Yukako Fukushima đã dành hơn 1 thập kỷ để giúp đỡ các cựu thành viên băng đảng xã hội đen Nhật Bản phục hồi và tái hòa nhập với cộng đồng.
Trong những năm 90, khi Mike trông thấy quảng cáo trên báo về một phòng khám có khả năng làm ngón tay giả ông đã nghĩ rằng đó chỉ là một quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, cựu thành viên băng đảng yakuza vẫn tới đó để tìm kiếm sự tư vấn. Trong gần một thập kỷ, ngón tay út bị cắt một đốt trên bàn tay trái của ông, thứ đánh dấu lòng trung thành của ông với thế giới tội phạm trước đây, đã ngăn cản ông tái hòa nhập cộng đồng, trở về cuộc sống bình thường.
Một ngón tay giả, ông nghĩ, có thể sẽ giúp ông giải quyết vấn đề. Nó khiến ông che dấu được quá khứ và giúp xóa bỏ thành kiến của xã hội Nhật với những người đã từng gia nhập yakuza nhưng đang tìm cách hoàn lương như ông.
"Tôi không dám chắc phương pháp này sẽ có hiệu quả nhưng tôi thực sự muốn gặp mọi người mà không phải lo nghĩ về việc họ nhìn tôi như thế nào", Mike nói.
Phương thức trừng phạt man rợ
"Yubitsume", cắt ngón tay, là một hình thức tự phạt được thực hiện bởi các thành viên băng đảng mafia Nhật Bản, hay còn gọi là yakuza, để chuộc lỗi. Hình phạt man rợ này được thực hiện lần đầu vào năm 1700 khi một con bạc có tên Bakuto chấp nhận cắt ngón tay của người khác để trừ nợ. Ngón út trên bàn tay trái được chọn bởi một người bị cắt ngón út trên bàn tay trái không thể cầm chắc thanh kiếm katana nên sẽ yếu đi trong các cuộc đấu kiếm.
Trong thế kỷ 20, các tổ chức yakuza áp dụng phương thức trừng phạt này. Khi các thành viên cấp thấp vi phạm những điều luật gây ảnh hưởng tới danh dự của một yakuza và được coi là bị trừng phạt bởi thành viên cấp cao hơn, họ sẽ tự chặt đứt một đốt trên ngón tay út của bàn tay trái. Một cuộc điều tra của chính phủ Nhật vào năm 1993 cho thấy 45% thành viên yakuza bị mất một đốt ngón tay và ít nhất 15% phải trải qua hình phạt này đôi lần. Phần ngón tay bị cắt ra sẽ được trình lên oyabun (ông trùm) của tổ chức và được bọc trong vải nhằm bày tỏ sự ăn năn. Nếu tiếp tục vi phạm, những yakuza này sẽ phải chặt tiếp ngón tay út trên bàn tay phải hoặc tự sát.
Trong những năm gần đây, tổ chức yakuza với nhiều băng nhóm tội phạm tham gia cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy và mại dâm đã bị đàn áp nghiêm ngặt. Số lượng thành viên giảm khiến lượng người bị trừng phạt yubitsume cũng giảm theo. Nhưng tại một đất nước kỳ thị mạnh mẽ với những tổ chức tội phạm như Nhật Bản, những người đã bị cắt ngón tay sẽ phải sống cả đời với quá khứ nhúng chàm của họ. Do đó, một ngón tay giả sẽ giúp họ rất nhiều trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Người phụ nữ tài năng
Mike, người không muốn dùng tên thật, chia sẻ rằng ông không biết những gì đang chờ mình ở phòng khám. Ông tưởng tượng mình có thể sẽ phải làm việc với một loạt nhân viên đeo băng đỏ như những lần ông đi làm giấy tờ tại văn phòng thành phố ở Osaka. Thay vào đó, ông nghe tiếng la hét vọng ra từ tòa nhà và rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ rất trẻ chào đón mình.
Người phụ nữ này có tên Yukako Fukushima, một chuyên gia sản xuất chân tay giả. Ngoài công việc thường xuyên của mình là chế tạo chân tay giả, cô đã dành hơn một thập kỷ để chế tạo hàng trăm ngón tay giả cho các cựu thành viên yakuza muốn bỏ cuộc đời giang hồ lại phía sau và tìm kiếm việc làm ổn định. Thông thường, một ngón tay giả của Fukushima có giá 1.490 USD nhưng cô cũng giảm giá cho những cựu yakuza có hoàn cảnh khó khăn.
Fukushima, 30 tuổi, là một phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười tươi và lớn tiếng. Cô sinh ra ở Osaka, một tỉnh miền nam Nhật Bản. Khu vực này là đại bản doanh của Yamaguchi gumi, tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản. Hai mươi năm trước, ở thời điểm bùng nổ kinh tế của Nhật Bản phát triển tới đỉnh cao, các tập đoàn yakuza trên khắp đất Nhật hoạt động tích cực hơn. Các vụ xung đột thường xảy ra ở gần phòng khám đầu tiên của Fukushima tại thị trấn Tezukayama, nơi cô bắt đầu sự nghiệp như một chuyên gia sản xuất chân tay giả.
"Có lần họ còn ném thuốc nổ vào nhà ai đó gần nơi tôi sống", Fukushima nói.
Khi còn thiếu niên, Fukushima đã quan tâm tới nghệ thuật và điêu khắc và cô tự học kỹ thuật chế tạo chân tay giả. Cô phát hiện ra nghề này một cách tình cờ khi vào một ngày hè cô nhìn thấy một người đàn ông trùm kín người bằng một tấm chăn lớn trong một phòng khám mà cô theo học.
"Tôi còn trẻ nên chẳng biết gì và ngay lập tức hỏi ông ấy tại sao lại trùm kín người trong trời nắng như vậy", Fukushima nói. Người đàn ông đã chỉ cho cô thấy những vết bỏng nặng khiến toàn thân và khuôn mặt của ông ta bị sẹo. Thậm chí tai của ông cũng không còn. Fukushima quyết định làm điều gì đó để giúp đỡ. Cô đã làm một đôi tai giả để người đàn ông này gắn vào vị trí trước kia vốn là đôi tai của anh. Nhờ vậy, ông ta có thể đeo một chiếc khẩu trang che phần dưới của khuôn mặt, không cần trùm chiếc chăn lớn.
Tài năng của Fukushima nhanh chóng được khẳng định và cô đã làm các bộ phận cơ thể giả cho nhiều người khác, bao gồm cả các yakuza. Nhờ đọc rất nhiều sách và nghiên cứu về mỹ phẩm nên cô có thể chế tạo bộ phận giả giống thật như đúc.
"Tôi đã tự học cách chế tạo bộ phận giả từ khi tôi mới 21 tuổi. Khi đó chúng tôi vẫn chưa có Internet nên chưa thể tìm kiếm thông tin về chân tay giả. Tôi nghĩ chính khách hàng là những giáo viên của tôi", Fukushima chia sẻ. Cô sẵn sàng chê tạo tay giả cho cựu thành viên yakuza vào đầu những năm 1990 bất chấp sự kỳ thị xung quanh họ.
"Tôi chẳng nghĩ gì, chỉ hành động vì cảm thấy rằng họ cần sự giúp đỡ của tôi".
Một yakuza điển hình
Hơn một thập kỷ sau lần đầu gặp Fukushima, Mike giờ đây ngồi trầm lặng sau cốc cà phê tại xưởng sản xuất bộ phận giả có tên Kobo Arte Kawamura Gishi của cô để chia sẻ về cuộc đời yakuza của ông. Các bộ phận cơ thể giả nằm rải rác khắp văn phòng giấu mình trên một con phố nhỏ gần khu chợ sôi động ở thành phố Osaka.
"Lúc đó, tôi tự hỏi mình tại sao cô ấy lại tỏ ra tức giận", Mike chia sẻ và quay sang nhìn Fukushima. "Tôi sợ mình lại vướng vào một rắc rối khác".
Vào thời điểm đó, hầu hết những khách hàng cựu yakuza của Fukushima đều nghĩ rằng cô kinh doanh mờ ám để lừa gạt họ.
"Lúc ấy không có nhiều phụ nữ làm nghề này và tôi đoán rằng họ không nghĩ sẽ được điều trị bởi một phụ nữ", Fukushima nói với nụ cười chân thành. "Tôi chẳng tức giận gì hết. Tôi vốn "ăn to nói lớn" và thường nói thẳng những gì mình nghĩ".
Kể từ khi nhận ngón tay út giả đầu tiên từ Fukushima lúc 32 tuổi tới nay, Mike đã theo cô chuyển phòng khám mới tới ba lần. Hàng năm, vào tháng 12, Mike tới phòng khám của cô để bảo dưỡng những nếp nhăn và móng tay của ngón tay giả. Hai người cũng tận dụng khoảng thời gian này để trao đổi tin tức về cuộc sống của những người khác.
Mike chỉ 20 khi ông gia nhập yakuza. Ông biết rất ít về cuộc sống băng đảng và bị sốc khi thấy hình ảnh và danh tiếng thực sự của họ. Chỉ ba năm sau, ông quyết định rời bỏ tổ chức. Vì vậy, ông đã để lại đốt ngón tay của mình, được một người bạn cắt giúp, để chuộc tội phá vỡ lời hứa trung thành với tổ chức. Thông thường, các yakuza phải tự cắt ngón tay nhưng đôi khi họ yêu cầu người khác giúp đỡ. Mike từ chối tiết lộ chi tiết vụ cắt ngón tay nhưng ông chia sẻ rằng không ai ra lệnh cho ông cắt đốt ngón tay. Có một áp lực vô hình thôi thúc anh làm như vậy.
"Nó không hề đau", anh nói.
Xây dựng lại cuộc đời
"Tôi muốn làm việc và sống một cuộc sống bình thường. Tôi biết rằng tôi không thể đạt được mong muốn trên nếu tôi không còn ngón tay út", Mike chia sẻ.
Tuy vậy, con đường hoàn lương cho các cựu yakuza mất ngón tay như Mike không hề bằng phẳng. Do không tìm thấy việc làm, Mike đã tham gia một tổ chức cánh hữu của Nhật Bản và dành phần lớn thời gian còn lại của độ tuổi 20 cho việc la hét các khẩu hiệu và thuyết phục mọi người chú ý tới các tư tưởng cực đoan.
Dưới ánh sáng nhẹ trong phòng khám của Fukushima, chỉ nhìn kỹ bạn mới phát hiện ra ngón tay út của Mike là giả. Fukushima thiết kế các bộ phận giả một cách chính xác với nhu cầu và màu da của từng khách hàng. Các cựu yakuza cần ngón tay giả khi đi phỏng vấn hoặc tham gia các bữa tiệc. Mỗi một loại sự kiện sẽ có một màu ngón tay khác nhau để phù hợp với màu của các ngón tay khác trên cả bàn tay.
Mỗi khách hàng của Fukushima đều được tham vấn, họp để quyết định kích thước, tông màu da cho ngón tay giả trước khi nó được đúc và nhuộm màu. Fukushima không tiết lộ các vật liệu mà cô đã sử dụng nhưng cô cho biết cô sử dụng ba màu đỏ, xanh và vàng để tạo ra hơn 1.000 tông màu da khác nhau. Ngón tay giả sẽ được hoàn thành trong vòng hai tháng. Mọi khách hàng đều phải chờ tới lượt, không ai được ưu tiên. Fukushima cũng không nhận hối lộ để ưu tiên bất cứ ai.
Mike có hai bộ ngón tay giả, một bộ có màu nhẹ cho mùa đông và một bộ màu rám nắng cho mùa hè.
Vượt qua định kiến
Khi Fukushima bắt đầu làm các bộ phận giả cho mọi người cô không hề mong các cựu yakuza sẽ trở thành nguồn khách quen, ổn định của mình. Cô là một trong những người đầu tiên cung cấp dịch vụ làm các bộ phận giả. Cô cũng là phụ nữ duy nhất dám dấn thân vào một nghề vốn được thống trị bởi nam giới.
Mặc dù xã hội Nhật định kiến rất sâu với các yakuza nhưng cô vẫn không ngần ngại điều trị cho họ. Tuy nhiên, lúc mới điều trị cho các cựu yakuza cô cũng gặp đôi chút khó khăn.
"Mọi người luôn nghĩ rằng các yakuza rất giàu có. Thậm chí tôi còn cho rằng họ có rất nhiều tiền trong ví", Fukushima nói. "Tuy nhiên, đôi khi có những khách hàng không thể thanh toán hoặc bỏ đi sau khi tôi điều trị cho họ. Điều này khiến tôi khó chịu và tôi đã hỏi họ lý do tại sao không trả tiền trong khi họ được điều trị tương tự như các bệnh nhân khác".
Cô khám phá ra rằng nhiều cựu yakuza khách hàng của cô đã mất toàn bộ tài sản sau khi rời bỏ tổ chức và không thể tìm thấy việc làm do bàn tay không còn nguyên vẹn.
"Vào thời điểm đó, ít người biết rằng các cựu yakuza rời bỏ tổ chức không có nhà ở và thường bị săn đuổi bởi các thành viên băng đảng khác. Điều này khiến họ gặp khó trong việc xây dựng lại cuộc sống", Fukushima nói. Cô còn chia sẻ thêm rằng các chủ doanh nghiệp thường không muốn thuê một cựu yakuza do lo ngại vấn đề bạo lực hoặc sợ làm mất lòng khách hàng.
Trong những năm đầu thập kỷ 90, khi Fukushima bắt đầu làm ngón tay giả cho các cựu yakuza không có các chính sách hỗ trợ hoàn lương cho các đối tượng này. Gần đây xã hội Nhật mới tỏ ra thương xót cho các cựu yakuza và ban đầu Fukushima còn bị điều tra bởi cảnh sát địa phương bởi họ nghi ngờ cô thông đồng với các tổ chức tội phạm. Tình trạng trên được cải thiện khi Đạo loạt Anti-Bouryokudan có hiệu lược vào tháng 3/1992 và cảnh sát Osaka đã thành lập một hội đồng hỗ trợ cựu yakuza trong tháng 12/2012.
Có một sự khác biệt, theo Fukushima, giữa phản ứng của công chúng đối với những người cố tình gây tổn thương cho bản thân và những người bị chấn thương do hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của họ. "Nếu bạn bị mất ngón tay do tai nạn, xã hội sẽ tỏ ra xót thương bạn. Nhưng nếu bạn tự cắt ngón tay của mình thì chẳng ai xót thương bởi đó là quyết định của bạn. Những cựu yakuza tới phóng khám của tôi làm ngón tay giả vì những người khác trong khi những người mất ngón tay trong tai nạn thì làm ngón tay giả cho chính mình", Fukushima giải thích. "Đó là sự khác biệt chính giữa tình cảm của con người và xã hội, giữa các khái niệm về sự sợ hãi và lòng từ bi".
Fukushima thừa nhận rằng việc làm các ngón tay giả không giúp các cựu yakuza tránh xa đời sống tội phạm. Tuy vậy, nó tạo ra các điều kiện để họ có thể hòa nhập vào xã hội và nỗ lực xây dựng lại cuộc sống của họ. Vì vậy, cô đã giảm giá bán các ngón tay giả và cho phép khách hàng trả góp theo tháng khi họ có việc làm.
Nỗ lực được đền đáp
Năm 2014, Fukushima được văn phòng bình đẳng giới của chính phủ Nhật Bản ban tặng giải thưởng Women's Challenge Award cho những nỗ lực giúp đỡ các cựu yakuza tái hòa nhập cộng đồng của cô. Từ khi nhận được giải thưởng này, dư luận và gia đình cô đã có những phản ứng tốt với công việc mà cô đang làm.
"Cha mẹ, bạn bè và ngay cả người đàn ông mà tôi hẹn hò đều thương tôi. Chúng tôi đã định ngày cưới nhưng anh ấy không chấp nhận nổi công việc của tôi vì vậy chúng tôi đã chia tay", cô nói. "Bây giờ họ đã hiểu hơn về công việc mà tôi đã làm".
Hiện Fukushima đã tìm được người chồng lý tưởng và có một gia đình nhỏ hạnh phúc với một cậu con trai kháu khỉnh.
Mọi thứ không bao giờ xuôn xẻ. Trong suốt sự nghiệp của mình, Fukushima đã phải đối mặt với những khách hàng yakuza khó chịu khi họ giận dữ, dọa nạt cô. Một số người cố gắng trả thêm tiền để có thể lấy ngón tay giả nhanh hơn nhưng cô không phá vỡ nguyên tắc của mình.
Qua nhiều năm Fukushima đã giúp đỡ nhiều cựu yakuza rời bỏ tổ chức thành công. Cô cũng rất buồn nếu không thể giúp một ai đó.
"Có một người đàn ông tới gặp tôi kể rằng ông muốn kết hôn với người con gái anh yêu. Ông muốn xóa sạch quá khứ yakuza của mình trước mặt bố mẹ vợ chưa cưới", Fukushima nói. "Vài tháng sau ông ta gọi cho tôi và báo rằng hôn ước của họ đã bị hủy và cha mẹ vợ chưa cưới bắt người yêu ông ta phải phá thai".
Với sự giúp đỡ của Mike và một mạng lưới các cựu yakuza khác, Fukushima đã giới thiệu những người mới rời bỏ tổ chức gần đây tới mạng lưới hỗ trợ để họ tìm được những lời khuyên cũng như công việc.
Dẫu vậy, con đường hoàn lương thẳng và hẹp, không có chỗ cho tất cả mọi người. Một số cựu yakuza lại quay về với cuộc sống tội phạm. Đôi khi, Fukushima nhận được thư của khách hàng cũ gửi từ trong tù ra để xin lỗi cô vì những sai lầm của họ.
"Thật khó để làm đúng 100% mọi việc nhưng nếu bạn có thể giúp một người sau đó người đó có thể tìm được gia đình hoặc tìm thấy hạnh phúc", Fukushima nói. "Tôi sẽ tiếp tục làm việc dù chỉ một người dùng 1 trong số 10 ngón tay mà tôi làm ra để xây dựng lại cuộc đời".
Trong phòng khám Mike đang lắp ngón tay giả vào bàn tay.
"Tôi cảm thấy tự do hơn về mặt cảm xúc khi đeo ngón tay giả này", ông nói. "Tôi đeo nó mọi lúc, mọi nơi".
Mike quá gắn bó với các ngón tay giả và thường quên tháo chúng ra khiến chúng bị mòn khá nhanh. Ông giữ mẫu ngón tay giả đầu tiên mà Fukushima làm cho ông như một vật lưu niệm.
"Tôi vẫn giữ ngón tay giả đó", Mike cười. "Nhưng trông nó tệ lắm rồi".
Tham khảo Motherboard
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét