Mặc dù thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học vũ trụ giữa hai bên là hoàn toàn cần thiết và là nhu cầu của cả NASA lẫn CNSA, nhưng những vấn đề về chính sách từ phía Hoa Kỳ đã trở thành "rào cản" không cho thỏa thuận này trở thành hiện thực.

Trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết đình đám "Người về từ Sao Hỏa" (The Martian), NASA đã phóng lên không trung một tên lửa chứa đầy đồ cứu trợ để chi viện cho phi hành gia Mark Watney đang bị mắc kẹt trên Sao Hỏa.

Thế nhưng, không may thay, tên lửa lại nổ tung ngoài không gian, trong khi NASA không hề có phương án khác dự phòng cho tình huống này. Và thế là, chàng phi hành gia xấu số Watney, gần như cầm chắc kết cục chết dần chết mòn nơi hành tinh đỏ.

Vào thời điểm này, trung tâm vũ trụ của Trung Quốc bất ngờ đưa ra một phương án tình thế cho NASA - đó là sử dụng tàu thám hiểm Taiyang Shen. Thông qua một thỏa thuận đầy lịch thiệp giữa các nhà khoa học, nước Mỹ đã nắm được cơ hội để một lần nữa, có thể cứu mạng Watney.

Thỏa thuận hợp tác tưởng chừng như "không thể diễn ra" giữa hai quốc gia đang là kình địch của nhau, luôn là một ý tưởng hay được các nhà văn, nhà làm phim khai thác. Nhưng trong thực tế, liệu điều này có khả thi?

Theo như nhà vật lý thiên văn Neil de Grasse Tyson chia sẻ trên Twitter cá nhân của mình:

Bằng chứng chứng minh phim The Martian hoàn toàn là hư cấu: Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong lĩnh vực vũ trụ

Bằng chứng chứng minh phim The Martian hoàn toàn là "hư cấu": Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong lĩnh vực vũ trụ

Trên thực tế, đúng là vào thời điểm hiện tại, thì suy nghĩ của ông Tyson hoàn toàn có cơ sở.

Nguyên nhân là bởi, vào năm 2011, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật mà trong đó "cấm tiệt" NASA hợp tác với Trung Quốc - lấy lý do lo ngại các hoạt động gián điệp.

Hơn nữa, những định kiến của các nhà lập pháp Mỹ đối với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không thể nào thay đổi được trong một sớm một chiều.

Một báo cáo được trường Đại học California thực hiện vào năm 2015, mang tên "Giấc mơ Trung Hoa, giấc mơ vũ trụ" đã đi đến kết luận rằng: "Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc sử dụng các chương trình vũ trụ để biến quốc gia này trở thành một cường quốc, cả về kinh tế, quân sự lẫn kỹ thuật, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ, đồng thời tổn hại tới nhiều lợi ích quốc gia khác".

Nhìn chung, nếu muốn xóa bỏ định kiến này để tạo nên một thỏa thuận hợp tác giữa NASA và CNSA (Trung tâm vũ trụ quốc gia Trung Quốc), cần tới sự thay đổi chính sách gần như toàn diện từ phía Hoa Kỳ.

Trong lịch sử, dự án hợp tác lớn nhất mà NASA đã từng tham gia là Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Trạm vũ trụ này được dựng lên và bảo dưỡng bởi Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản, và Canada. Còn Trung Quốc, hoàn toàn không được phép "nhúng tay" vào dự án này.

Nhưng, điều này đối với Trung Quốc có vẻ không phải là trở ngại gì lớn lắm. Kể từ khi được thành lập vào năm 1993, cho đến nay quốc gia này đã đưa được tổng cộng 10 người, cùng một trạm vũ trụ nhỏ lên trên quỹ đạo, cũng như thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ không gian khác.

Tên lửa Trung Quốc đưa tàu Thần Châu-10 vào trong không gian

Tên lửa Trung Quốc đưa tàu Thần Châu-10 vào trong không gian

Đương nhiên, những thành tựu vũ trụ của Trung Hoa cũng dần dần "lọt vào mắt xanh" của NASA. Vì lẽ đó, rất nhiều lần, chủ đề hợp tác Mỹ - Trung được đưa ra trước Nhà Trắng để xem xét. Thế nhưng, theo lời chuyên gia chính sách John Logsdon, để có thể đạt được thỏa thuận hợp tác nói trên đòi hỏi một "cuộc chiến" về mặt chính sách hết đỗi dài hơi.

"Bước đầu tiên cần tới những phiên làm việc giữa Nhà Trắng và lãnh đạo Quốc hội, để bãi bỏ lệnh cấm hợp tác Mỹ - Trung trong lĩnh vực vũ trụ. Sau đó, phía Mỹ mới có thể mời Trung Quốc cùng hợp tác với mình cũng như các quốc gia khác trong các hoạt động không gian, hướng tới mục tiêu lớn là đưa nhiều người hơn nữa vào vũ trụ" - ông Logsdon chia sẻ.

Trong tương lai, nếu mối quan hệ hợp tác Mỹ - Trung trở thành hiện thực, NASA sẽ còn đạt được nhiều lợi ích hơn nữa.

Điểm lại về lịch sử thám hiểm vũ trụ, Trung Quốc là quốc gia thứ 3 thành công trong việc tự mình đưa con người lên trên không gian, theo sau Nga và Mỹ. Kể từ đó đến nay, CNSA đã đạt được khá nhiều thành tựu.

Ba phi hành gia Trung Quốc (từ trái qua phải) - Vương Á Bình, Nhiếp Hải Thắng, và Trương Hiểu Quang

Ba phi hành gia Trung Quốc (từ trái qua phải) - Vương Á Bình, Nhiếp Hải Thắng, và Trương Hiểu Quang

Cách đây 2 năm, CNSA hạ cánh thành công một kính thiên văn cỡ nhỏ lên trên bề mặt mặt trăng. Kính thiên văn này hiện vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình là chụp những bức hình rõ nét của vũ trụ bao la. Cơ quan này cũng đang điều hành một phòng thí nghiệm không gian khác mang tên Thiên Cung 1, thử nghiệm công nghệ tên lửa mới, cũng như nung nấu tham vọng thăm dò nhiều tầng lớp đất đá của Mặt Trăng hơn nữa.

Bên cạnh những thành tựu về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực khám phá và thám hiểm vũ trụ của CNSA, một lý do khác để NASA hợp tác với Trung Quốc là lý do ngân sách. Những thỏa hợp tác quốc tế trở thành giải pháp cứu cánh cho các trung tâm nghiên cứu vũ trụ trong hoàn cảnh ngân sách liên tục bị cắt giảm. Tổng thống John F. Kennedy từng cam kết sẽ thực hiện thành công việc hạ cánh lên mặt trăng vào cuối thập niên 60 của thế kỉ trước, tuy nhiên đến khi Nixon lên nắm quyền, thì những thành tựu vũ trụ của Hoa Kỳ gần như "dậm chân tại chỗ".

Theo lời Logsdon trong một bài viết của NASA:

"Nixon từ chối tất cả những kế hoạch tham vọng hậu-Apollo của NASA, trong đó có cả việc nghiên cứu và phát triển một hệ thống trạm vũ trụ kích thước lớn để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên mặt trăng, hướng tới thám hiểm sao Hỏa vào thập niên 80. Vào thời điểm Nixon rời khỏi Nhà Trắng, ngân sách của NASA đã tụt xuống đáng kể, từ gần 4% tổng ngân sách liên bang xuống còn chưa đầy 1%".

Thậm chí, một số người còn tin rằng, nếu như NASA giữ nguyên tốc độ phát triển như những năm 60, thì đến giờ có lẽ Mỹ đã thành công trong việc đưa con người lên bề mặt sao Hỏa. Vậy nên, Mỹ cần phải hợp tác với các quốc gia khác, để bù lại quãng thời gian đã mất.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - dự án mà Mỹ hợp tác với rất nhiều quốc gia, trừ Trung Quốc

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS - dự án mà Mỹ hợp tác với rất nhiều quốc gia, trừ Trung Quốc

Ông Charles Bolden, giám đốc NASA còn viết trên blog cá nhân của mình rằng, những thỏa thuận hợp tác sẽ giúp con người đặt chân tới sao Hỏa:

Hành trình này không phải là thứ mà một người, một nhóm người, hay một tổ chức có thể đơn độc thực hiện [...] Nhiệm vụ vĩ đại này cần tới sự hợp tác quốc tế - tinh thần và sự đồng lòng được bộc lộ bởi hàng chục ngàn người trên khắp 15 quốc gia cùng chung tay tham gia vào dự án xây dựng, phát triển trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Trên thực tế, NASA mới vừa công bố một thỏa thuận hợp tác cùng Trung tâm Vũ trụ Israel, để hai bên cùng thực hiện các nhiệm vụ không gian, cũng như sử dụng chung các cơ sở nghiên cứu.

Phía Trung Quốc hiện cũng đang cần tìm kiếm các đồng sự quốc tế để cùng xây dựng thêm một trạm vũ trụ nữa vào năm 2020. Nhưng, luật pháp Mỹ ở thời điểm hiện tại vẫn ngăn cản NASA đáp trả lời kêu gọi này.

Nga sẽ chỉ hỗ trợ thêm 100 tỉ USD cho trạm vũ trụ tới năm 2024, và đây trở thành vấn đề lớn đối với Hoa Kỳ, bởi lẽ hiện tại mỗi khi NASA muốn đưa phi hành gia của mình vào không gian đều phải nhờ tới tên lửa của Nga. Vậy nên, khi Nga không còn tham gia nữa, thì tương lại của NASA trở nên hết sức mịt mờ. Cộng tác cùng Trung Quốc và các quốc gia khác nhằm mục tiêu xây dựng một trạm vũ trụ to hơn, hiện đại hơn, nơi mà các nhà khoa học hàng đầu thế giới hợp tác với nhau, bỗng chốc trở thành một phương án hết sức tuyệt vời.

Mô hình tàu Thần Châu-9 đáp cánh nơi trạm vũ trụ Thiên Cung-1

Mô hình tàu Thần Châu-9 đáp cánh nơi trạm vũ trụ Thiên Cung-1

Nếu điều này trở thánh sự thật, thì tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực không gian sẽ tăng lên đáng kể, do không còn cảnh "trạm vũ trụ này bắt chước trạm vũ trụ khác". Thay vào đó các quốc gia sẽ chung tay nghiên cứu những công nghệ mới, những thành tựu mới để đưa con người tiến gần với sao Hỏa hơn.

Về phía NASA và CNSA, rõ ràng cả hai bên đều đang rất muốn có thể thông qua được thỏa thuận hợp tác, bởi lẽ những đề xuất về vấn đề này đã được trình lên trước Nhà Trắng rất nhiều lần. Các nhà khoa học Mỹ cũng thẳng thắn chỉ trích những người làm luật trong quá khứ, do ngăn cản phía Trung Quốc tham gia các hội thảo về khoa học vũ trụ. Những vấn đề về chính trị không nên làm tổn hại đến quá trình phát triển khoa học, nhưng có vẻ như điều mà các nhà lập pháp quan tâm chỉ là an ninh quốc gia, cũng như bảo mật thông tin của phía Hoa Kỳ. Nhưng biết đâu được đấy, có thể khi hai trung tâm vũ trụ này cùng hợp tác với nhau, thì tình trạng "chiến tranh lạnh" giữa Mỹ - Trung sẽ được "rã đông".

Vào lúc này, Trung Quốc sẽ vấn tiếp tục mở rộng những hoạt động nghiên cứu và thám hiểm vũ trụ. Trừ khi bên phía Hoa Kỳ có những sự thay đổi lớn về chính sách, còn lại rất có thể trong tương lai, NASA sẽ phải "đứng ngoài" ngắm nhìn một kỷ nguyên mới của thám hiểm vũ trụ được mở ra.

Tham khảo TechInsider

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
ThếGiớiCôngNghệ.com © 2013. All Rights Reserved. Share on Google Template Free Download. Powered by Google