IBM, Nokia và Nintendo đều là những tên tuổi không được hưởng trọn vẹn trái ngọt từ lĩnh vực mà mình tiên phong.

IBM: Máy tính cá nhân

Khác với các tên tuổi trong danh sách này, IBM thực ra đã hưởng phần lớn trái ngọt từ ý tưởng do hãng này tiên phong – chiếc máy tính cá nhân. Điều gì đã làm nên thành công cho chiếc máy IBM PC? Đầu tiên, IBM đã ra mắt một nền tảng được chuẩn hóa, cho phép mở rộng các thành phần phần cứng một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Chính điều này đã thuyết phục được các doanh nghiệp rằng những chiếc máy tính cá nhân có thể trở thành những cỗ máy làm việc thực thụ chứ không chỉ là một "thú chơi" giết thời gian và tốn tiền của.

Tiếp đó, lựa chọn phần mềm MS-DOS của IBM đã góp phần giải quyết tình trạng phân mảnh trầm trọng của thị trường phần mềm máy tính, vốn bao gồm những hãng phần cứng chạy hệ điều hành riêng biệt như Apple và Atari. Chiếc IBM PC nhờ vậy mà giành được sự tin tưởng từ giới phần mềm, mở màn cho những ứng dụng "đỉnh" như Visicalc và Lotus 1-2-3.

Dĩ nhiên, với triết lý tương đối cởi mở này, IBM cũng mở đường cho các đối thủ cạnh tranh vào xâm chiếm thị phần của mình. Thế nhưng, IBM PC vẫn có những thế mạnh nổi trội của riêng mình: vi xử lý Intel 8088 có kiến trúc 16-bit nhưng lại sử dụng bus 8-bit để tương thích với các linh kiện có sẵn hay tính năng hỗ trợ cả… chữ viết hoa lẫn chữ viết thường (Apple II chỉ có thể hỗ trợ chữ viết hoa). Quan trọng nhất, một thương hiệu "nặng ký" như IBM đã giúp cho ý tưởng máy tính cá nhân thực sự thu hút được người tiêu dùng đến với những thiết bị vẫn còn quá mới mẻ.

Đáng tiếc là chính triết lý của PC lại khiến cho IBM tụt hậu dần trong cuộc đua máy tính cá nhân. Dù phải mất tới hơn 10 năm những các đối thủ như Compaq hay Intel đã đánh bại IBM trong cả cuộc đua cấu hình/giá cả lẫn cuộc đua thiết kế chuẩn kết nối để mở rộng phần cứng trên máy tính. Vị trí của IBM trên thị trường PC mờ nhạt dần cho tới khi hãng này bán lại toàn bộ mảng PC của mình cho Lenovo vào năm 2005. Triết lý PC vẫn còn tồn tại, nhưng chiếc IBM PC giờ đây chỉ còn lại trong bảo tàng.

Nokia: Smartphone dành cho số đông

Nokia N95 có vô số điểm vượt trội so với iPhone, nhưng đáng tiếc là lại không có màn hình cảm ứng.
Nokia N95 có vô số điểm vượt trội so với iPhone, nhưng đáng tiếc là lại không có màn hình cảm ứng.

Cho đến tận vài năm sau khi iPhone ra đời, Nokia vẫn là nhà sản xuất smartphone đứng đầu thế giới với doanh số cao hơn cả 2 đối thủ số 2 và số 3 cộng lại. Trước thời điểm 207, "điện thoại thông minh" vẫn còn là một thứ gì đó xa xỉ và đặc biệt dành riêng cho đối tượng người dùng chuyên nghiệp trong các tập đoàn: cả BlackBerry, Palm, và các nhà sản xuất Windows Mobile đều đi theo hướng này.

Nhưng Nokia thì không như vậy. Với dòng sản phẩm N-series, hãng di động số 1 thế giới bắt đầu hướng trọng tâm sang người dùng phổ thông, đối tượng cần có những tính năng đơn giản, dễ sử dụng thay vì các tính năng doanh nghiệp phức tạp. N-Series mang tới những tính năng quan trọng như camera chất lượng cao, ứng dụng chơi nhạc trực quan, camera mặt trước, gọi 3G, lướt web, nhắn tin hình ảnh… Tất cả đều là những ván bài đắt giá, nhưng Nokia đã thành công. Sau N90 và N93, chiếc N95 siêu việt đưa Nokia lên đỉnh với doanh số chạm mốc 10 triệu chiếc sau một năm bán ra, đồng thời nhận được tán dương từ giới công nghệ là "chiếc điện thoại của tương lai".

Nhưng đáng tiếc là tương lai đã không thuộc về Nokia. Triết lý smartphone dành cho số đông của Nokia đã thành công, nhưng Steve Jobs và Apple đã tiến thêm một bước khi ra mắt chiếc iPhone có màn hình cảm ứng cỡ lớn, trực quan và dễ sử dụng hơn tất cả những chiếc điện thoại trước đó. Những đột phá sau đó như chợ ứng dụng hay vi xử lý tự thiết kế giúp cho Apple dần dần vươn lên trở thành tên tuổi đi đầu ngành smartphone, trước khi chính cả Apple cũng bị tước khỏi vị trí số 1 khi Google ra mắt trải nghiệm smartphone cảm ứng giá rẻ dành cho tất cả mọi người. Đi hết từ nước cờ sai lầm này tới sai lầm khác, Nokia cuối cùng đã phải bán lại mảng di động cho Microsoft vào năm 2013 với giá "chỉ" 7 tỷ USD.

Kodak: Máy ảnh số

Bài học đau đớn từ Kodak là lý do vì sao các ông lớn không được phép chần chừ với sáng tạo.
Bài học đau đớn từ Kodak là lý do vì sao các ông lớn không được phép chần chừ với sáng tạo.

Trong tất cả những người hùng đã từng chạm tay vào thành công rồi ngã quỵ, trường hợp của Kodak có lẽ là đau lòng hơn cả. Từ tận năm 1975, tức là 20 năm trước khi máy ảnh số trở nên phổ biến trên toàn cầu, một kỹ sư của Kodak đã là người đầu tiên phát minh ra chiếc máy ảnh số.

Phản ứng của Kodak? "Đó là một công nghệ chụp ảnh không phim, nên những người quản lý nói nói với tôi rằng 'Cũng hay đấy – nhưng đừng có tiết lộ với ai'", Steve Sasson, cha đẻ của chiếc máy ảnh số khẳng định.

Đến năm 1981, Sony đã kịp ra mắt chiếc máy ảnh điện tử đầu tiên (không phải là máy ảnh số, vì đầu ra của Sony Mavica tín hiệu analog). Vẫn sợ hãi rằng mảng kinh doanh phim và máy ảnh phim của mình sẽ bị ảnh hưởng, Kodak cho tiến hành một cuộc khảo sát thị trường. Kết luận của cuộc khảo sát này cho thấy công nghệ ảnh số hoàn toàn có thể sẽ thay thế ảnh phim, nhưng Kodak vẫn có khoảng 10 năm để tiến hành thay đổi.

Đáng tiếc hơn 10 năm trôi qua mà hãng máy ảnh từng một thời đứng đầu thế giới vẫn quá bảo thủ, vẫn cứng đầu chờ đợi cuộc cách mạng ảnh số chìm xuống. Đến tận năm 1988, tức là 13 năm sau khi Kodak phát minh ra công nghệ ảnh số, đối thủ lớn nhất của hãng là Fujifilm đã kịp ra mắt chiếc FUJIX DS-1P, chiếc máy ảnh số "thực thụ" đầu tiên có khả năng lưu ảnh vào thẻ nhớ. Khác với Kodak, Fujifilm đã sớm tiên lượng được rằng thời đại digital bắt buộc sẽ đến.

Và cho đến giờ thì Fujifilm vẫn đang tồn tại với doanh thu vài trăm nghìn tỷ Yên mỗi năm. Thị trường ảnh số cũng đã mở đường cho những tên tuổi khác như Nikon, Canon, Sony và Panasonic xâm chiếm. Còn Kodak thì đã chìm sâu vào khó khăn kể từ cuối thập niên 1990 (một mẩu quảng cáo năm 1997 còn khẳng định "Kodak giờ sẽ không còn chơi trò bám đuổi với ảnh số"). Dù mới thoát khỏi cảnh phá sản, cái tên Kodak ngày nay đã không còn nhiều ý nghĩa với thị trường máy ảnh toàn cầu.

Saehan, Rio, Creative (và nhiều tên tuổi khác): Máy chơi mp3

Chiếc máy vô danh này lại chính là tiền đề cho thành công của iPod và iPhone.
Chiếc máy vô danh này lại chính là tiền đề cho thành công của iPod và iPhone.

Cái tên "Saehan Information Systems" chắc hẳn là rất xa lạ với bạn, nhưng đây chính là công ty đã ra mắt chiếc máy nghe nhạc mp3 đầu tiên. Nhờ các lợi thế nhỏ, gọn và pin "trâu" so với những chiếc Walkman hay Discman của Sony, chiếc máy nghe nhạc của Saehan đã nhanh chóng đạt doanh số 50.000 máy trong năm đầu tiên.

Đáng tiếc là tính đến thời điểm năm 2001, khi iPod ra đời, thị trường máy chơi mp3 đã có tới hàng chục nhà sản xuất. Trong số này có cả những tên tuổi nổi bật như Rio và Creative, nhưng không một ai có thể đạt được vị thế thống trị như Sony đã từng làm với máy chơi băng cassette và máy chơi đĩa CD.

Ai cũng biết điều gì đã xảy ra tiếp theo. iPod ra đời và bỗng dưng trở thành chiếc máy chơi mp3 bán chạy nhất hành tinh dù rằng có giá lên tới 400 USD, tức là ngang ngửa với những chiếc smartphone tầm trung hiện nay. Về bản chất, iPod vẫn chỉ là một chiếc máy nghe nhạc số, nhưng thành công của sản phẩm này đã giúp tạo ra nhiều định luật quan trọng cho thành công của Apple và nhiều nhà sản xuất khác trên phân khúc cao cấp sau này: người dùng sẽ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua được một sản phẩm nếu như nhà sản xuất có thể tạo ra một trải nghiệm trực quan, dễ sử dụng để tạo cảm giác cho người mua rằng những gì họ nhận được là xứng đáng với khoản tiền bỏ ra.

Bởi vậy nên ngày nay chẳng có ai nhớ tên gọi "MPMan", nhưng hỏi đến iPod thì ai cũng biết. Cùng với thành công của iPhone và iPad sau này, Steve Jobs và Apple đã để lại một bài học quan trọng: đi đầu về thời gian chẳng có ý nghĩa gì nếu như bạn không thể đi đầu về chất lượng.

Nintendo: Game di động

Cho đến tận quý 2 năm ngoái, Nintendo vẫn chìm trong thua lỗ. Với thất bại của hệ máy Wii U và doanh số ngày một suy giảm của các máy DS (bao gồm 3DS, 3DS XL, 2DS, New Nintendo 3DS và New 3DS XL), trong suốt 3 năm tài chính trước đó, Nintendo đã chịu lỗ tới 4-500 triệu USD mỗi năm.

Nintendo đã quá phụ thuộc vào dòng máy DS. Doanh số DS đã luôn đạt mức hàng chục triệu máy nỗi năm, nhưng với sự phát triển vượt bậc của smartphone và tablet, vị trí của 3DS cũng như đối thủ PlayStation Vita cũng ngày một mờ nhạt dần. Vào đầu năm 2014, doanh số 3DS tuột xuống dưới mức 1 triệu máy trong một quý.

Sony đã sớm nhận ra điều này, và thành công của PlayStation 4 cho phép gã khổng lồ Nhật Bản có thể gần như từ bỏ hoàn toàn Vita mà vẫn giữ được lãi khủng trên mảng game (tuyên bố chính thức vào tháng 10 vừa qua cho biết Sony đã ngừng phát triển game cho Vita, trong khi các đối tác độc lập đã làm điều này từ trước đó rất lâu). Nhưng, do đã thất bại thảm hại trên mặt trận console cỡ lớn, Nintendo lại chọn cách phụ thuộc vào máy chơi game cầm tay.

Đáng tiếc là sự phổ biến của smartphone đã diễn ra quá nhanh, và những chiếc điện thoại này cũng đã được cập nhật sức mạnh phần cứng một cách đều đặn để trở nên ngang ngửa với các máy chơi game "nghiêm túc" về mặt đồ họa chỉ trong vòng vài năm. Xét cho cùng, dù cho game trên smartphone vẫn chưa đạt tới mức chất lượng như game trên các hệ console cầm tay, về mặt tính năng những chiếc điện thoại thông minh không hề thua kém 3DS hay Vita. Thêm nữa, trong khi gần như tất cả mọi người đều sẽ mua smartphone, không phải ai cũng sẵn lòng bỏ tiền ra mua game console. Và rất nhiều người khi đã có sẵn một thiết bị di động có thể chơi game như smartphone sẽ không còn gắn bó với 3DS hay Vita nữa.

Đến tận giữa năm 2015, Nintendo mới đưa ra quyết định mà lẽ ra hãng này đã nên thực hiện từ lâu: bước chân lên mảng game di động. Dù sự khác biệt về chất lượng vẫn tồn tại, nhưng các tựa game của Nintendo thực chất lại mang cùng một bản chất với game di động: khá dễ chơi nhưng vẫn rất gây nghiện. Không khó để nhận ra rằng, nếu xuất hiện trên smartphone và tablet, những thương hiệu được yêu quý như Pokemon hay Mario chắc chắn sẽ thu hút được cả những fan "cuồng" của Nintendo lẫn những người chưa từng có ý định bỏ tiền ra mua Wii U hay 3DS. Những khoản doanh thu hàng tỷ USD mà Rovio hay King đã đạt được đã có thể là của Nintendo, nếu như huyền thoại Nhật Bản này không quá cố chấp ở lại với mảng thiết bị game.

Lịch sử đã luôn chứng minh rằng kinh doanh phần mềm sẽ luôn bền vững hơn kinh doanh phần cứng. Ví dụ: Microsoft vẫn còn là ông lớn, nhưng IBM thì không. Nintendo có thể lo ngại về việc không còn nắm giữ nền tảng chơi game, nhưng thành công của Steam hay Origins cho thấy việc tạo ra một nền tảng chơi game trên hệ điều hành của đối thủ vẫn là hoàn toàn có thể. Nintendo đã vì quá cố chấp với phần cứng mà chậm chân trên phần mềm. Giờ là lúc gã khổng lồ Nhật Bản phải sửa sai để tiếp tục tồn tại.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google