Vụ kiện đình đám giữa Apple và FBI khép lại mà không có ai thua cuộc, nhưng nếu bạn tin rằng cuộc đấu này đã ngã ngũ, bạn vẫn chưa nhìn đủ sâu vào bản chất vấn đề.
Như vậy, là vụ kiện đình đám giữa Apple và FBI đã kết thúc sau khi Cơ quan Điều tra Liên bang của Mỹ buộc phải yêu cầu Tòa án rút lại lệnh ép buộc Apple thực thi một công cụ phần mềm có thể truy cập vào dữ liệu của chiếc iPhone 5c thuộc về 2 tên khủng bố tại San Bernardino. Vụ kiện có vẻ đã kết thúc mà chẳng có bên nào phải chịu thiệt cả: Apple thì không bị ép phải tạo "GovtOS", còn FBI thì vẫn có thể tiếp tục điều tra dữ liệu trên chiếc iPhone của kẻ khủng bố.
Nhưng kết quả này cũng có nghĩa rằng chưa có bên nào thực sự chiến thắng. Trong tương lai, chính phủ Mỹ sẽ còn tiếp tục lôi Apple ra tòa.
Cái FBI cần không phải là dữ liệu trên chiếc iPhone 5c
Ngay khi vụ kiện Apple vs FBI nổ ra, ai cũng có thể nhận thấy rằng điều FBI thực sự muốn đạt được là một tiền lệ pháp lý. Đây sẽ là lần đầu tiên một công ty công nghệ bị buộc phải đánh bại cơ chế bảo vệ có trên sản phẩm phần cứng của họ. Nếu Apple thua cuộc trong vụ kiện này, FBI nói riêng lẫn các cơ quan chính phủ Mỹ nói chung có thể tận dụng tiền lệ để buộc bất kỳ một công ty công nghệ nào phải tạo ra một công cụ bẻ khóa sản phẩm của chính họ.
Chính giám đốc FBI James Comey đã từng đưa ra câu trả lời này khi được hỏi liệu vụ kiện với Apple có tạo ra tiền lệ pháp lý: "FBI sẽ yêu cầu sự hỗ trợ tương tự từ các công ty công nghệ. Đây là cách hoạt động của luật pháp".
Lâu dài, mã hóa sẽ bị đánh bại khi các công ty công nghệ phải tự tạo cửa hậu. Đây mới chính là mục tiêu lâu dài của chính phủ Mỹ: loại bỏ "cái gai" mã hóa để thoải mái thu cập bất cứ loại dữ liệu nào họ muốn, không phân biệt mục đích.
FBI đã lựa chọn Apple làm đối thủ.
Và vụ kiện của chiếc iPhone 5c là cơ hội tốt nhất mà FBI có từ trước tới nay. Mục đích của vụ việc này là để điều tra về một vụ khủng bố thương tâm có dính dáng đến ISIS – một mục đích chắc chắn sẽ được phần đông công chúng Mỹ ủng hộ. Quan trọng hơn, FBI đã lựa chọn đúng mục tiêu: một thiết bị điện tử không một ai có thể hack được (ít nhất là cho tới khi Cellebrite xuất hiện). Với một thiết bị như vậy, Apple không tạo phần mềm bẻ khóa cũng có nghĩa rằng Apple không giúp đỡ cho quá trình điều tra chống khủng bố.
Vì sao FBI không lựa chọn Microsoft hay Google hay iOS 7 để tấn công?
Khi kết quả của vụ kiện này chưa ngã ngũ thì một thông tin bên lề rất đáng chú ý đã xuất hiện trên mạng: khác với Apple, Microsoft có sao lưu chìa khóa mã hóa của thiết bị người dùng lên máy chủ của hãng. Nếu như FBI ra yêu cầu ép buộc Microsoft phải cung cấp dữ liệu người dùng cá nhân, vị trí của Microsoft sẽ yếu đuối hơn hẳn vị trí của Apple hiện tại.
Hãy nhớ rằng vũ khí duy nhất để Apple chống lại yêu cầu Tòa án buộc phải tuân theo đạo luật All Wrists Act là hành vi được chính phủ yêu cầu không được tạo ra "gánh nặng bất hợp lý" cho các công ty. Nếu như "gánh nặng" này chỉ gói gọn trong việc copy chìa khóa mã hóa như trong trường hợp của Microsoft, FBI đã có một cuộc đấu dễ thở hơn rất nhiều.
FBI còn rất nhiều mồi ngon ngoài iOS 8 và iPhone 5c, nhưng mục tiêu ở đây là tạo ra tiền lệ.
Ngoài Microsoft thì FBI còn có rất nhiều mục tiêu có thể lựa chọn để đem ra tòa, ví dụ như các phiên bản Android cũ hoặc các bản iOS từ iOS 7 trở xuống. Xét tới sự phổ biến của các thiết bị chạy Windows, Android và iOS cũ, chắc chắn FBI và các cơ quan điều tra của Mỹ vẫn đang còn một vài vụ điều tra có yêu cầu mở dữ liệu từ các thiết bị này.
Nhưng FBI đã không lựa chọn Microsoft hay Google mà lại lựa chọn Apple. Lý do là bởi nếu cơ quan này lựa chọn một thiết bị dễ hack thì đối thủ của họ có thể dễ dàng phản biện rằng "Anh tự đi mà hack lấy" với dẫn chứng là các lỗ hổng đã được công bố rộng rãi. Ví dụ trong trường hợp của Microsoft, điều duy nhất hãng này cần làm nếu bị FBI đem ra tòa sẽ là copy chìa khóa mã hóa cho FBI. Microsoft không cần phải tự bẻ gãy mã hóa của Windows và do đó sẽ không tạo ra tiền lệ mà chính phủ Mỹ mong muốn.
Những ví dụ mâu thuẫn này đã chứng minh rằng điều FBI cần không phải là ép buộc các công ty công nghệ phải cung cấp dữ liệu cho họ, bởi đó là việc tất cả các hãng đều đã làm từ lâu rồi. FBI cũng không dại gì mang các công ty ra tòa chỉ để buộc họ phải tạo ra một phần mềm có thể thu thập dữ liệu từ các thiết bị ai cũng có thể hack được. Thứ FBI thực sự cần là ép buộc Apple (và sau này là Google, Microsoft, Facebook...) bẻ gãy các biện pháp bảo mật có khả năng hack gần bằng 0% - vốn đã luôn là cái gai trong mắt chính phủ Mỹ khi thu thập dữ liệu trái phép.
FBI không chiến thắng nhưng cũng chưa bỏ cuộc
Khi thông tin về khả năng hack iPhone 5c thành công bắt đầu xuất hiện, trang tin The Verge đăng tải một bài báo có tựa đề "Cách hack iPhone mới đã khiến FBI không kịp phòng vệ" – "FBI" chứ không phải là Apple. Trích dẫn văn bản tòa án, The Verge cho biết đại diện FBI mới chỉ biết về khả năng hack iPhone thành công ngay vào buổi sáng trước khi phiên điều trần mới kịp diễn ra.
Như bạn cũng biết, đến ngày thứ hai này Cellebrite đã hack thành công chiếc iPhone 5c và FBI buộc phải đệ đơn bãi nại. Thế nhưng, trong khi cơ quan này có vẻ đã đạt được mục đích của mình khi khởi kiện Apple là để mở khóa chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố, tuyên bố từ Bộ Tư pháp Mỹ (cơ quan chủ quản của FBI) lại khẳng định:
"Chính phủ vẫn sẽ đặt ưu tiên vào việc đảm bảo các cơ quan hành pháp có thể thu thập được các dữ liệu tối quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn cho người dùng, kể cả với sự hợp tác từ các bên liên quan hay thông qua hệ thống tòa án".
Bạn sẽ không dùng từ "vẫn" khi đã đạt được mục đích thực sự của mình. Không khó để nhận ra rằng tuyên bố trên của chính phủ Mỹ cũng là một lời "hứa" sẽ sớm lôi các công ty công nghệ ra tòa để giải quyết vấn đề công cụ hack và bẻ khóa mã hóa thêm một (vài) lần nữa.
Apple chưa chiến thắng
Trong tuyên bố xác nhận chiến thắng, Apple khẳng định "Vụ việc này đặt ra những vấn đề đòi hỏi một cuộc tranh luận toàn quốc về quyền tự do dân chủ của chúng ta, sự an toàn chung của chúng ta cũng như quyền riêng tư. Apple tiếp tục sẵn sàng tham gia vào cuộc tranh luận này".
Tuyên bố cho thấy Apple dù đã thắng nhưng vẫn chưa buông giáp.
Tim Cook vẫn chưa phải là người cười cuối cùng.
Dù không bị buộc phải tạo công cụ hack iPhone 5c nhưng chắc chắn Apple sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh bảo mật cho tất cả các sản phẩm phần cứng và phần mềm của mình – công ty nào cũng sẽ phải làm như vậy. Điều này mở ra khả năng rằng trong một vụ kiện FBI vs Apple 2.0 hoặc 3.0 hoặc x.0, "phép màu" Cellebrite sẽ không xuất hiện trở lại. FBI và Apple sẽ phải đấu đến cùng.
Khi nào thì cuộc đấu sẽ thực sự kết thúc? Câu trả lời vẫn là "một tiền lệ". FBI sẽ chiến thắng khi tòa án ra lệnh buộc Apple phải tự hủy hoại chính các cơ chế bảo mật do hãng này tạo ra. Khi đó, bạn cũng có thể nói lời chào vĩnh biệt tới an toàn dữ liệu của mình.
Còn Apple? Apple sẽ thực sự chiến thắng khi tòa án Mỹ ra phán quyết rằng chính phủ Mỹ không được phép ép buộc các công ty công nghệ phải tự hủy hoại cơ chế bảo mật. Chừng nào tòa án Mỹ chưa có phán quyết đó, FBI vẫn sẽ đe dọa đến cả Apple, Google, Microsoft, Facebook lẫn tất cả người dùng.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét