Phương pháp này cho phép chúng ta thay thế các tế bào thần kinh đã bị tổn hại trong não bằng các neuron khỏe mạnh hơn rất nhiều.
Mới đây các nhà khoa học thuộc ĐH Rutgers (Mỹ) đã phát triển thành công kỹ thuật mới cho phép "bơm" một lượng lớn tế bào neuron thần kinh khỏe mạnh vào não bộ thay cho các tế bào thần kinh đã bị tổn hại.
Cụ thể, các nhà khoa học đã thực hiện điều này bằng cách tiêm vào não một "bộ khung" siêu nhỏ chứa đầy các tế bào neuron khỏe mạnh. Và dù mới chỉ được thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu tin rằng đây chính là tương lai dành cho các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như Parkinson và Alzheimer, cũng như các tổn thương về cột sống và não bộ khác.
Theo Prabhas V. Moghe - một chuyên gia từ ĐH Rutgers: "Càng nhiều tế bào được cấy ghép, căn bệnh sẽ càng có chuyển biến tích cực. Chúng tôi muốn tối đa hóa lượng tế bào trong một không gian bé nhất có thể".
Để làm vậy, các nhà khoa học phải tách tế bào gốc đa hiệu ở người (iPS) rồi chuyển chúng thành các tế bào thần kinh được nuôi cấy trong một bộ khung 3 chiều vô cùng bé làm từ sợi polymer. Bộ khung này chỉ rộng khoảng 100 micromet - bằng bề ngang của... một sợi tóc người.
Sau khi được chất đầy bằng hàng trăm tế bào neuron khỏe mạnh, bộ khung sẽ được "bắn" thẳng vào não bộ để thay thế những tế bào đã bị thoái hóa.
Trong thử nghiệm với chuột, các tế bào được thêm vào đã kết nối thành công và bắt đầu truyền tải tín hiệu đến thần kinh trung ương.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học thành công trong việc thay thế tế bào thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp mới này đảm bảo được rằng không những tế bào thần kinh kết nối thành công với não bộ, mà còn tăng khả năng sống sót của tế bào lên đến... 100 lần so với các phương pháp hiện hành.
Tất nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn rằng phương pháp này sẽ hoạt động hiệu quả trên người, vì não bộ của chúng ta phức tạp hơn não chuột rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà khoa học có một niềm tin vững chắc vào sự thành công của nó trong các thử nghiệm tương lai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communication.
Theo Trí thức trẻ/CafeBiz
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét