Uber Hà Lan không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Vậy bằng cách nào có thể thu được thuế của đối tượng doanh nghiệp này?
Thu thuế Uber là một vấn đề nhức nhối và đau đầu của những người làm quản lý Việt Nam. Trong một thông tin mới đây nhất, mỗi ngày Uber chuyển 1 tỷ đồng về trụ sở chính ở Hà Lan mà cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa nhận được một đồng nào.
Vậy bằng cách nào có thể thu được thuế của đối tượng doanh nghiệp này?
Theo hiến kế của nhiều chuyên gia, sẽ có 5 cách, nếu áp dụng thì Việt Nam hoàn toàn thu được thuế từ Uber.
Cụ thể, trả lời báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm:
Cách thứ nhất: Thu thuế từ chủ của Uber và hai là tài xế lái xe - người cung cấp dịch vụ.
Ông Khôi dẫn chứng, ở Úc, Chính phủ quy định người lái xe tham gia Uber sẽ phải đóng thuế trên phần thu nhập mà họ nhận được. Từ chỗ bị đánh thuế trực tiếp, những người tài xế cung cấp dịch vụ sẽ thương lượng với Uber và yêu cầu Uber chia sẻ trách nhiệm nộp thuế với họ.
Tuy nhiên, cần phải có một chế tài thật nặng đối với những tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ của Uber mà không đăng ký với cơ quan chức năng. Từ đó, yêu cầu họ tự giác hơn trong việc đăng ký và kê khai thuế.
Cách thứ hai: Thu thuế những người sử dụng dịch vụ - hành khách đi xe.
Có thể coi đây là thuế bán hàng. Nghĩa là mua bất kỳ sản phẩm nào cũng như sử dụng dịch vụ Uber thì khách hàng phải đóng thuế.
Cách thứ ba: Kiểm soát nguồn tiền của Uber.
Trong đó, cần phải có sự kết hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế. Ngân hàng sẽ là bên cung cấp thông tin một năm người Việt chi bao nhiêu tiền vào việc sử dụng dịch vụ của Uber vì người dùng Uber đều trả tiền thông qua thẻ. Còn cơ quan thuế sẽ dựa vào đó để tính toán việc thu thuế.
Cách thứ tư:Yêu cầu Uber cho phép các cơ quan chức năng của nước sở tại được quyền truy cập vào ứng dụng để lấy những thông tin cần thiết về chi tiêu của khách hàng, làm cơ sở thu thuế.
“Nếu Uber từ chối thương thảo, cơ quan an ninh mạng có thể sử dụng tường lửa để chặn việc truy cập ứng dụng này tại Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nêu ý kiến.
Cách thứ năm:Ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát được nguồn tiền thu của Uber. Đây là hiến kế của TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Ông Phong lấy ví dụ, nhà quản lý có thể sử dụng một phần mềm bắt buộc Uber và người cung cấp dịch vụ phải cài đặt phần mềm này để cơ quan thuế có thể kiểm tra.
Ông Phong cũng nhấn mạnh rằng, các loại hình kinh doanh như Uber đang có xu hướng phát triển mạnh, vì vậy nếu xử lý tốt thì sẽ có lợi cho tất cả các bên, từ người cung cấp đến người thụ hưởng dịch vụ.
“Việc đảm bảo bình đẳng, an toàn và thu được thuế là ba điều tiên quyết cần phải giải quyết đối với loại hình kinh doanh này.”, TS Nguyễn Minh Phong kiên quyết nói.
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét