Các loài cá sấu nguyên thủy tồn tại cách đây 100 triệu năm, chúng không những bơi giỏi mà còn chạy trên cạn nhanh như ngựa.
Hóa thạch của loài cá sấu cổ xưa này đã được các nhà khảo cổ khai quật ở một vùng hẻo lánh của sa mạc Sahara. Chúng nằm ở địa phận tiếp giáp giữa Morocco và Niger. Có tổng cộng 5 loài đã được xác định từ những dấu vết còn lại. Chúng được xác định là những loài vật đã từng “phi nước đại” và thống trị các con sông ở Bắc Phi cách đây 100 triệu năm.
Trong số các bộ xương được phát hiện, các nhà khảo cổ tìm ra 3 loài mới lần đầu được khám phá. Và một trong số đó là nhân vật chính của chúng ta, Kaprosuchus, loài thú dài 6,5 m với một bộ mõm giống hệt cá sấu ngày nay, thậm chí còn cứng cáp và khỏe mạnh hơn thế. Nó đủ khả năng để đâm xuyên con mồi như một chiếc hàm thép.
Loài thứ hai, Laganosuchus thaumastos, chúng có chiều dài tương tự Kaprosuchus. Sở hữu một chiếc đầu dẹt như cá sấu, các con Laganosuchus thường xuyên lẩn khuất dưới dòng nước với chiếc miệng há rộng. Chỉ cần một con cá nào đó vô tình lọt qua sẽ bị tóm gọn.
Các loài này đều được xếp vào dòng dõi tổ tiên của cá sấu sống dưới nước. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, cấu trúc xương của chúng tiết lộ rằng không những bơi lội giỏi, những con cá sấu này còn có thể “phi nước đại” trên cạn chẳng khác nào loài ngựa. So với những con cá sấu hiện nay, chậm chạp với đôi chân mở rộng, bụng chạm đất, những con cá sấu thời nguyên thủy đã từng sở hữu một khả năng hết sức tuyệt vời.
Nhà cổ sinh vật học Paul Sereno bên cạnh những hàm răng cá sấu được tái tạo.
“Loài cá sấu Châu Phi dường như đã từng có hai chân sau có thể đứng thẳng. Chúng sở hữu cặp chân nhanh nhẹn trên đường bộ và một cái đuôi linh hoạt trên đường thủy”, Paul Sereno, một nhà Cổ sinh vật học tại Đại học Chicago viết trên tạp chí National Geographic. “Những phát hiện này đã mở ra đáp án cho câu hỏi rút cuộc loài cá sấu nào đã thống trị phía Bắc lục địa Châu Phi vào 100 triệu năm trước”.
Bên cạnh đó, loài mới thứ ba được phát hiện không để lại cho các nhà khoa học một ấn tượng nào rõ rệt. Chúng chỉ là những con Araripesuchus rattoides, dài vỏn vẹn 1 m và có một hàm răng thích hợp với việc đào đất.
Trở lại năm 2001, chính Sereno cũng đã là người phát hiện ra hóa thạch của một con cá sấu dài 12m, sống ở thời điểm cách đây 110 triệu năm. Nó được đặt tên là SuperCroc và ước chừng nặng tới 8 tấn.
Một số loài cá sấu cổ đại có mõm tương tự như cá sấu ngày nay. Tuy nhiên, một số loài được phát hiện lại có mõm mềm như mõm chó. Điều này thật kỳ lạ. “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi tìm được nhiều loài cá sấu ở cùng một chỗ. Chúng dường như có một chế độ ăn khác nhau. Và vì mỗi loài có một đặc điểm riêng nên chúng đã cùng nhau phân chia hệ sinh thái”, Hans Larsson, một nhà Cổ sinh vật khác đến từ Đại học Montreal cho biết.
Những phát hiện này của các nhà khoa học nằm trong một chương trình được tài trợ bởi National Geographic. Công trình của họ phần nào giúp chúng ta hình dung rõ rệt hơn về một thế giới cổ đại đông đúc và đầy màu sắc ở Châu Phi 100 triệu năm trước. Còn ngày nay, chúng ta phải cảm ơn tạo hóa, bởi thật may mắn khi những con cá sấu không còn chạy trên cạn như ngựa.
Theo Theguardian
Về mặt sinh học, cá sấu là loài bất tử
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét