Với chủ đề "You Can Make It" (Bạn cũng làm được), các lãnh đạo của FPT đã chia sẻ với sinh viên về giai đoạn mới vào nghề bỡ ngỡ nhưng đầy đam mê.

Nhằm khuyến khích sinh viên tự tin và mạnh dạn đi theo con đường trở thành kỹ sư CNTT, Tập đoàn FPT đã phối hợp cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức chương trình FPT CEO Talk với chủ đề "You Can Make It", thu hút gần 700 sinh viên tham gia, vào cuối tuần qua.

Ông Lê Hồng Hải, cựu sinh viên khóa 1 khoa CNTT của Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT), hiện là Phó Giám đốc Đơn vị phần mềm chiến lược số một (FSU1) thuộc FPT Software. Ông cho biết mình cũng từng trải qua những cảm xúc giống như bao sinh viên khác: "liều" thi vào PTIT nhưng nghĩ là sẽ trượt vì phải 27/30 điểm mới đỗ. Sau khi đỗ thì lại lo không biết ra trường có việc làm không, các bưu điện có nhận không...

"Sau khi ra trường, tôi làm ở một số công ty nhỏ rồi vào FPT Software. Ngày đầu tiên, tôi thực sự sốc khi nghe các anh chị đi làm việc tại Anh về kể chuyện công việc, cuộc sống ở nước ngoài, nghe mọi người trao đổi với khách hàng qua Skype bằng tiếng Anh 'như gió'. Lúc đó, tôi cũng lo liệu mình làm được không vì tiếng Anh không tốt lắm. Khi sếp yêu cầu viết báo cáo tiếng Anh, tôi phải mất đến 2 ngày nên đã quyết tâm mỗi ngày dành một tiếng để học ngoại ngữ", ông Hải kể lại.

Ông Hải đặt mục tiêu sau 3 năm đi làm phải được cử đi nước ngoài, sau 5 năm trở thành quản lý dự án. "Dù có vẻ hơi liều, nhưng cách tôi đạt được là chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ theo khung thời gian sáu tháng đến một năm và hoàn thành mọi công việc được giao. Giao gì cũng làm", ông Hải nói. Nhờ vậy, chỉ sau một năm rưỡi gia nhập FPT, ông đã là một trong ba người xuất sắc tham gia phỏng vấn với khách hàng để sang Anh làm việc.

sep-fpt-chia-se-ve-nhung-ngay-dau-den-voi-nghe-lap-trinh

Các "sếp" thuộc thế hệ 7x của FPT chia sẻ với sinh viên Học viện Bưu chính Viễn Thông.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm phần mềm số 2 (BU2) của FPT Software, chia sẻ vui rằng động lực để ông thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông không phải độ "hot" của trường mà vì thấy bác hàng xóm làm nghề đưa thư xây được nhà ba tầng nên tin rằng học PTIT cũng giúp mình được như thế. Đồng quan điểm với Lê Hồng Hải, ông Hưng cho rằng các sinh viên muốn thành công cần học tốt ngoại ngữ, sự tự tin, học thêm các kỹ năng mềm và cách xử lý các tình huống trong cuộc sống như thế nào.

Ông Trần Xuân Khôi, Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực FPT Software, lại nhấn mạnh về cơ hội "không giới hạn" của các kỹ sư CNTT Việt Nam tại Nhật. Doanh số FPT Software năm 2015 đạt 181 triệu USD thì có đến 90 triệu USD là từ thị trường Nhật. "Nhật Bản đang thiếu nhân lực CNTT và họ cần tới 60.000 người làm CNTT tính đến năm 2020. Họ xác định Việt Nam và Ấn Độ là hai thị trường cung cấp nhân lực chính và FPT đang tận dụng cơ hội này nhưng lại thiếu người để đưa sang Nhật", ông Khôi cho biết. "Nhật Bản có điểm hay là không đòi hỏi bạn phải là siêu nhân, họ chấp nhận người có kinh nghiệm vừa phải. Chỉ cần biết tiếng Nhật từ khi còn học trong trường thì cơ hội sang Nhật thật sự sáng".

FPT Software hiện có hơn 9.000 người làm việc tại Việt Nam và các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đức, Slovakia, Pháp, Anh, Hàn Quốc... Dự kiến, trong 3 năm tới, FPT Software cần tuyển mới 10.000 nhân lực và 50% trong số đó là sinh viên các ngành CNTT và ngoại ngữ mới ra trường.

FPT CEO Talk tại PTIT là sự kiện thứ 14 của chuỗi chương trình giao lưu giữa FPT và sinh viên.

FPT CEO Talk tại PTIT là sự kiện thứ 14 của chuỗi chương trình giao lưu giữa FPT và sinh viên.

Chương trình FPT CEO Talk muốn khích lệ sinh viên chấp nhận thử thách, nỗ lực theo đuổi đam mê để sớm đạt được thành công như những diễn giả của sự kiện. FPT CEO Talk tại PTIT là sự kiện thứ 14 của chuỗi chương trình giao lưu giữa lãnh đạo, các nhà quản lý trẻ của Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc.

Châu An

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google