Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh doanh có Trách nhiệm cho rằng Việt Nam cần có giải pháp đồng bộ để đẩy lùi mối đe dọa từ thực phẩm bẩn.
cay-gay-va-cu-ca-rot-trong-cuoc-chien-chong-thuc-phm-bn

Tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp là vấn nạn tại nhiều nước Đông Nam Á. Ảnh: WSJ

"Làm nghề nông, những điều khiến tôi lo lắng nhất là hạn hán, tác hại của biến đổi khí hậu, và sâu bệnh. Mùa vừa rồi, chúng tôi đạt năng suất 7-10 tấn lúa/ha, nhưng cũng phải sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu". Đó là tâm sự của anh Bapak M Hosin, một nông dân trên đảo Đông Java, khi được mời đến tham dự Diễn dàn Kinh doanh có Trách nhiệm về Thực phẩm và Nông nghiệp (RBF) lần thứ ba diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia từ 25 đến 26/4.

"Tại sao nông dân nhiều nước Đông Nam Á vẫn lệ thuộc vào thuốc trừ sâu, phân bón và các hóa chất đến vậy" là câu hỏi mà nhiều diễn giả đặt ra trong các phiên thảo luận của hội nghị này, nhằm tìm giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp của khu vực.

Trao đổi với VnExpress tại hội nghị, bà Alison Eskesen, giám đốc Nhận thức và Đổi mới thuộc chương trình GrowAsia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng tình trạng sử dụng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón để tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp là một hiện tượng phổ biến ở Đông Nam Á. Không chỉ ở Việt Nam, thực phẩm "bẩn" cũng là một vấn nạn ở nhiều quốc gia khác trong khu vực với những mức độ nghiêm trọng khác nhau.

"Nhiều nông dân ở Myamar, Campuchia hay Việt Nam vẫn chưa biết được nên sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học ở mức độ nào là phù hợp và an toàn. Đây là mối quan ngại tại nhiều quốc gia trên thế giới", bà Eskesen chia sẻ.

Chuyên gia này cho rằng với hành vi sản xuất nông nghiệp này, người nông dân không chỉ "đầu độc" người tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi, mà còn tự hạn chế cơ hội quảng bá, xuất khẩu sản phẩm của mình ra thế giới.

"Hầu hết các nước nhập khẩu nông sản hiện nay đều áp dụng các tiêu chuẩn rất khắt khe về dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất bảo quản. Họ sẽ không bao giờ hạ thấp các tiêu chuẩn đó khi nhập khẩu lúa gạo, trái cây… của Việt Nam", bà nói.

Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Paul Teng thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng việc sử dụng các loại thuốc kích thích, hóa chất cấm để sản xuất, bảo quản nông sản là một vấn nạn không chỉ của riêng Việt Nam. Những hành động như vậy có thể giúp người nông dân cải thiện năng suất, lợi nhuận tức thời, trước mắt, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.

Cây gậy và củ cà rốt

Các chuyên gia trong phiên thảo luận về thực phẩm cho rằng một khi người nông dân chỉ chú trọng vào cái lợi trước mắt, đánh mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước bằng các loại thực phẩm bẩn, họ sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi các loại thực phẩm ngoại nhập khẩu tràn vào, có nguồn gốc, xuất xứ và các tiêu chuẩn rõ ràng.

"Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn những loại thực phẩm an toàn cho mình với mức giá chấp nhận được. Nếu không đảm bảo được yếu tố niềm tin này, nông sản trong nước sẽ không thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm", một chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng tham dự hội nghị nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các chuyên gia đều nhất trí rằng chính phủ và chính quyền địa phương các nước có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, bằng việc đề ra các chính sách, cơ chế cũng như chế tài để khuyến khích nông dân hướng tới sản xuất thực phẩm an toàn, đồng thời trừng phạt những hành vi cố ý sử dụng các loại hóa chất cấm trong nông nghiệp.

cay-gay-va-cu-ca-rot-trong-cuoc-chien-chong-thuc-phm-bn-1

Bà Alison Eskesen, giám đốc Nhận thức và Đổi mới thuộc chương trình GrowAsia. Ảnh: Trí Dũng

Bà Eskesen cho rằng chính phủ Việt Nam nói riêng và các quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới nói chung cần áp dụng chính sách "cây gậy và củ cà rốt" trong cuộc chiến chống lại thực phẩm bẩn. "Củ cà rốt" ở đây là việc tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn để nông dân thấy được lợi ích bền vững của việc sản xuất nông sản sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Còn "cây gậy" chính là những chế tài xử phạt bằng hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm ở mức độ khác nhau.

"Nếu không hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể, người nông dân làm sao có thể biết được loại hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại nào không được dùng hay được dùng ở ngưỡng bao nhiêu. Các chế tài trừng phạt chỉ có hiệu quả khi các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn này được thực hiện tốt", chuyên gia này nhận định.

Giáo sư Teng cũng nhất trí rằng việc cân bằng giữa giáo dục và chế tài là yếu tố quan trọng có thể giúp Việt Nam đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn. Lấy dẫn chứng từ nền sản xuất nông nghiệp ở Singapore, ông nhấn mạnh đây chính là yếu tố để có thể xây dựng lòng tin của người dân vào các sản phẩm do người nông dân làm ra.

"Ở Singapore, chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về các loại phân bón, thuốc trừ sâu và chất bảo quản sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân được khuyến khích tuân thủ các tiêu chuẩn này, và khi nông sản được đưa tới các chợ, siêu thị, cơ quan chức năng thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm. Bất cứ trường hợp vi phạm nào cũng sẽ bị phạt rất nặng", ông Teng nói.

Giáo sư này cho biết người dân Singapore hoàn toàn yên tâm sử dụng các loại thực phẩm, hoa quả được bày bán trong cửa hàng, siêu thị, vì họ tin tưởng rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mà chính phủ đề ra. Bởi vậy, nông sản trong nước đủ sức cạnh tranh với các loại sản phẩm nhập khẩu từ Malaysia và nhiều nước khác.

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị cho rằng các nước thành viên ASEAN cần phải đề ra các tiêu chuẩn cụ thể về giới hạn dư lượng hóa chất trong nông sản theo tiêu chí chung của khối. Chính phủ các nước cũng cần có những hình ảnh, thuật ngữ minh họa dễ hiểu, đồng bộ để người dân có thể nắm được đâu là các loại hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại bị cấm sử dụng, và nếu được sử dụng thì ở mức độ, tần suất như thế nào.

Theo các chuyên gia, ngoài các biện pháp khuyến nông, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn là yếu tố then chốt để giúp nông sản Việt Nam đứng vững trước làn sóng đổ bộ của các loại thực phẩm ngoại khi các hiệp định tự do thương mại quốc tế có hiệu lực.

"Các bạn còn rất ít thời gian để làm việc đó, nhưng tôi tin rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có thể vượt qua được giai đoạn này và hướng tới một nền sản xuất bền vững, nơi người tiêu dùng đặt niềm tin vào nông dân và chính sách của chính phủ", giáo sư Teng nhận định.

Trí Dũng

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google