Lí do thực sự của việc ông lớn làng công nghệ, Google, lại muốn tự bắt tay vào làm con chip xử lí cho riêng mình là đâu?
Chip xử lí trên các tiết bị đi động giống như bộ não trên cơ thể người, nó chính là nơi dữ liệu được tiếp nhận và xử lí một cách chính xác. Chip xử lí bao gồm những mạch điện và tụ điện cực nhỏ và nó đảm nhiệm hầu như mọi hoạt động của thiết bị di động bao gồm tính toán, phân tích, xử lí các luồng thông tin mà người dùng đưa vào. Có thể nói đây chính là một trong những thành phần quan trọng nhất trên các thiết bị di động.
Mới đây, ông lớn của làng công nghệ - Google - hiện đang ấp ủ dự án làm vi xử lí và cụm máy ảnh riêng cho hệ điều hành Android của mình. Cũng giống như Apple đã và đang làm điều đó với dòng chip xử lí Ax của họ, Google muốn mang lại sự nhất quán và ổn định cho hệ sinh thái Android, vốn được cho là hệ điều hành bị phân mảnh khá nhiều về phần cứng lẫn phần mềm. Ngoài ra, họ còn muốn nâng cao trải nghiệm của người dùng trong việc chụp ảnh bằng cách giảm thiểu tối đa độ trễ giữa những lúc bấm chụp. Tự làm chip, Google sẽ được lợi gì, bài viết sẽ giải đáp phần nào.
Apple đã đúng về chuyện tự làm chip riêng
Trong các báo cáo doanh thu mới nhất, các điện thoại chạy hệ điều hành Android đã sụt giảm về doanh số và dần nhường thị phần cho Apple. Trước đó, Apple đã thống trị thị trường chip điện thoại đi động bằng con chip Apple A7 với kiến trúc 64-bit, điều này đã cho thấy sự nhanh chóng trong việc phát triển và nghiên cứu sản phẩm của Apple.
Apple rất thông minh khi sử dụng chip xử lí được "thửa" riêng cho hãng trong khi các nhà sản xuất điện thoại khác đều dùng chip của các công ty khác như Qualcomm hay Intel. Thậm chí, Apple còn có một đội kỹ sư riêng để tự thay thiết kế chip xử lí đáp ứng yêu cầu của công ty. Nhờ việc này mà hiệu năng chip của chính Apple tự tay thiết kế đã vượt mặt gần như mọi đối thủ khi ra mắt, một minh chứng cho thấy điều đó là con chip Apple A9 được tích hợp trong iPhone 6S và 6S Plus của họ đã đánh bật các đối thủ khác khi được "tra tấn" với nhiều phần mềm thử nghiệm khác nhau. Thậm chí, cả chip Intel Atom trên máy tính bảng Surface 3 mới đây của Microsoft cũng được đưa lên bàn cân khi so sánh với Apple A9.
Việc tự thiết kế riêng cho mình một con chip mạnh mẽ như vậy khiến cho hệ điều hành iOS nói chung và hệ sinh thái Apple nói riêng trở nên đồng nhất, không phân mảnh và Apple biết sẽ cần cải tiến và thay đổi gì trên chip xử lí trong tương lai để đáp ứng được nhu cầu của phần mềm đặt ra.
Vì sao tự tay thiết kế một con chip riêng lại có lợi như vậy?
Một con chip được "thửa riêng" như thế sẽ tối ưu hoá hiệu năng của máy, hay nói cách khác hơn là sẽ khiến phần cứng và phần mềm tương tác với nhau một cách trôi chảy để không có bất kì hoạt động thừa và lãng phí tài nguyên của chip cũng như phần mềm. Chúng ta có thể thấy dù dòng chip Apple Ax có xung nhịp và số lõi thấp hơn so với các chip của đối thủ, nhưng trải nghiệm trên iDevices (iPhone, iPad, iPod) vẫn rất mượt mà và không bị chậm đi theo thời gian như các thiết bị di động Android.
Một điều nữa là Apple có những "chuẩn mực" riêng cho cái nhà phát triển phần mềm iOS, những "chuẩn mực" đó phải đáp ứng được yêu cầu của phần cứng để đảm bảo rằng ứng dụng phải hoạt động mượt mà ở bất kì iDevices nào. Mặt khác, việc làm chip xử lí riêng thì sẽ phát triển được thêm nhiều tính năng cho thiết bị của mình. Ví dụ như việc Apple đã ra mắt tính năng Apple Pay dùng để thanh toán tiền mặt qua điện thoại bằng cách tích hợp con chip NFC và chip SE (Secure Element) lên các iDevices.
Một ví dụ khác, Apple đã tích hợp con chip Mx (M7, M8 & M9) được thiết kế riêng để đo đạc những thông số như gia tốc, độ cao... để giúp iPhone có những tính năng rất hay như nhận biết được người dùng đang đứng yên, đang đi bộ, đang chạy hay đang đạp xe cho các phần mềm theo dõi sức khoẻ đánh giá. Chính vì những mặt quá lợi về lâu dài này, ông lớn Google không thể đứng yên.
Sự thất thế của Qualcomm
Trong các thử nghiệm và đánh giá ở các báo mạng nổi tiếng hiện nay, chip xử lí của Qualcomm vốn được dùng phổ biến trong các thiết bị di động chạy hệ điều hành Android không được đánh giá cao so với các đối thủ khác. Ví dụ như chip Snapdragon 810 được cho là hoạt động quá nóng, chịp Snapdragon 808 không nóng nhưng lép vế so với chip xử lí của Apple (Samsung sản xuất), và những con chip thấp cấp (Snapdragon 615 và 410) thì không đáp ứng đủ nhu cầu về đồ hoạ.
Điều này xảy ra một phần là do Qualcomm muốn nhanh tay sản xuất chip có kiến trúc 64-bit để cạnh tranh với dòng Ax của Apple, sự hấp tấp này đã khiến Qualcomm phải trả giá. Nó làm cho uy tín của Qualcomm bị giảm sút với các hãng sản xuất thiết bị di động Android. Không ít thì nhiều, Google không thể bỏ qua chuyện này, khi mà hãng luôn muốn cải thiện trải nghiệm của người dùng trên thiết bị đi động.
Muốn phát triển công nghệ mới, bắt buộc phải tự làm chip
Một lí do khác khiến Google không thể không hành động sớm trước các đối thủ là vì công ty đang có rất nhiều kế hoạch cho tương lai. Họ muốn xây dựng một hệ điều hành mạnh mẽ mà trong đó phần cứng và phần mềm liên kết một cách chặt chẽ với nhau. Đơn cử như dự án Tango mới đây, Google muốn mang công nghệ thực tế ảo lên các thiết bị di động của mình. Để đáp ứng được điều này thì phần cứng của chúng phải thật sự đáp ứng đủ những gì phần mềm cần.
Việc sản xuất riêng chip do chính Google phát triển sẽ giúp cho công ty hiểu rõ về phần cứng cũng như phần mềm, từ đó sẽ đưa ra sản phẩm hoàn hảo hơn. Công ty có thể thiết kế chip theo ý riêng của mình để nó có thể đáp ứng được những yêu cầu của phần mềm đưa ra, ví dụ như công nghệ thực tế ảo thì cần xử lí những hình ảnh 3D khá nhiều. Chip xử lí này sẽ đi cùng với sự phát triển của hệ điều hành Android trong tương lai, điều mà Apple đang làm với chip Ax của họ.
Giải quyết được bài toán phân mảnh của Android
Mặt khác, Google sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian cho họ trong quãng đường dài. Hiện nay việc phân mảnh phần cứng và phần mềm của Android khá nặng nề. Đó chính là do hệ điều hành này được thiết kế để đáp ứng gần như mọi yêu cầu về phần cứng, điều này khiến mọi phân khúc thiết bị di động, từ cao cấp đến thấp cấp, đều có thể cài Android. Sự phân mảnh này còn xảy ra ở mảng phần cứng, khi mà có quá nhiều loại chip xử lí, cảm biến ảnh và các loại chip xử lí khác được dùng để làm nên chiếc điện thoại chạy hệ đều hành Android.
Việc tự tiêu chuẩn hoá chip riêng cho mình sẽ khiến Google giảm thiểu sự phân mảnh nghiêm trọng lại, tiết kiệm chi phí và thời gian cho việc sửa lỗi và nâng cấp (không phải một mà là nhiều phiên bản) hệ điều hành của mình. Và nếu các nhà sản xuất điện thoại đều dùng chip xử lí của Google thì sẽ khiến Android trở nên đồng nhất, dễ dàng nâng cấp các tính năng mới hơn.
Cũng vì những lí do trên, các nhà sản xuất điện thoại lớn khác như Huawei, Samsung, LG đều tự phát triển chip xử lí để đáp ứng yêu cầu về phần mềm riêng cho chính sản phẩm của mình. Điều này giúp cho các kĩ sư thiết kế có cái nhìn sâu hơn về phần cứng và phần mềm, cách chúng "giao tiếp" với nhau một cách dễ dàng hơn, từ đó phát triển những sản phẩm hiệu quả về mặt hiệu năng nhưng vẫn đảm bảo lượng pin ổn định.
Trong tương lai, liệu Google sẽ lật đổ ngôi thống trị của Apple trong mảng chip xử lí - hệ điều hành? Khó có thể khẳng định điều đó. Nhưng chắc chắn một điều rằng, cuộc chiến này tuy sẽ khốc liệt nhưng phần lợi sẽ nghiêng về phía người dùng rất nhiều.
Tổng hợp
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét