Da nhân tạo với nang lông và tuyến mồ hôi. Ảnh: Takashi Tsuji/Riken. |
Theo International Business Times, lớp da cấy ghép cho chuột hình thành kết nối với các dây thần kinh và sợi cơ, có thể trở thành chìa khóa để tạo nên những tế bào da đầy đủ chức năng hoạt động. Nghiên cứu công bố hôm qua trên tạp chí Science Advances mở ra hy vọng cấy ghép da thành công cho bệnh nhân bỏng hoặc người cần thay da mới.
Lĩnh vực da nhân tạo đạt nhiều thành tựu trong các năm gần đây khi các nhà nghiên cứu tạo ra một số loại mô khác nhau. Tuy nhiên, những mô này vẫn thiếu hai đặc điểm cơ bản là nang lông và tuyến mồ hôi, dùng để chống nước ngấm vào da, tóc. Điều này có nghĩa da nhân tạo trước đây không thể thực hiện đầy đủ chức năng sau khi cấy ghép vào cơ thể sống.
Nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Phát triển Sinh học Riken, Kobe, Nhật Bản, hướng đến tạo ra mô da có đủ chức năng, bao gồm mọi thành phần cơ bản để mô hoạt động bình thường. Họ sử dụng tế bào gốc lấy từ lợi chuột và thêm vào một protein để biến đổi tế bào gốc thành tế bào phôi. Sau đó, tế bào này được cấy vào chuột và dần phát triển thành tế bào da như ở một bào thai bình thường.
Da cấy ghép trải qua quá trình mọc lông như da bình thường. Ảnh: Takashi Tsuji/Riken. |
Trải qua một thời gian phát triển, chúng hoàn thiện và trở thành một loại mô da chịu trách nhiệm kiểm soát số lượng nang lông và tuyến mồ hôi. Tế bào da nhân tạo hoàn toàn có thể vận hành như tế bào da thường.
"Với công nghệ mới này, chúng tôi đã nuôi cấy thành công lớp da mô phỏng chức năng của tế bào bình thường. Chúng tôi đang tiến gần hơn đến giấc mơ tái tạo những cơ quan thực sự trong phòng thí nghiệm để cấy ghép. Chúng tôi tin chắc mô nuôi cấy theo phương pháp này có thể được sử dụng như một lựa chọn thay thế việc thử hóa chất bằng động vật", tiến sĩ Takashi Tsuji, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Phương Hoa
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét