Dựng iPhone và những điều bạn còn chưa biết.
Với những người dùng yêu công nghệ, đặc biệt là những ai đã và đang yêu thích iPhone, thuật ngữ "iPhone dựng" hẳn đã không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, để mắt thấy, tai nghe quá trình cho ra lò một chiếc "iPhone dựng" thì đây lại là câu chuyện khá mới mẻ. Vào ngày hôm qua,câu chuyện đó đã được vén màn bí mật.
Nhưng phải khẳng định, quá trình dựng lại chỉ xuất hiện tại Trung Quốc, do chính các tay thợ nước này tạo nên. Ngay khi những hình ảnh này được công bố, cộng đồng người dùng Việt Nam đã chia thành 2 thái cực khác nhau, với hàng ngàn những bình luận trái chiều.
Một phía trầm trồ khen ngợi người thợ dựng được chiếc iPhone này có tay nghề cao. Một phía lại dè bỉu, và tỏ ra quan ngại với tình trạng dựng iPhone một cách tinh vi, tỉ mỉ, biến cũ thành mới hết sức vi diệu. Đúng. Công bằng mà nói, để dựng được một chiếc iPhone từ nát bươm thành mới cứng là cả một quá trình rèn luyện.
Dựng iPhone theo kiểu Trung Quốc, Việt Nam cũng làm được.
Chứng tỏ một điều, họ có đầu tư và trình độ. Ở một góc nhìn khác, bản thân tôi đã tự hỏi, phải chăng, chỉ thợ sửa chữa Trung Quốc mới đủ trình độ tạo ra những chiếc iPhone như vậy? Liệu tình trạng dựng iPhone từ A tới Z có đang diễn ra tại Việt Nam? Làm cách nào để phòng tránh những chiếc iPhone đã dựng này?
Người ta thường nói, đi mua iPhone bây giờ cứ phải đi với thợ. Thật giả trắng đen ra sao chỉ có thợ sửa iPhone mới biết. May mắn là tôi có quen một anh thợ như vậy. Để giải đáp những câu hỏi vẫn luôn quẩn quanh trong đầu, tôi đã phải cầu cạnh tới ông anh. Và tôi dường như đã hiểu được điều gì đó!
Đừng vội thán phục người Trung Quốc, thợ Việt Nam cũng dựng được iPhone từ nát bươm thành mới tinh
Anh à, hôm qua em thấy thợ Trung Quốc "dựng iPhone" vi diệu quá. Họ làm từ A tới Z, hàn từng chân vi mạch, IC cho tới vỏ, màn hình. Vậy cỡ như anh, hoặc thợ sửa chữa iPhone tại Việt Nam nói chung có làm được không?
Thế này nhé, dựng hay không dựng là tùy vào mục đích của thợ thôi. Người xấu thì họ dựng iPhone để bán kiếm chác, ăn chênh lệch, mua gian, bán lận. Người tốt thì họ dựng iPhone để sửa máy cho khách, cứu những chiếc iPhone có nguy cơ một đi chẳng trở lại. Còn anh, anh không nhận tốt xấu đâu.
Riêng với vụ hôm qua mà báo đài đưa tin rầm rộ, anh chỉ nói thế này. Dựng iPhone như thợ Trung Quốc đúng là dựng, nghĩa là họ làm từ những thứ nhỏ nhất, tới những thứ như màn hình, vỏ máy. Điều này yêu cầu rất nhiều linh kiện, máy móc cũng như tay nghề. Công nhận là họ giỏi, họ có trình độ thật.
Nhưng thợ Việt Nam cũng chẳng phải dạng vừa đâu. Những tay cao thủ vẫn dựng nhoay nhoáy, thậm chí là trình độ chẳng hề kém ai. Nhưng ở Việt Nam, người ta không làm vậy là có lý do. Nguồn cung linh kiện này, thời gian này, công sức. Nói cách khác, dân ta làm được y chang vậy, nhưng "chảnh" không làm thôi.
Nhà chẳng có gì ngoài main iPhone tính theo cân.
Sao lại chảnh nhỉ? Dựng vậy là quá giỏi còn gì, sao giới thợ Việt Nam không làm?
Ấy chết, chảnh là nhỡ mồm. Nói vậy chưa đúng, vấn đề tại sao thợ Việt Nam không dựng như Trung Quốc, anh sẽ bàn sau. Cứ giải thích đơn giản như này. Tại Trung Quốc, người ta dựng từ đầu tới cuối, chẳng chừa lại công đoạn nào là không dám làm. Họ là công xưởng thế giới, cái gì chẳng có, họ dựng từ iPhone 4 kìa.
Còn ở Việt Nam, chúng ta chỉ gọi là mông má thôi. Nghĩa là giới thợ Việt Nam không dựng nhiều thành phần như họ. Ở Trung Quốc, người ta dựng từ "main trắng", nghĩa là main chưa có linh kiện gì. Trong khi tại Việt Nam, chủ yếu là nhấc linh kiện này từ main hỏng sang main cần dựng. Thay ít linh kiện hơn.
Phần lớn, những thứ được thay thế trên iPhone dựng ở Việt Nam chỉ quanh quẩn như: vi xử lý (như iPhone 6 là chip A8), ổ cứng, baseband và EEPROM. Sở dĩ luôn cần tới 4 cụm linh kiện quan trọng này là bởi chúng đi cùng IMEI với máy. Thiếu một thứ là coi như vứt đi toàn bộ.
Sự kì công, tỉ mỉ và tập trung thì người Trung Quốc khoe hết rồi. Dù làm ít hay nhiều cũng cần tay nghề cao, không phải cứ dựng là dựng được. Tại Việt Nam, dựng iPhone chủ yếu là để sửa máy mất iCloud, hoàn toàn chính đáng thôi. Còn máy dựng mà người ta sợ là máy nhập về từ Trung Quốc kia?
Em tưởng, cùng là dựng thì đáng sợ như nhau chứ nhỉ? Lại còn chia làm chính đáng với không chính đáng à?
Chuẩn. Không thể đánh đồng hai khái niệm này. Dựng iPhone như ở Việt Nam, chủ yếu là để sửa máy cho khách, vì đã thay là thay cả cụm. Dựng theo cách này đỡ được cái không cần tháo nhiều linh kiện, IC ở đâu giữ nguyên chỗ đó. Như em đi xe máy, thì dựng iPhone ở Việt Nam chỉ là thay thế phụ tùng thôi.
Lấy linh kiện ở main đã hỏng, gãy này lắp vào main cần sửa chữa. Linh kiện vẫn tốt, vẫn chạy bình thường, vẫn được dùng hàng chính thống. Còn dựng theo kiểu Trung Quốc là như chúng ta đi phải cái xe Dream đã bị "bổ máy" vậy. Hên xui là chính, mà tuổi thọ chẳng còn cao. iPhone có thể nghẻo bất cứ lúc nào.
Nguồn linh kiện của họ cũng không rõ ràng. Nên nói đúng ra, iPhone mà Việt Nam dựng lại có tuổi thọ cao hơn, do bớt can thiệp vào phần cứng nhiều hơn. Còn nếu muốn biết tại sao, giới thợ Việt Nam không dựng như iPhone ở Trung Quốc, mai lại tới gặp anh. Anh sẽ chỉ cho thêm!
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét