỏ thêm tiền, quả là một cái vòng luẩn quẩn”.
“Hãy nhớ rằng Google không hề tăng trưởng nóng. Họ luôn tập trung vào việc cung cấp một dịch vụ tốt và xây dựng một mô hình kinh doanh thành công từ đó”.
Ông cũng nói thêm “Hãy nhìn lại bong bóng mà Powa tạo ra – tôi không nói đó là một kiểu vỡ bong bóng, nhưng thực sự lối vận hành chạy theo tăng trưởng như vậy là cực kỳ phù phiếm”.
Hãng công nghệ Powa có trụ sở tại London đã gọi được tới 225 triệu USD vốn mạo hiểm trong vòng 3 năm qua và từng có thời điểm được định giá tới 2.7 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty này đã sụp đổ vào tháng 2 vừa qua với khoản nợ 16.4 triệu USD và chỉ còn vỏn vẹn 250,000 USD trong ngân hàng.
Sweeney kết luận “Tôi vẫn cho là startup hiện nay không hề thiếu nguồn đầu tư nhưng cần biết sử dụng đồng vốn thật khôn ngoan. Các nhà đầu tư hiện nay không còn tin vào những thứ phù phiếm nữa”.
Tham khảo Business Insider
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét