Chiếc đèn có thể mang ánh sáng tới những vùng khó tiếp cận với điện lưới. Ảnh: UTEC. |
Tại nhiều ngôi làng nằm rải rác dọc rừng nhiệt đới Amazon, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn điện sinh hoạt. Nhưng tình trạng này sẽ sớm thay đổi nhờ công nghệ phát điện từ cây xanh.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Kỹ thuật và Công Nghệ (UTEC) tại Peru đã phát minh ra loại đèn có thể sáng liên tục trong nhiều giờ chỉ nhờ cắm vào chậu cây, Mother Nature Network hôm 30/11 đưa tin. Đây là phát minh có thể tạo nên sự thay đổi lớn đối với cộng đồng người dân sống ở các vùng xa xôi trên thế giới.
Loại đèn này có tên Đèn thực vật, sử dụng bóng đèn LED có độ chiếu sáng cao nhưng tiêu thụ ít năng lượng, có thể hoạt động hai giờ mỗi ngày. Chiếc đèn tận dụng năng lượng tích trữ trong đất, phát ra từ chất dinh dưỡng hoặc vi sinh vật do cây thải ra trong quá trình phát triển.
Đèn thực vật cung cấp ánh sáng cho học sinh. Ảnh: UTEC. |
"Chúng tôi đặt cây và đất vào trong một chiếc chậu gỗ đã lắp trước hệ thống tưới an toàn. Sau đó, ở bên trong chậu, chúng tôi đặt hệ thống phát điện lưu trữ đất và các điện cực có thể chuyển chất dinh dưỡng của cây thành năng lượng điện", Elmer Ramirez, trưởng nhóm nghiên cứu Đèn thực vật, giải thích.
Các mẫu thử nghiệm đầu tiên được đưa vào sử dụng tại làng Nuevo Saposa thuộc vùng Ucayali, Peru. Trước dự án này, các cư dân ở đây phải dựa vào ánh sáng từ đèn dầu dù khói bốc ra từ ngọn đèn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Công nghệ có thể được sử dụng ở mọi nơi trên thế giới, tuy nhiên, nó đặc biệt phù hợp để sử dụng ở rừng Amazon, nơi thực vật luôn sẵn có. Đây là một ví dụ hoàn hảo về giải pháp tự nhiên, giúp tận dụng tài nguyên trong vùng.
"Chúng tôi tin phát minh này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các gia đình. Nhờ sử dụng Đèn thực vật, họ có thể tiếp cận nguồn năng lượng dễ tái tạo để thắp sáng nhà ở, trường học và nơi làm việc trong nhiều giờ. Phát minh này đóng góp vào sự phát triển bền vững của cư dân", Jessica Ruas, giám đốc marketing của Đại học UTEC, chia sẻ.
Vân Du
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét